Kể huyền tích chùa Một Cột

Hanoimoi| 10/08/2022 08:46

Chùa Một Cột - một biểu tượng văn hóa nghìn năm của Thủ đô, niềm tự hào của người dân Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục châu Á ghi nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”, trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn đẹp tao nhã giữa lòng Hà Nội. Nhưng không phải ai cũng hiểu biết về sự ra đời của ngôi chùa này. Vì thế, vở kịch “Huyền tích chùa Một Cột” của Sân khấu Lệ Ngọc vừa ra mắt đã thu hút công chúng Thủ đô.

Kể huyền tích chùa Một Cột

Chùa Một Cột còn có tên gọi là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài, tọa lạc ở phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội, được xây dựng vào năm 1049. Tương truyền, chùa được xây theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) - vị vua thứ hai của Triều Lý và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ.

Vào năm 1049, vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Quán Thế Âm Bồ Tát tọa trên một đài sen, sau đó Phật Bà còn mời nhà vua ngự cùng. Khi biết câu chuyện chiêm bao của vua Lý Thái Tông, nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua nên xây dựng một ngôi chùa với cột đá, tòa sen đặt trên cột như đã thấy trong mơ, đặt tên là Diên Hựu, có nghĩa là “phúc lành dài lâu”.

Vở kịch “Huyền tích chùa Một Cột” đưa người xem trở về thời kỳ thịnh trị đó của đất nước để khám phá câu chuyện lịch sử độc đáo và hấp dẫn này. Cùng với tư liệu lịch sử, những tương truyền trong dân gian, tác giả Lê Thế Song đã hư cấu một cách hợp lý để có cốt truyện kịch khá hấp dẫn, lôi cuốn. Trong đó, có những mâu thuẫn trong triều đình, những âm mưu của kẻ ngoại bang... Xung đột lớn nhất trong vở kịch là âm mưu của giặc muốn cắm chiếc cột lớn để phá long mạch đang thịnh của đất nước. Nhưng vua Lý Thái Tông - một bậc quân vương anh minh, cơ trí, đã biến âm mưu đen tối đó thành điểm sáng khi xây dựng trên chiếc cột một ngôi chùa mang hình dáng hoa sen như thấy trong giấc mơ…

Thông qua huyền tích về sự ra đời của chùa Một Cột, vở diễn tái hiện một giai đoạn thịnh trị của đất nước thời Lý, từ đó nổi bật hình tượng vua Lý Thái Tông với thuật “trị nước lấy nhân tâm làm trọng”. Đúng như lời thoại của nhân vật vua Lý Thái Tông còn ấn tượng mãi với người xem: “Phải lấy nhân trị đức, muốn an dân thì phải biết nghe lời can gián của các bậc trung thần, bởi xưa nay ai được nhân tâm thì hưng thịnh, ai cậy vào sức thì sẽ mất. Bình thiên hạ, ở trí chứ không ở sức, thu tấm lòng thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo…”.

Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Bùi Như Lai đã chọn cách kể chuyện gần gũi, mộc mạc, giàu tính ước lệ để người xem dễ tiếp nhận. Các tuyến nhân vật được khắc họa rõ nét, cốt truyện mạch lạc, thiết kế sân khấu linh hoạt, âm thanh, ánh sáng chỉn chu hỗ trợ nhiều cho thành công vở diễn. Dàn diễn viên bên cạnh những gương mặt kỳ cựu như Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc (vai hoàng hậu Thiên Cảm), nghệ sĩ Văn Hải (vai vua Lý Thái Tông), còn có các nghệ sĩ Anh Tuấn, Lâm Cương, Thu Phương, Lưu Hoàng, Diệu Linh, Anh Đào… Tuy khá quen thuộc nhưng với diễn xuất đa dạng, vững chắc, họ đã tạo nên dấu ấn riêng.

Với vở diễn “Huyền tích chùa Một Cột”, thêm một lần nữa Sân khấu Lệ Ngọc cho thấy sự dấn thân tìm tòi, khai thác đề tài lịch sử với mong muốn thế hệ hôm nay thêm hiểu biết lịch sử, nâng niu những giá trị văn hóa, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tình yêu nước, tình đoàn kết dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguồn nhân lực múa: Từ chuyển động trong đào tạo đến kỳ vọng hệ sinh thái
    Trong những năm gần đây, đào tạo nghệ thuật múa tại Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong hệ thống giáo dục nghệ thuật, cũng như thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống biểu diễn và thị trường lao động văn hóa. Nhu cầu về một thế hệ nghệ sĩ múa có tư duy sáng tạo, khả năng phản biện và hội nhập đang đặt ra yêu cầu mới cho các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp của Khoa Múa - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội năm 2025 đã cho thấy rõ xu hướng này với nhiều tín hiệu tích cực trong đào tạo song vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ góc độ chính sách và hệ sinh thái nghề nghiệp dành cho nghệ sĩ múa trẻ.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm: “Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là biểu tượng của văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức và tinh thần phục vụ xã hội”
    Tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiệt liệt chúc mừng những người làm báo cách mạng Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu với những người làm báo hiện nay: “Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là biểu tượng của văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức và tinh thần phục vụ xã hội; góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị nhân văn truyền thống, lan tỏa điều thiện, điều đẹp”.
  • “Báo chí Cách mạng Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, tự tin, vững bước trong kỷ nguyên mới”
    Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, đã có bài viết “Báo chí Cách mạng Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, tự tin, vững bước trong kỷ nguyên mới”. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này tới bạn đọc.
  • Thủ tướng công nhận Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2024
    Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/6 chính thức công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2024.
  • Vinh quang Việt Nam năm 2025 tôn vinh 19 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến
    Tối 22/6, chương trình "Vinh quang Việt Nam năm 2025" với chủ đề "Tự hào và khát vọng diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đã tôn vinh 19 tập thể, cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Kể huyền tích chùa Một Cột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO