Hà Nội đang đối mặt với những thách thức như dân số đông; ô nhiễm môi trường, nguồn nước; ùn tắc và quá tải phương tiện giao thông… Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cần xây dựng thành phố thông minh để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở cải thiện những lĩnh vực như môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn, du lịch, quản lý đô thị... Thành phố cũng xác định phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan công quyền.
Xây dựng thành phố thông minh sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020): Hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, gồm nền tảng cơ sở hạ tầng (mạng viễn thông băng rộng, hệ thống các cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu...); các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, doanh nghiệp...); hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.
Giai đoạn 2 (2021-2025): Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh; người dân chủ động tham gia trong quản lý và xây dựng chính sách phát triển xã hội; thông tin, cơ sở dữ liệu trở thành nguồn lực cơ bản trong phát triển xã hội, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025): TP Hà Nội phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
Huy động từ nguồn xã hội hóa
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng tài trợ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, xây dựng thành phố thông minh cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần từ chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, đặc biệt là hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra 3 đề nghị kêu gọi các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư. Trước tiên, đó là sự hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong đó có các dự án cụ thể như khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, khu phần mềm thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm và vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Việc đầu tư thông qua cơ chế tài trợ dự án, thông qua các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư... Thứ hai, các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tham gia tư vấn ở một số lĩnh vực chuyên ngành như xây dựng và quản lý đô thị. Và cuối cùng là tư vấn chuyển giao công nghệ thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp…
Đồng quan điểm trên, đại diện TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng bày tỏ mong muốn kêu gọi các đối tác nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư xây dựng thành phố thông minh. Vì để thực hiện một khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy thì ngân sách nhà nước không thể “gánh” được mà rất cần nguồn vốn xã hội hóa, theo hình thức đầu tư công - tư (PPP). Tuy nhiên, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư như thế nào cũng là vấn đề cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương.
Theo lãnh đạo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), dự án xây dựng thành phố thông minh cần nguồn vốn lớn, do vậy không chỉ các tỉnh, thành phố nhỏ hơn gặp khó mà cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng cần tìm nguồn vốn huy động. Vì vậy, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục sẽ kiến nghị Bộ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư để bảo đảm cho các địa phương xây dựng thành phố thông minh hiệu quả.