Kế thừa và phát triển: Bài học làm báo từ thế kỷ trước

Phan Thị Thanh Nhàn| 08/05/2020 10:17

Suốt chặng đường 35 năm, báo Người Hà Nội không ngừng phấn đấu và phát triển, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, tiếng nói của giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Để có được thành quả đó, không thể thiếu sự tận tâm dẫn dắt của nhiều thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Trong số báo đặc biệt này, xin được giới thiệu chia sẻ của một số lãnh đạo báo đã từng gắn bó với Người Hà Nội.

Kế thừa và phát triển
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn 

Bài học làm báo từ thế kỷ trước

Nhà văn Tô Hoài là người sáng lập cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của báo. Tôi vinh dự được làm việc và cộng tác với ông một thời gian khá dài, cùng với các anh: Bằng Việt, Tô Hà, Chử Văn Long, Triệu Bôn... Với tôi đó là những năm tháng, những kỷ niệm không thể quên.

Ngày ấy, buổi sáng đi làm chúng tôi mỗi người xách theo một cặp lồng cơm. Giờ ăn trưa, mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện rôm rả. Có hôm, tôi thấy Tổng Biên tập mở cặp lấy ra một nắm trăng trắng, vàng vàng, không biết là bánh mì hay cơm nắm (?). Tôi tò mò lại gần xem thử thì bác Tô Hoài cười, đưa cái nắm ấy ra mời.

Thì ra là phẩm oản. Tôi hỏi đùa:

 - Bác gái đi chợ vắng, cụ mang tạm phẩm oản lộc từ hôm Tết đi ăn trưa ạ?

 Nhà văn cười:

- Nhai kỹ vẫn bùi bùi, thơm thơm, chả có làm sao nhé! Nhưng thôi, các cô, các cậu theo mình ra ngõ Hàng Chiếu đi! 

Lúc đó tòa soạn báo ở 19 Hàng Buồm. Còn cái ngách Hàng Chiếu, chợ Đồng Xuân là nơi bày bán rất nhiều món ăn: xôi chè, phở chua, nem rán, bún thang, bún ốc, bún đậu, phở cuốn, nem chua... Những buổi được Tổng Biên tập mời như vậy rất xôm. Vừa  ăn, nhà văn Tô Hoài vừa kể về nem rán gốc ở Sài Gòn, phở chua là của Lạng Sơn, bún ốc là quà quê, bún thang mới thực là món cầu kỳ của người Hà Nội,... Món nào qua lời kể của ông cũng thật tinh tế và hấp dẫn. 

Ăn xong, chúng tôi về ngồi quây quần uống trà trong phòng Tổng Biên tập. Bác Tô Hoài thong thả nhắc nhở chung chung: “Sáng nay tôi nhận bài Chuyện cũ Hà Nội, có hai câu, nếu không biết thì rất dễ bỏ qua. “Phần thưởng là một dải lụa đỏ“ và “chiếc kiệu sơn đen“. Đó là cách nói của hôm nay, còn đúng như ngày xưa, phải là: Phần thưởng là một tấm lụa đào và  chiếc kiệu sơn then. Tôi đã sửa lại rồi. Các cô, các cậu còn trẻ, phải chịu khó đọc nhiều, ghi chép nhiều để khỏi quên. Muốn là người biên tập cẩn thận thì cái gì cũng phải biết, nhất là câu chữ”.

Có lần tôi đưa nhà văn Tô Hoài duyệt bài Số nhà trong thành phố mà tôi vừa viết xong. Bác đọc và lấy bút xóa ngay chữ thành, chỉ còn là Số nhà trong phố. Bác nhìn tôi cười: “Chỉ là số nhà thôi, chữ thành phố của cô hơi to chuyện quá phải không?”. Tôi gật đầu khâm phục. Bác chỉ cần xóa đi một chữ, mà bài báo nhỏ của tôi bỗng giản dị nhưng chính xác hơn rất nhiều.
Kỷ niệm của tôi với báo Người Hà Nội thì nhiều, nhưng tôi chỉ muốn nhắc lại cách làm việc uyên bác, giản dị và hết lòng với công việc viết báo, biên tập bài vở, chỉ dạy lớp sau tận tình của nhà văn Tô Hoài, thời bác làm Tổng Biên tập và tôi làm Phó Tổng Phụ trách cho bác, từ thế kỷ trước.
Hà Nội, tháng 1/2020

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Kế thừa và phát triển: Bài học làm báo từ thế kỷ trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO