Huyện Gia Lâm: Phát huy tinh thần Thánh Gióng trên quê hương Phù Đổng

kinhtedothi| 04/05/2022 21:23

Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hai năm qua, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm vẫn có những bước phát triển đáng khích lệ. Để chuẩn bị cho Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng một kịch bản đặc biệt với nhiều nội dung mới, phong phú, hấp dẫn.

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 6 - 9/5/2022
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm năm 2022 sẽ được tổ chức  từ ngày 6 - 9/5/2022 

Cú hích từ làng nghề hoa – cây cảnh

Vừa chăm chú cắt tỉa những cây hoa giấy lâu năm để tham gia trưng bày tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm năm 2022, ông Lê Thanh Cao, thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng vừa cho biết: “Năm nay, chương trình hội Gióng có rất nhiều nội dung giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sắc của địa phương như: Hội chợ cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng; trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương; giới thiệu, xúc tiến quảng bá du lịch của Gia Lâm và Hà Nội. Tôi chuẩn bị một số cây đẹp nhất, độc đáo nhất để mang ra lễ hội”.

Vào nghề từ năm 2014 với 3 sào ruộng của gia đình, đến nay ông Lê Thanh Cao đã mở rộng sản xuất hoa giấy ra 4 khu ruộng với tổng diện tích gần 5 mẫu, bằng hình thức thuê ruộng của những người dân xung quanh. Hiện tại, gia đình ông có khoảng 4.000 cây hoa thành phẩm các loại như: Tím Huế, Thái, đỏ, vàng, hồng; cùng khoảng 5.000 cây giống. Với giá bán từ 40.000 đồng đến 10 triệu đồng/cây hoa thành phẩm và 10.000 đồng/bầu giống, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Cao,thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đang chuẩn bị cây hoa giấy đẹp mang ra Lễ hội
Ông Lê Thanh Cao, thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đang chuẩn bị cây hoa giấy đẹp mang ra Lễ hội

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Thanh Cao không giấu nổi niềm tự hào về nghề trồng hoa giấy truyền thống trên quê hương Phù Đổng. Ông mong muốn, với sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là UBND huyện Gia Lâm, thời gian tới, nghề trồng hoa giấy xã Phù Đổng sẽ có nhiều cơ hội vươn xa, được nhiều người biết đến, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần vào những sản phẩm đặc sắc của Thủ đô và cả nước.

Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, cuối năm 2020, xã Phù Đổng được UBND TP công nhận “Làng nghề hoa giấy Phù Đổng”. Ngay sau đó, UBND xã Phù Đổng đã xây dựng thương hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng” và đề xuất UBND TP đánh giá là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ năm 2021 đến nay, xã Phù Đổng tiếp tục quy hoạch xây dựng những mô hình chuyển đổi điểm gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn đồng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường.

Nghề trồng hoa giấy ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã có từ lâu đời, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây
Nghề trồng hoa giấy ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã có từ lâu đời, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây

Đặc biệt, thực hiện “Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh xã Phù Đổng giai đoạn 2021-2025” của UBND huyện Gia Lâm, năm 2021, UBND xã Phù Đổng đã chuyển đổi được 30ha (đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND xã giao) từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh và mô hình VA. Bên cạnh đó, xã đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm vườn cà gắn với truyền thuyết Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương và mô hình sản xuất rau an toàn tại thôn Đổng Viên; các ban ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình chuyển đổi vườn đồng phục vụ phát triển du lịch.

Kết quả đến hết năm 2021, diện tích chuyển đổi của các hộ dân xã Phù Đổng là 258,89ha, trong đó có 116,36ha trồng hoa, cây cảnh; 142,53ha trồng cây ăn quả. Trong năm, đã có 17,42ha được chuyển đổi sang VA. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt 780 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả đạt 290 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Phù Đổng năm 2021 ước đạt 69,3 triệu đồng/người/năm. Xã đã hoàn thành 6/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đạt 12/16 tiêu chí xây dựng xã thành phường. Tháng 11/2021, xã Phù Đổng được UBND TP Hà Nội ban hành quyết định công nhận điểm du lịch Phù Đổng.

