Các kịch bản nào cho Lễ khai giảng năm học mới 2020 - 2021 đã được Bộ GD&ĐT đã tính toán? Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở GD&ĐT Hà Nội, không ít trường đã có ý tưởng tổ chức lễ khai giảng trong điều kiện đặc biệt.
Hai kịch bản lễ khai giảng
Theo khung thời gian năm học 2020 – 2021 do Bộ GD&ĐT ban hành, học sinh cả nước chính thức tựu trường ngày 1/9 và khai giảng năm học mới ngày 5/9. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng năm học mới hết sức ngắn gọn nhưng ý nghĩa; hình thức linh hoạt bảo đảm giãn cách xã hội. Với những cơ sở giáo dục trong vùng dịch, hiện đang thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng có thể tổ chức khai giảng trực tuyến; bảo đảm hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học và các hoạt động khác.
Những ngày qua, Hà Nội không xuất hiện thêm ca Covid-19 trong cộng đồng, lãnh đạo nhiều trường hy vọng TP kiểm soát được dịch bệnh để năm học 2020 – 2021 học sinh được đến trường trong điều kiện bình thường mới. Không ít trường đã sẵn sàng cho kịch bản ngày khai giảng 5/9 theo trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Phun khử khuẩn và dọn vệ sinh tại trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công |
|
Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm Vũ Thị Phương Anh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Nhà trường tổ chức khai giảng trực tiếp kết hợp trực tuyến. Học sinh đầu cấp (lớp 6 và 10) sẽ xuống sân trường dự Lễ khai giảng, bảo đảm khoảng cách 1m. Học sinh khối lớp khác dự khai giảng trực tuyến trong lớp học bằng việc theo dõi trên màn hình.
Để phòng chống dịch nên thời gian tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn chỉ trong vòng 1 tiếng. Còn Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa Nguyễn Khắc Thành cho hay, nhà trường đã lên các phương án: Nếu TP kiểm soát được dịch tốt thì tổ chức khai giảng trực tiếp ở sân trường, học sinh đứng theo vạch kẻ sẵn cách nhau 2m, đủ chỗ cho 618 em. Còn tình hình dịch bệnh phức tạp thì trường tổ chức khai giảng trực tuyến.
Khai giảng ngắn gọn, súc tích, đậm dấu ấn
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành, thời điểm này, phần lớn các trường ở những nơi dịch bệnh không còn phức tạp như trước, có thể cho học sinh tới trường để tổ chức lễ khai giảng nhưng vẫn bảo đảm phòng chống Covid-19. Muốn làm được việc này, các trường vận dụng linh hoạt, phần lễ hết sức ngắn gọn, tập trung vào những hoạt động của học sinh ngày khai trường.
Nhiều phụ huynh đồng tình với việc trường học tổ chức khai giảng trực tuyến kết hợp tập trung để học sinh cảm nhận được không khí ngày khai trường. Chị Nguyễn Thị Thủy (quận Thanh Xuân) có con vừa đỗ lớp 10 chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn các con được tới trường dự lễ khai giảng. Buổi khai giảng đầu cấp sẽ ghi đậm dấu ấn, các con phấn khởi để từ đó sẽ cố gắng trong năm học hết sức đặc biệt này”.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt nhưng nhiều phụ huynh đề nghị các trường tổ chức lễ khai giảng truyền thống ngắn gọn, súc tích và đầy ý nghĩa. Về việc này, bà Vũ Thị Phương Anh cho hay, trong lễ khai giảng, nhà trường sẽ tổ chức chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, phát biểu của đại diện Chủ tịch Hội đồng quản trị, đánh trống khai trường, văn nghệ, tuyên dương thủ khoa, á khoa, trao cờ truyền thống. Năm nay, các tiết mục văn nghệ được rút ngắn nhưng có bài đồng ca do học sinh biểu diễn để tạo sự đoàn kết.
Thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu ý tưởng, lễ khai giảng lấy học sinh làm trung tâm. Bao gồm có chào đón các em đầu cấp lớp 1, 6, 10; giới thiệu ngắn gọn về truyền thống nhà trường, đội ngũ giáo viên; hướng dẫn sơ bộ phương pháp học tập ở cấp mới. Các tiết mục văn nghệ cần được chọn lọc phù hợp, ngắn gọn nhưng vẫn hấp dẫn học sinh. Trong lễ khai giảng nên có mặt của một vài thế hệ học sinh cũ giao lưu với học sinh mới.
Về các hình thức khai giảng online, các trường có thể lựa chọn livestream trên các nền tảng trực tuyến (Facebook, Youtube…); khai giảng trực tuyến theo đơn vị lớp như một buổi học online. Hoặc nhà trường tổ chức khai giảng, ghi hình, biên tập thành clip, video, rồi đưa lên nền tảng trực tuyến để học sinh theo dõi.