Không khí sáng tác phấn khởi, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội

Miên Thảo| 08/08/2020 08:31

Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cũng như BCH 9 hội chuyên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc định hướng và tổ chức sáng tác cho hội viên. Các cuộc hội thảo, tọa đàm, những chuyến đi thực tế được các Hội chuyên ngành tổ chức tạo được tiếng vang cùng không khí sáng tác phấn khởi, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Không khí sáng tác phấn khởi, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội
Các hội viên Hội Văn nghệ dân gian chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đi điền dã

Thúc đẩy phong trào sáng tác

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Theo báo cáo sơ kết, 6 tháng đầu năm 2020 có nhiều sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng… Cũng trong 6 tháng qua, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, cán bộ và hội viên phải thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Trung ương và thành phố. Song với phương châm: “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới và phát triển”, Hội Liên hiệp đã rất nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị - nghề nghiệp của mình, các hoạt động chuyên môn được tổ chức có quy mô hợp lý và đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, ngay từ đầu xuân, văn nghệ sĩ Thủ đô đã có cuộc gặp mặt với lãnh đạo thành phố, được nghe về tình hình phát triển và các dự án sắp tới của thành phố. Cùng với đó, không khí sáng tạo văn học nghệ thuật được đẩy mạnh thông qua việc Hội Liên hiệp tích cực phát động nhiều cuộc thi, vận động sáng tác như: Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về Bác Hồ nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hưởng ứng công tác phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội và cả nước. Văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành đã tích cực hưởng ứng tham gia và đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Hội Điện ảnh đã triển khai kịch bản và kế hoạch sản xuất phim tài liệu “Bác Hồ với Thủ đô” nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Bác và trình UBND TP. Hà Nội. Hơn 100 tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, văn học được văn nghệ sĩ Thủ đô sáng tác khích lệ tinh thần phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội và cả nước... 

Riêng với Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Âm nhạc thu được 40 tác phẩm dự thi và xét chọn 18 tác phẩm vào vòng sơ khảo. Hội Nhiếp ảnh triển khai cuộc thi và triển lãm ảnh. Hội Sân khấu nhận được 15 kịch bản dự thi để Hội đồng nghệ thuật tiến hành thẩm định và lựa chọn 11 kịch bản vào vòng sơ khảo. Hội Điện ảnh Hà Nội cũng đã phát động cuộc vận động sáng tác và Hội đồng nghệ thuật chọn ra 5 kịch bản phim đưa vào vòng sơ khảo... Hội Kiến trúc sư phát động Giải thưởng Kiến trúc sư Hà Nội 2019 - 2020 kết hợp với sáng tạo tác phẩm chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp còn phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn soạn thảo dự thảo Điều lệ sửa đổi bổ sung của 9 hội chuyên ngành. Hội cũng đã quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn báo Người Hà Nội lập Đề án chuyển đổi mô hình thành tạp chí Người Hà Nội; tặng thưởng cho các cá nhân báo Người Hà Nội nhân kỷ niệm 35 năm báo ra số đầu tiên và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Duy trì hoạt động chuyên môn 

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các hội chuyên ngành đã khẩn trương triển khai nhiều hoạt động chuyên môn khá hiệu quả. Về mở trại sáng tác, Hội Nhà văn đã tổ chức cho hội viên đi dự trại sáng tác của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Tam Đảo, Hội Mỹ thuật cũng tổ chức trại sáng tác cho 15 hội viên tại Nha Trang, thu được 26 tác phẩm có chất lượng.

Các đợt đi thực tế, điền dã cũng được các hội chuyên ngành tổ chức đều đặn và thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hội Văn nghệ dân gian tổ chức cho hội viên đi điền dã thực tế tại chùa Đại Từ Ân và Khai Nguyên, đi thực tế tại Lai Châu nhằm tìm hiểu văn hóa các dân tộc người Tây Bắc. Hội Nhiếp ảnh tổ chức đi thực tế tại Cửa Lò cho 22 hội viên. Hội Điện ảnh tổ chức đi thực tế tại cụm di tích lịch sử văn hóa làng Nôm - Hưng Yên.

Hoạt động triển lãm và liên hoan nghệ thuật cũng rất phong phú và đa dạng. Hội Nhiếp ảnh phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Việt Nam triển khai Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ VIII và chuẩn bị Liên hoan ảnh nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh. Hội Mỹ thuật gửi 4 tác phẩm của các em thiếu niên Hà Nội tham gia triển lãm quốc tế thiếu niên tại Tokyo - Nhật Bản.

Đặc biệt, nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên ngành đã được tổ chức sôi nổi. Hội Sân khấu tổ chức hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh với nghệ sĩ Sân khấu Thủ đô”, Hội Nhà văn tổ chức hội thảo “Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước”, Hội Điện ảnh tổ chức tọa đàm “Nghệ sĩ Điện ảnh Thủ đô sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Hội Văn nghệ dân gian tổ chức tọa đàm “Những biểu tượng văn hóa “bùa chú” của Việt Nam” và “Nguồn gốc người Việt”…

Ngoài ra, Hội Kiến trúc sư tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm ngày kiến trúc Việt Nam 27/4, phát động cuộc thi “Ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến”, tham gia phản biện và đóng góp ý kiến 15 dự án xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Hội Âm nhạc phối hợp với công đoàn ngành giáo dục Việt Nam sưu tầm, chọn lọc và biên tập “Tuyển tập 100 bài hát về nhà trường, thấy cô giáo và học sinh”; biên tập 7 chương trình “Tình yêu Hà Nội” trên sóng truyền hình nhân dân với 34 tác phẩm của 33 tác giả là hội viên của Hội. Báo Người Hà Nội đã vượt qua khó khăn của dịch bệnh nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung với nhiều ấn phẩm đặc biệt và tổ chức thành công lễ kỷ niệm 35 năm ngày ra số báo đầu tiên và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba… 

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, 6 tháng đầu năm, Hội Liên hiệp có quy mô hoạt động đa dạng, luôn giữ vững tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, vươn tới các giá trị nhân văn chân chính trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn chiến đấu và xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày. Hội đã thường xuyên trau dồi việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm gìn giữ và xây dựng lối sống người Hà Nội, phong cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phục vụ cho mục tiêu phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững. 

Trong 6 tháng cuối năm, Hội Liên hiệp sẽ phối hợp với Sở Nội vụ hoàn thiện Điều lệ các hội chuyên ngành, Đề án nhân sự để các hội chuyên ngành tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn như: tổ chức trại sáng tác, đi thực tế, hội nghị, hội thảo chuyên môn, các hoạt động đầu tư sáng tác và liên kết với các hội bạn và cơ quan bạn; các chương trình xuất bản, biểu diễn và triển lãm... Việc xây dựng một thế đứng vững chắc cho Hội Liên hiệp, để có thể tự chủ phần nào kinh phí hoạt động là yêu cầu mang tính chiến lược trong quá trình xã hội hóa hoạt động và đưa văn học nghệ thuật đứng vững được bằng hoạt động của mình, triển khai các ý tưởng đóng góp xây dựng một nền “công nghiệp văn hóa”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Không khí sáng tác phấn khởi, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO