Để chủ động phòng, chống đói, rét, giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các huyện, thị xã, các đơn vị chuyên môn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Nếu nhiệt độ trong ngày dưới 13 độ C không chăn thả trâu, bò.
Người chăn nuôi chủ động gia cố chuồng trại, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ dưới 13 độ C |
|
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, thời tiết trong vụ Đông xuân 2020 – 2021 được dự báo có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, có thể ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi. Theo đó, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các Phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng các biện pháp chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Thành lập tổ công tác kiểm tra việc tổ chức, thực hiện của UBND các xã, phường, thị trấn trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét của các cơ sở, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đặc biệt trú trọng những nơi có nguy cơ cao và đã để xảy ra vật nuôi bị ảnh hưởng do đói, rét trong những năm trước đây.
Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống đói, chống rét cho đàn vật nuôi.
Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.
Chỉ đạo Phòng Kinh tế và cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi để người chăn nuôi được biết và chủ động thực hiện như: áp dụng các biện pháp sưởi ấm cho trâu, bò vào ban đêm như dải chất độn chuồng, ủ trấu, đốt lửa (lưu ý tránh gây cháy hoặc khói quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe đàn trâu, bò). Ngoài thức ăn thô xanh cần bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như cám gạo cho trâu, bò, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn của đàn vật nuôi. Cho trâu, bò uống đủ nước, trong những ngày giá rét cho uống ước ấm có hòa muối với lượng khoảng 9-10g/lít nước. Đối với gia súc, gia cầm non, gia súc gầy yếu cho ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường thức ăn năng lượng cao, che chắn chuồng trại, tránh gió, sưởi ấm cho vật nuôi.
Song song với đó, tổ chức trồng cỏ, ngô dày, ngô sinh khối, chế biến, dự trữ có khô, cây ngô, cây sắn, thức ăn ủ chua đảm bảo thức ăn xơ cho vật nuôi trong mùa Đồng. Gia cố chuồng trại, dùng bạt dứa, tấm ni long lớn hoặc các loại vật liệu khác để che chắn kín chuồng trại, hạn chế gió lùa; dùng các loại chăn, áo cũ, bao tải gai hoặc các vật liệu khác để giữ ấm cho gia súc; luôn giữ nền chuồng khô ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ, trấu hoặc mùn cưa; nếu nhiệt độ trong ngày dưới 13 độ C không chăn thả trâu, bò.
Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi hàng ngày, nếu có dấu hiệu bất thường, dấu hiệu gia súc bị bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp bị thiệt hại do giá rét gây ra cần kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ theo các quy định hiện hành của Trung ương và TP. Thống kê số lượng vật nuôi bị thiệt hại trên địa bàn báo cáo về Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo TP.
Ông Đăng đề nghị, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Phối hợp với phòng, ban chuyên môn các huyện, thị xã UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi thực hiện mô hình áp dụng các biện pháp chống rét cho vật nuôi. “Theo dự báo thời tiết mùa Đông năm nay còn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, rất có thể còn có những đợt rét đậm, rét hại tiếp theo trong mùa Đông năm nay. Như vậy, công tác ứng phó, phòng chống rét cho người và vật nuôi, cây trồng cần phải đảm bảo tính lâu dài, hiệu quả. Có như vậy mới giảm thiểu được ảnh hưởng, thiệt hai đến đời sống, sản xuất của người dân” – ông Đăng khuyến cáo.