Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển"

hanoimoi| 25/06/2017 15:16

Sáng nay (25-6), thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" theo chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

  • icon
    Hà Nội sẽ nỗ lực đưa các dự án được kí kết vào thực tế một cách nhanh nhất

    Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Đây là lần thứ 2 Hà Nội tổ chức Hội nghị này và đã nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các đoàn ngoại giao, đặc biệt là cộng đồng DN, các nhà khoa học, nhà quản lý...

    Thay mặt lãnh đạo TP, đồng chí Hoàng Trung Hải cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo sâu sắc, mang tầm chiến lược của Thủ tướng Chính phủ cùng những ý kiến đóng góp của đại diện DN, bộ, ngành, đại sứ các nước... Những ý kiến đã thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với Thủ đô Hà Nội.

    Trong chương trình hợp tác đầu tư vì sự phát triển của thành phố Hà Nội năm 2017, thành phố đã giới thiệu danh mục 136 dự án đến các nhà đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1,1 triệu tỷ đồng; cùng các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ với kinh phí dự kiến khoảng 134.000 tỷ đồng; đã trao quyết định đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 74.000 tỷ đồng. Đây là đại diện cho những dự án tiêu biểu thuộc mọi lĩnh vực của thành phố. Số vốn này gấp gần 2 lần so với cân đôi ngân sách của thành phố năm 2017.

    Thành phố xác định, đây là nguồn lực hết quan trọng, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách. Đây cũng chính là động lực để Hà Nội thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đạt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế của năm 2017 cũng như các năm tiếp theo.

    Sau Hội nghị, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, cùng với chủ đầu tư, DN hoàn thiện các bước chuẩn bị cho dự án đầu tư. Những hoạt động hôm nay chỉ là khởi đầu cho quá trình lâu dài sau này. Thành phố cam kết luôn đồng hành, chia sẻ với DN, nỗ lực đưa dự án vào thực tế càng nhanh càng tốt, đạt được hiệu quả mong muốn.

    Bí thư Thành uỷ tin tưởng, các nhà đầu tư, DN sẽ nắm bắt cơ hội đầu tư thuận lợi mà TP đã và đang mở ra, tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển đi lên của thành phố.
  • icon
    Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 DN và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 DN nhằm ghi nhận thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực an sinh xã hội của TP Hà Nội.

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 DN.
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 DN và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 DN.

    Về phía TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã tặng Cờ thi đua cho 7 DN và Bằng khen cho 33 DN và danh hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô cho 4 cá nhân.

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 DN.
    Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tặng Cờ thi đua cho các DN.
    Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các DN.
    Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các DN.
  • icon
    Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã trao 48 quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 74.000 tỷ đồng.

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị
  • icon

    Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao 15 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư ước tính trên 6 tỷ USD. 

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Đây là sự tiếp nối thành công lớn trong hợp tác đầu tư giữa Hà Nội và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

    Mới đây nhất, tại Nhật Bản, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà đầu tư Nhật Bản và TP Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 5 tỷ USD.

    Tiếp nối những kết quả đạt được với các cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, TP Hà Nội tiếp tục mong muốn nhận được hỗ trợ cho các chương trình an sinh xã hội từ các DN đang hoạt động đầu tư kinh doanh thành công trên địa bàn nhằm chung tay xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; đồng thời cùng chính quyền và nhân dân Thủ đô hỗ trợ các địa phương còn khó khăn trên cả nước, hiện thực hoá tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

    Hưởng ứng lời kêu gọi của TP Hà Nội, đông đảo DN đã cam kết tài trợ an sinh xã hội, hỗ trợ và nâng cao chất lượng sống cho các khu vực còn khó khăn.

    Đầu tiên là 6 DN cam kết mỗi DN hỗ trợ xây dựng một trường nội trú tại các tỉnh miền núi khó khăn ở phía Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ. Đó là các DN: Công ty Cổ phần Him Lam; Tập đoàn Vingroup; Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú-Invest; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội Geleximco; Tập đoàn SunGroup; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội.

    Tiếp theo, Ban Tổ chức công bố hỗ trợ của Công ty TNHH Nước giải khát Cocacola Việt Nam, Công ty TNHH Language Link và Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam. Theo đó, Cocacola hỗ trợ thiết bị uống nước sạch tại vòi công suất 3.000 lít nước/ngày cho 6 trường công lập trên địa bàn Hà Nội. Language Link hỗ trợ 3.500 suất học bổng tiếng Anh cho học sinh và 300 suất học bổng tiếng Anh cho các kỳ thi Olympic trị giá 27 tỷ đồng. Apollo hỗ trợ quỹ học bổng khuyến học cho học sinh trị giá 5 tỷ đồng và các suất học bổng đào tạo tiếng Anh, kỹ năng cho học sinh và giáo viên trường công lập tại Hà Nội.

    Hưởng ứng lời kêu gọi của TP Hà Nội, 9 DN đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Hà Nội cũng đã tham gia hỗ trợ 10.000 ghế Inox cho các nhà văn hoá của các khu vực miền núi còn khó khăn. Đó là các doanh nghiệp: Tập đoàn Nam Cường; Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới; Công ty Cổ phần Eurowindow Holding; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Phú Điền; Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô; Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Sơn; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và xuất khẩu Tây Đô; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Việt.
  • icon
    Tinh thần Chính phủ kiến tạo đang dần lan tỏa cụ thể, chắc chắn tại Hà Nội

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

    Sau các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá cao sự chuẩn bị tốt của Hà Nội cho Hội nghị này, với sự đổi mới hơn, lắng nghe ý kiến nhiều chiều hơn.

    Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. "Chúng ta đến đây để hiểu về Hà Nội, đóng góp xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những ý tưởng hết sức tốt đẹp, những góp ý hết sức chân thành sẽ được Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để từng bước chuyển hoá thành hành động" - Thủ tướng khẳng định.

    Thủ tướng cho biết, tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng DN và đang từng bước lan toả cụ thể và chắn chắn tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định, Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng ở lời nói mà phải chuyển hoá lời nói thành hành động, từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương... 

    "Một DN gần đây đã chia sẻ với tôi rằng, một đồng chí lãnh đạo của Hà Nội đã giải quyết thấu đáo một yêu cầu chính đáng của DN và liên quan nhiều đến quyền lợi của người dân chỉ trong vòng một ngày qua tin nhắn điện thoại. Đó chính là hành động kiến tạo của địa phưng, của lãnh đạo địa phương" - Thủ tướng nêu ví dụ và nhấn mạnh, bộ máy ở cơ sở phải chuyển động nhạy bén, kịp thời, sâu sát với các quyết sách từ Trung ương. Đó cũng chính là điều mà cộng đồng DN mong mỏi.

    Nhấn mạnh lại vị trí và vai trò chiến lược của Hà Nội qua hơn 1.000 năm qua, Thủ tướng nêu: Hà Nội là nơi đất lành chim đậu, tích tụ nhiều nét di sản thiêng liêng, tiềm ẩn sức mạnh văn hóa, trí thức và bản sắc độc đáo, cũng là nơi khởi nghiệp của nhiều tinh hoa trong nước và quốc tế. Chính những nguồn lực đó đã giúp Hà Nội thay đổi, phát triển tốt hơn, hiện đại hơn, giúp Hà Nội trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình phát triển hội nhập toàn cầu hóa của cả nước, lan tỏa ra các địa phương khác. 

    Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội 20 năm qua đạt bình quân gần 9,5%/năm, quy mô nền kinh tế của Hà Nội so với cả nước từ chỗ chỉ chiếm 8,2% cách đây 20 năm, nay đã tăng lên 13,6%, đóng góp hơn 0,91% vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả nước; đóng góp hơn 16,5% ngân sách hằng năm của cả nước.... Hà Nội đang phát huy hiệu quả sức mạnh liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố lân cận trên tất cả các lĩnh vực.

    Hạ tầng của Hà Nội đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, thuận lợi hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các trục đường hướng tâm, các trục đường vành đai được mở rộng. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng công trình cầu vượt kết hợp với giải tỏa, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đã giúp tình hình giao thông Thủ đô được cải thiện đáng kể. Dù vẫn còn tình trạng tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đô thị, nhưng đó cũng là tín hiệu cho thấy nhu cầu phát triển của Hà Nội là rất lớn. 

    Hiện tại, Hà Nội đang tập trung ưu tiên huy động phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Hà Nội đã huy động theo hướng xã hội hóa, tư nhân đầu tư đến 80% là một hướng đi rất đúng. Trong 52 dự án trọng điểm của thành phố, riêng dự án hạ tầng giao thông đô thị có tới 38 dự án, mức đầu tư tới 452 nghìn tỉ đồng, đưa Hà Nội là địa phương có cơ sở hạ tầng được đầu tư thuộc nhóm tốt nhất cả nước. Thủ tướng cho biết, nếu 52 dự án này làm tốt, bằng nguồn lực xã hội hóa tốt nhất, thì Hà Nội sẽ là nơi có hạ tầng giao thông tốt nhất đất nước. 

    Thủ tướng cũng đánh giá cao việc tổ chức xúc tiến đầu tư hiệu quả của Hà Nội thời gian qua. 

