Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long) cho biết, hiện việc thi công đang chậm tiến độ so với yêu cầu của thành phố do nhiều khó khăn khi phải di chuyển các công trình ngầm nổi, đánh chuyển cây xanh và giải phóng mặt bằng liên quan đến 885 hộ dân (trong đó còn gần 500 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng xong). Đặc biệt, việc thi công trên tuyến gặp nhiều khó khăn vì tuyến đường có mật độ giao thông rất đông. Di chuyển cây xanh và giải phóng mặt bằng được đến đâu, các đơn vị sẽ thi công ngay đến đó nhằm phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án trong quý I -2018.
Theo ông Vương Long, đại diện Công ty BeePro, đơn vị đảm trách việc thi công đánh chuyển, cắt tỉa hơn 1.200 cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, sau 10 ngày, đơn vị đã cắt tỉa đánh chuyển được 150 cây xanh. Thực tế, nhiều cây xà cừ cong nghiêng rễ bị mục, hỏng lên tới trên 50% cần phải chặt hạ. Có nhiều cây xà cừ lâu năm muốn đánh chuyển phải đào rộng ra từ 3-5m, sâu trên 2m. Trồng lại ở vườn ươm cần đến 25m2 cho mỗi cây, chưa kể phải dùng hệ thống chống đỡ cao, rất tốn kém trong khi cây còn ít khả năng tăng trưởng, khó tái sử dụng.
Trong quá trình trực tiếp kiểm tra tại công trường, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung thi công bảo đảm tiến độ dự án, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, phân luồng giao thông hợp lý không để ảnh hưởng đến đến người dân. Đồng thời, các đơn vị thi công, tư vấn giám sát khẩn trương xem xét, xử lý một số bất cập được Đoàn kiểm tra phát hiện như: cốt đường vành đai 3 mở rộng đang cao hơn các tuyến đường xung quanh dẫn đến khó kết nối với các tuyến đường khác. Bên cạnh đó, phải có biện pháp đồng bộ để kết nối hệ thống thoát nước trên tuyến đường vào hệ thống chung của thành phố, không để xảy ra úng ngập sau này…
Đối với việc đánh chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, lãnh đạo thành phố yêu cầu Công ty BeePro triển khai thêm các xe tự hành chuyên dụng, không để cành cây rơi ra đường; thi công chủ yếu vào đêm để tránh gây ùn tắc giao thông và đặc biệt là xem xét kỹ các phương án đánh chuyển, chặt hạ để đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí.