Quảng bá du lịch qua không gian phố cổ
Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong đã báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện Chương trình số 06 gắn với thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Để triển khai thực hiện Chương trình số 06, Quận ủy - HĐND - UBND quận Hoàn Kiếm kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, gắn với các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể từng ngành, lĩnh vực trong toàn quận. Nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người dân trên địa bàn được nâng cao.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo chương trình của quận chú trọng xây dựng môi trường văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao khảo sát các di tích xuống cấp cần đầu tư tu bổ, tôn tạo để báo cáo đề xuất thành phố hỗ trợ về nguồn lực đầu tư 6 di tích trong giai đoạn 2022-2025 với số tiền 361,8 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá hiện trạng các di tích trên địa bàn phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, bên cạnh các điểm di tích cố định lấy đó là những hạt nhân, quận còn linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng lồng ghép một cách hài hòa với các không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, không gian bích họa phố Phùng Hưng, phố sách 19/12 tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20 nghìn lượt khách đến với không gian phố đi bộ. Qua đó, góp phần đưa lượng khách du lịch quốc tế có lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng mạnh. Phố đi bộ trở thành điểm đến văn hóa, đồng thời góp phần rất lớn vào sự phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ của quận, di tích quốc gia khu vực phố cổ Hà Nội.
“Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cùng với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội đã trở thành thương hiệu, điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô. Các hoạt động trong không gian đi bộ trên địa bàn quận đã có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội và cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm”, đồng chí Đinh Hồng Phong chia sẻ.
Kể từ ngày 18-3 vừa qua, quận Hoàn Kiếm mở lại các không gian đi bộ trên địa bàn để khởi động hoạt động du lịch. Đồng thời, chỉ đạo hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong ngành Du lịch để nhanh chóng phục hồi, phát triển các hoạt động, các sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố xem xét hỗ trợ từ ngân sách thành phố để thực hiện các dự án về văn hóa, giáo dục; có giải pháp cụ thể đối với các di tích lịch sử, văn hóa đã bị biến dạng, không còn yếu tố thờ cúng và hướng dẫn cụ thể phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đáng chú ý, để triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng tuyến phố văn hóa ẩm thực tại phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông, quận đề xuất thành phố cho phép tổ chức phố đi bộ, cấm các phương tiện lưu thông tại tuyến phố theo 2 giai đoạn của đề án.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với quận Hoàn Kiếm về việc triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch trong khuôn khổ Chương trình số 06; việc phối hợp giữa quận với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình thời gian tới. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị liên quan để khai thác hiệu quả không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội nhằm thúc đẩy du lịch của Thủ đô.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự chủ động, tích cực, rất có trách nhiệm của quận Hoàn Kiếm trong việc triển khai Chương trình số 06. Trong đó, quận đã đề cao vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, phát triển công nghiệp văn hóa… Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đánh giá quận đang triển khai Nghị quyết 09/NQ-TU đúng hướng, mạnh dạn đề xuất những việc rất mới, nếu thực hiện thành công sẽ thay đổi được cơ bản phát triển văn hóa trên địa bàn cũng như những lĩnh vực phát triển khác của quận.
Nhấn mạnh giai đoạn 2021-2025 thành phố xác định các nhóm lĩnh vực: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, thời trang... để tập trung phát triển và khẳng định Hoàn Kiếm hội tụ đầy đủ điều kiện, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, quận cần bình tĩnh đánh giá lại xem lợi thế của quận là gì, đặc biệt là những điểm nghẽn đang cản trở phát triển hiện nay. “Phải chăng nhiều lĩnh vực của Hoàn Kiếm đã phát triển đến giới hạn, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, bộ mặt đô thị phát triển không đồng đều, cuộc sống người dân chênh lệch lớn…”, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý.
Chia sẻ với những lợi thế về văn hóa mà quận Hoàn Kiếm đang nắm giữ, theo Phó Bí thư Thành ủy, việc đầu tiên phải thống nhất về mặt nhận thức là phát triển văn hóa, phát triển con người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nền tảng để chúng ta phát triển bền vững. “Cấp ủy, chính quyền, cán bộ phải nhận thức sâu sắc vấn đề này. Phải xác định mục tiêu, trách nhiệm của quận Hoàn Kiếm ở mức độ cao hơn. Hoàn Kiếm phải đi đầu toàn thành phố trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là công nghiệp văn hóa”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Cho rằng chưa bao giờ lĩnh vực văn hóa đứng trước nhiều cơ hội phát triển như hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, phát triển văn hóa, giáo dục, con người hay rộng hơn là phát triển công nghiệp văn hóa vô cùng quan trọng, phù hợp với xu thế hiện nay. Trong đó, cần chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố đã lựa chọn việc phát triển khu vực hai bên bờ sông Hồng, nên quận Hoàn Kiếm phải xác định mục tiêu, trách nhiệm ở mức độ cao hơn, đi đầu trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, con người, nhất là công nghiệp văn hóa. “Phải mạnh dạn từ trong tư duy, có sự so sánh, tham khảo với các thành phố, thủ đô lớn trên thế giới để có sự phát triển phù hợp. Trong đó, cần gắn chặt câu chuyện phát triển văn hóa gắn với đô thị, phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết.
Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu, quận Hoàn Kiếm tập trung xây dựng kế hoạch phát triển hằng năm, trên cơ sở phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô khu vực và quốc tế. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, quận Hoàn Kiếm cần xác định lại nội hàm của cụm từ “Phố đi bộ” mà cần hướng đến phát triển “Không gian văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm”. Đồng thời, quận cần sáng tạo, mạnh dạn hơn trong đưa ra các ý tưởng để triển khai xây dựng các dự án liên quan đến không gian văn hóa.
“Quận Hoàn Kiếm cần sớm có đề án phát huy, khôi phục phố nghề, đặc biệt là những nơi có giá trị phi vật thể như tranh Hàng Trống. Trong đó, có thể giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ các nghệ nhân để duy trì các phố nghề. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển các thị trường, sản phẩm văn hóa của Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Văn Phong phát biểu và đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với quận Hoàn Kiếm để triển khai hiệu quả Chương trình số 06. Trước mắt, quận Hoàn Kiếm cần đưa nội dung sáng tạo, giáo dục di sản và giáo dục địa phương vào các chương trình giảng dạy của nhà trường, qua đó góp phần xây dựng các công dân sáng tạo.