Những điểm mới của Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022

Ông Hiệu Cờ - biểu trưng cho Thánh Gióng trong Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm
Ông Hiệu Cờ - biểu trưng cho Thánh Gióng trong Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm

Phù Đổng là quê hương của Thánh Gióng, nơi ông sinh ra, lớn lên và cầm quân đi dẹp giặc. Nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Thánh Gióng - người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho dân tộc Việt Nam, hằng năm, huyện Gia Lâm đều tổ chức Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, thu hút hàng vạn du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 6 - 9/5/2022 (tức ngày mùng 6 đến mùng 9 tháng Tư năm Nhâm Dần), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và các điểm du lịch xung quanh Khu di tích, do UBND huyện Gia Lâm tổ chức.

Theo ông Nguyễn Đức Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 sẽ bao gồm phần lễ và phần hội đan xen nhau, với đầy đủ các nội dung của lễ hội truyền thống. Riêng năm 2022, do là lễ hội chính được mở (5 năm 1 lần) nên UBND huyện Gia Lâm tổ chức với quy mô đặc biệt lớn, có rất nhiều điểm mới.

Một trong 28 Cô Tướng tham gia Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022
Một trong 28 Cô Tướng tham gia Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022

Theo đó, phần lễ bao gồm Lễ hội Gióng đầy đủ với các hoạt động: Tế Thánh, ngoại đàn tại sân Đền Thượng; rước khám đường; rước cỗ về Đền Mẫu; kén Tướng; khao quân và đặc biệt là hội trận truyền thống tại hai địa điểm Đống Đàm và Soi Bia diễn ra vào ngày 9/4 Âm lịch. Phần hội bao gồm các hoạt động: Trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa du lịch; các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống (hát tuồng, chèo, quan họ, múa rối nước, giao lưu văn nghệ giữa các CLB văn nghệ); các hoạt động thể dục thể thao (thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc…)

Đến nay, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 của UBND xã Phù Đổng đã được thực hiện khá chu đáo. Trong đó, các vai tham gia lễ hội được chuẩn bị từ trước hơn 1 tháng, bao gồm: Ông Hiệu Cờ - người thôn Đổng Xuyên; ông Hiệu Trung Quân - người thôn Phù Đổng; ông Hiệu Chiêng - người thôn Phù Dực; ông Hiệu Trống - người thôn Đổng Viên; ông Hiệu Tiểu cổ - 2 người thôn Phù Đổng; ông Tiên Nghiêm - người thôn Đổng Xuyên.

Đặc biệt, do là lễ hội chính nên năm nay, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng có 28 Cô Tướng đến từ các thôn và đội quân Phù Giá 74 người, trong đó có 4 xướng xuất là người được chọn trong đội Phù Giá. Đoàn Ải Lao 27 người; Làng áo Đỏ 34 em; Làng áo Đen 40 ng­ười; Bát tiên 8 người...

Đội quân Phù Giá chỉ xuất hiện trong các năm diễn ra Lễ hội chính
Đội quân Phù Giá chỉ xuất hiện trong các năm diễn ra Lễ hội chính 

Các vai tham gia Lễ hội đều được lựa chọn trong các gia đình đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định. Cá nhân người tham gia các vai trong Lễ hội phải là người địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn như: Có sức khỏe tốt, đủ điều kiện đáp ứng nhiệm vụ phục vụ Lễ hội; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Để công tác tổ chức Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được đảm bảo an toàn, trang nghiêm, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Gióng năm 2022 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị và các xã liên quan. Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 hứa hẹn là điểm đến đặc biệt hấp dẫn với du khách gần xa khi đến tham quan, trẩy hội.

Trong các ngày diễn ra Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022, UBND huyện Gia Lâm sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Phù Đổng, gồm: Tổ chức các gian hàng giới thiệu, xúc tiến quảng bá du lịch Gia Lâm và du lịch Hà Nội; tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Gia Lâm”; khai trương cơ sở mua sắm, ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại Khu sinh thái Phù Đổng Green Park; ra mắt HTX Du lịch Hội Gióng Phù Đổng; khai mạc Hội chợ cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng. Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm cũng dựng 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu trên địa bàn huyện: Hoa, cây cảnh Phù Đổng; sản phẩm từ sữa bò Phù Đổng; rau an toàn Văn Đức, Đặng Xá; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng; thuốc, dược liệu Ninh Hiệp; bún bánh Yên Viên; hành tỏi Thuận Quang; tinh dầu, tinh nghệ Dương Xá…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước mang lại, các cây bút trẻ thời nay - những người luôn ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của bản thân với đất nước - một lần nữa làm sống lại hình tượng đất nước trong văn chương.
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Phát huy tinh thần Thánh Gióng trên quê hương Phù Đổng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO