Huyện Sóc Sơn: Đoàn kết, năng động & Tăng trưởng ấn tượng

Như Anh| 10/07/2022 09:51

Xuất phát điểm là huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng lạc hậu, thế nhưng sau 45 năm (1977 - 2022) với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và chủ động của toàn hệ thống chính trị, Sóc Sơn đã có bước tăng trưởng ấn tượng giúp kinh tế phát triển, ngày càng giàu đẹp văn minh.

Huyện Sóc Sơn: Đoàn kết, năng động & Tăng trưởng ấn tượng
Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngày 05/7/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 178/QĐ-CP hợp nhất các huyện theo vùng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phú. Trong đó, hai huyện Đa Phúc và Kim Anh hợp nhất thành huyện Sóc Sơn (tên gọi của huyện được lấy theo tên dãy núi gắn liền với truyền thuyết nơi Thánh Gióng sau khi đánh thắng giặc về trời - Núi Sóc). Tháng 10/1977, Huyện ủy, bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Khắc phục khó khăn ban đầu, Đảng bộ, nhân dân huyện Sóc Sơn đã phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua nhiều khó khăn để phục hồi kinh tế sau chiến tranh, đưa Sóc Sơn ngày càng phát triển giàu đẹp hơn.
Khi mới thành lập, huyện Sóc Sơn xác định nông nghiệp là lĩnh vực “kinh tế trung tâm số một” thì đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch tích cực sang “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”. Thu nhập bình quân theo đầu người năm 2010 đạt 18 triệu đồng/người/năm, năm 2015 đạt 29,8 triệu đồng/người/năm. Hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,2 triệu đồng/người/năm. Từ những năm 1990, số doanh nghiệp ngoài quốc doanh của huyện tăng trưởng vượt bậc, đóng góp chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất toàn huyện, nhất là các ngành “công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ”.
Sự phát triển ấn tượng trên của huyện Sóc Sơn có được là nhờ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc nâng cấp hạ tầng đi trước một bước. Trước năm 2000, giao thông nông thôn chủ yếu là đường cấp phối. Đến năm 2014, hơn 95% đường thôn, xóm với hơn 1000km, 85% đường trục liên thôn với gần 330km được bê tông hóa, 70km đường liên huyện, liên xã được nhựa hóa. Đến nay, toàn huyện có 25/25 xã đạt tiêu chí “Nông thôn mới” về giao thông, về hệ thống đường điện. Hệ thống kênh mương của huyện đã được cứng hóa, đảm bảo phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm (2016 - 2020), tổng vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn ở Sóc Sơn đạt 3100 tỷ đồng.  Từ một huyện có tỷ lệ số hộ đói nghèo cao, sau 45 năm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân huyện Sóc Sơn, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được những kết quả phấn khởi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 35% năm 1990 xuống còn 9,92% năm 2011. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện còn 0,54%. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH trên 40%, gần 1,5% lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Huyện Sóc Sơn: Đoàn kết, năng động & Tăng trưởng ấn tượng
Trung tâm hành chính Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sóc Sơn từ trên cao.
Cùng với đó, văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Huyện Sóc Sơn đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đối với giáo dục từ xa; phổ cập trung học phổ thông và tương đương đạt 96%. Thành lập hội khuyến học cấp huyện, 26 hội khuyến học cấp xã, 386 chi hội khuyến học với 29.985 hội viên. 
Cùng với đó, sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân của huyện có nhiều tiến bộ. Hệ thống y tế từ huyện đến xã được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Các chỉ số: khám chữa bệnh, phẫu thuật, cận lâm sàng… năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ bác sĩ/ vạn dân tăng từ 0,2 (năm 1991) lên 6,4 (năm 2021). Số bác sĩ có trình độ trên đại học chiếm trên 40% tổng số bác sĩ hiện đang công tác trên địa bàn, một số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp 2. Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn được đầu tư xây mới thành bệnh viện hạng II với quy mô 24 khoa - phòng chức năng và 350 giường bệnh. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn Quốc gia với hệ thống 5 phòng khám đa khoa khu vực và 26 trạm y tế trên địa bàn; 100% các xã, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 91,5%.

Huyện Sóc Sơn: Đoàn kết, năng động & Tăng trưởng ấn tượng
Phối cảnh quy hoạch đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn tầm nhìn 2030

Không những ngành giáo dục và y tế có bước tiến vượt bậc mà lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong huyện cũng phát triển mạnh mẽ: 15/25 xã có trung tâm văn hóa xã, 180 thôn, tổ dân phố đã được xây dựng nhà văn hóa, 26/26 xã có Đài truyền thanh với gần 2.000 cụm loa; toàn huyện có 341 di tích, 4 tượng đài và 13 di tích cách mạng, trong đó, 51 di tích được xếp hạng, gồm 1 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt (đền Sóc), 14 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 36 di tích xếp hạng cấp thành phố. Năm 2010, lễ hội Gióng ở đền Sóc được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; từ năm 2004 đến nay, Sóc Sơn cung cấp 1.080 vận động viên cho tuyến trên, hàng trăm vận động viên tham gia các đội tuyển Quốc gia thi đấu giải Quốc tế và khu vực, đã giành gần 1000 huy chương cá nhân và đồng đội mang lại vinh quang cho Tổ quốc và quê hương. 
Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Sơn là một trong 5 Đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Từ định hướng của Trung ương, Thành phố, từ quy hoạch chung và quy hoạch Đô thị vệ tinh đã được phê duyệt sẽ mở ra cho Sóc Sơn những thời cơ thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Những năm qua, huyện Sóc Sơn đã bám sát sự chỉ đạo của Thành phố Hà Nội, vận dụng linh hoạt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, thực hiện và đạt kết quả thành tích cao trên tất cả các lĩnh vực. Vì thế, huyện đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động (hạng Ba, hạng Nhì (2 lần) và hạng Nhất (2 lần)); Huân chương Độc lập hạng Ba. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn và các cá nhân trong huyện được tặng 148 Huân chương Lao động các loại. Gần 1.500 lượt đơn vị, tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ban, ngành, đoàn thể... Gần 5.000 lượt đơn vị, tập thể, cá nhân được nhận danh hiệu thi đua “Người tốt, việc tốt”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua các cấp”. 
Với truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào, phát huy thành tựu xây dựng và phát triển 45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Trung ương và Thành phố, Đảng bộ và nhân dân huyện Sóc Sơn quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, trở thành Đô thị vệ tinh của Thủ đô trong tương lai gần.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn: Đoàn kết, năng động & Tăng trưởng ấn tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO