Ác mộng “đổi đời”: Bài 3 - Công ty Cổ phần TMS Nhân lực thu phí cọc vượt gần gấp đôi quy định
Việc khách bỏ trốn để lao động bất hợp pháp không mới, song đây là bài học cho các doanh nghiệp lữ hành nhằm tránh những hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài.
Tư vấn cho khách hàng lựa chọn tour đi du lịch Hàn Quốc (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Mạnh Hùng |
Nhiều hình thức tinh vi
Lợi dụng du lịch nước ngoài rồi tách đoàn bỏ trốn là hình thức được các đối tượng sử dụng khá phổ biến để ở lại quốc gia nào đó sinh sống, làm việc bất hợp pháp, bên cạnh việc kết hôn giả, du học. Đặc biệt, trong những năm gần đây, do các kênh xuất khẩu lao động khác bị siết chặt, không ít người đã lựa chọn hình thức đi du lịch, rồi trốn ở lại nước sở tại để làm việc.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Trans Viet, nếu tham gia trót lọt một tour đến Hàn Quốc, rồi trốn để ở lại làm việc thì chỉ mất hơn 10 triệu đồng mua tour, trong khi đó có thể tốn kém hơn hàng chục lần, nếu định đi lao động trái phép dưới hình thức khác. Chính vì vậy, tình trạng khách du lịch rồi bỏ trốn để ở lại nước họ đến du lịch để sinh sống, lao động xảy ra khá nhiều. Hơn hai năm qua là thời điểm các công ty lữ hành phải đối mặt với nhiều hình thức tinh vi trong việc tạo lập hồ sơ của khách, nhất là đối với các khách đi đến những nước, vùng lãnh thổ tập trung nhiều lao động Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước Châu Âu.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, có trường hợp không biết bằng cách nào đã xin được suất đi tour Hàn Quốc với danh nghĩa phụ trách đại diện khu vực của một doanh nghiệp. Với một hồ sơ "đẹp" như vậy, vị khách này đã dễ dàng qua mặt các khâu kiểm tra để rồi ở lại Hàn Quốc. Còn theo một doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, có đôi nam nữ cùng đăng ký tour Hàn Quốc với giấy kết hôn, các giấy tờ chứng minh tài chính. Trong đó khách nữ đã từng đến nhiều nước phát triển, có công việc ổn định và có tài sản cố định ở Việt Nam. Thế nhưng, đến gần ngày xuất phát, khách nữ cáo ốm, không thể theo đoàn. Sang Hàn Quốc, người được xem là chồng của khách nữ kia lẳng lặng tách đoàn, để lại sự ngỡ ngàng cho hướng dẫn viên. Còn đơn vị lữ hành sau khi xem xét kỹ và xác minh lại hồ sơ mới phát hiện giấy đăng ký kết hôn là giả, khiến người đàn ông kia thực hiện trót lọt ý đồ.
Thậm chí, một số du khách còn ngụy tạo hồ sơ bằng cách “tẩy” hộ chiếu. Theo đó, họ sẽ đi du lịch tại một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, sau đó mới nộp hồ sơ để đi Hàn Quốc. Do hồ sơ đầy đủ nhiều tiêu chí nên họ "qua mặt" được các công ty lữ hành và các quy trình kiểm tra tiếp theo.
Để kiểm soát, có doanh nghiệp lữ hành phải huy động tới 4-5 nhân viên chuyên lọc hồ sơ của khách và có những đợt, doanh nghiệp phải gạt tới 600 hồ sơ trong số 1.000 hồ sơ đăng ký đi tour Hàn Quốc. Thậm chí, có trường hợp đã chấp nhận đặt cọc tới 600 triệu đồng, nhưng cũng không được chấp nhận hồ sơ.
Bà Vũ Thị Bích Huệ, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing, Công ty cổ phần HanoiRedtour chia sẻ: Do có tình trạng khách trốn ở lại nước sở tại, nên công việc của các công ty lữ hành tăng lên gấp bội, nhất là khâu thẩm định hồ sơ của khách trước khi xin thị thực. Đây được xem là "màng lọc" quan trọng để hạn chế tình trạng khách trốn ở lại, nhằm giữ uy tín của doanh nghiệp. Nếu không làm tốt, doanh nghiệp sẽ bị “treo” xin thị thực cho khách trong thời gian nhất định. Bởi lẽ, có đại sứ quán đã áp dụng hình thức xử lý với doanh nghiệp lữ hành Việt Nam bằng cách: Nếu để 3 khách trốn ở lại trong quá trình tham gia tour tại nước đó, thì không được cấp thị thực khách trong vòng 3 tháng; để 6 khách trốn lại, không được cấp thị thực trong vòng 6 tháng và nếu nhiều hơn có thể bị đình chỉ cấp thị thực... Khi đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cũng gây phiền toái cho các du khách có nhu cầu du lịch thực sự.
Doanh nghiệp không thể tự giải quyết
Hàn Quốc là điểm đến được nhiều khách du lịch Việt Nam ưa chuộng. |
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, Trans Viet và nhiều doanh nghiệp lữ hành đã nỗ lực hết sức để hạn chế tình trạng lợi dụng đi du lịch rồi trốn ở lại. Nhiều giải pháp đã được thực hiện để doanh nghiệp giữ uy tín với các nước cũng như tăng doanh số kinh doanh. Chẳng hạn, phía đại sứ quán chỉ yêu cầu ở mức độ 8, nhưng Trans Viet thực hiện đến mức độ 10. Có khách đăng ký là đại lý của một công ty sơn phải gửi cả hình ảnh động về đại lý của mình để chứng minh. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành còn kiểm tra qua địa chỉ của khách trên mạng xã hội…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, những nỗ lực của doanh nghiệp cũng không thể ngăn chặn được tình trạng này. Sau mỗi tour, chỉ khi cả đoàn khách trở lại Việt Nam trọn vẹn thì mới là thành công. Trong khi đó, hiện tượng này thực chất là hành vi vi phạm pháp luật và không phải ai cũng có thể tự tạo nên những bộ hồ sơ đẹp, đủ thuyết phục mọi khâu kiểm tra. Chắc chắn phải có nhiều người khác cùng tham gia, đạo diễn, giúp sức thực hiện. Bởi vậy, rất cần các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, nhằm hạn chế tối đa hiện tượng nêu trên, giúp doanh nghiệp lữ hành bớt sức ép, khó khăn.
Có thế thấy rằng, việc kiểm tra hồ sơ xin cấp thị thực của các doanh nghiệp lữ hành cũng chỉ mang tính nghiệp dư, bất đắc dĩ. Họ không thể chắc chắn và đủ thẩm quyền để xác minh tính chính xác của nhiều hồ sơ, do vậy, rất cần những động thái mạnh mẽ từ nhiều ngành chức năng khác để doanh nghiệp không phải lo lắng, mỗi khi tiếp nhận hồ sơ của du khách.
Mặt khác, nếu tình trạng khách đi du lịch nước ngoài rồi trốn lại kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Do đó, việc xử lý nghiêm vấn đề này cần phải được làm khẩn trương để tránh những hệ lụy không đáng có.