    Với tầm nhìn xây dựng Hà Nội thành trung tâm kinh tế, dịch vụ, thương mại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thông qua phát triển thành phố xanh, văn minh, hiện đại, bản sắc, theo Thủ tướng, để Hà Nội thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa đến với Hà Nội, chính quyền thành phố cần hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia sâu sắc của người dân, DN trong nước và quốc tế. 

    "Đây rõ ràng là một động lực để Chính quyền Hà Nội quyết liệt cải cách quản trị các cấp hành chính, xây dựng một bộ máy trách nhiệm, tin cậy và hiệu quả, thông qua việc phát triển và phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, hướng tới kỹ trị, tăng cường trách nhiệm giải trình. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, DN và người dân, tiếp tục nâng thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính, cải cách giáo dục, y tế và dịch vụ khác; hiệu quả hóa công tác quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ tương thích với hạ tầng xã hội thông qua tăng cường hợp tác, liên kết mạnh mẽ với các địa phương lân cận nhằm tận dụng lợi thế theo quy mô, xóa bỏ sự mạnh mún và dàn trải trong chính sách phát triển, đề cao nguyên tắc tối ưu hóa các chi phí sử dụng hạ tầng, đẩy mạnh phân công sản xuất theo chuỗi giá trị liên vùng, liên kết với các chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế" - Thủ tướng chỉ đạo. 

    Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cam kết kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư, đảm bảo ổn định chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương; cải cách thể chế theo hướng cởi mở, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách tương xứng, bình đẳng; cùng Hà Nội quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. 

    Chính phủ và Thủ tướng tin tưởng, Hà Nội với cách làm mới, quyết tâm mới sẽ có bước đi và bước phát triển mạnh mẽ, bền vững.
  • icon

    Mong Hà Nội tiên phong cả nước về phong trào khởi nghiệp

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị


    Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương kiến nghị, Hà Nội phải đi đầu, tiên phong cả nước về phong trào khởi nghiệp. Trong đó, thành phố cần chú trọng đào tạo lực lượng doanh nhân, bao gồm doanh nhân trẻ trước khi khởi nghiệp và cả các doanh nhân hiện nay. Trong đó, cần tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp được nghe sâu, nghe kỹ trao đổi của các nhà lãnh đạo, các chính trị gia; cũng như tạo điều kiện để các doanh nhân ưu tú được trao đổi, nói chuyện với các doanh nhân trẻ và cả cán bộ, công chức, nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, chung sức, đồng lòng cùng vì mục tiêu phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

    Ông Trần Anh Vương cho biết, khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trẻ, vui mừng và có niềm tin lớn lao vào các cải cách của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội - nơi đã có những cải cách vượt bậc trong thời gian qua, thể hiện qua các con số ấn tượng mà Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã thông tin tại hội nghị hôm nay. 

  • icon
    Hà Nội phải thu hút được sự đầu tư của các DN “rường cột”

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia vui với kết quả của Hà Nội sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đặc biệt là 1 năm tập trung thực hiện cải cách hành chính.

    “Chúng tôi rất ấn tượng với những kết quả mà Hà Nội đạt được”- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Hà Nội một mặt làm chức năng, nhiệm vụ của một thành phố đô thị, một mặt lại làm chức năng của một tỉnh nông nghiệp lớn. Những năm qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, so với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, Hà Nội vẫn cần nỗ lực nhiều hơn. 

    Để tái cơ cấu thành công, Hà Nội phải thu hút được sự đầu tư của các DN “rường cột”, làm cơ sở hạt nhân để thực hiện liên kết “bốn nhà”, từ đó lan toả ra toàn thành phố, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hội nhập, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác đúng lợi thế nông nghiệp của Việt Nam.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết cùng Hà Nội tập trung rà soát quy hoạch, xác định vùng lợi thế, cây, con chủ lực; đồng thời giải quyết các vấn đề khoa học đặt ra. Bộ cũng sẽ cùng Hà Nội xúc tiến đầu tư hợp tác trong và ngoài nước, cùng các đơn vị trong ngành tập trung giúp Thủ đô xây dựng nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu bền vững, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • icon
    Nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư mạo hiểm Quỹ đầu tư VinaCapital tham luận về thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Hà Nội.

    Ông chia sẻ, có nhiều yếu tố quyết định sự thành công trong việc thu hút đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, trong đó những yếu tố quan trọng nhất là: năng lực của các công ty khởi nghiệp, khả năng huy động vốn, năng lực để phát triển. Thị trường của công ty phải càng ngày càng lớn và nhà đầu tư phải thu được lợi từ việc đầu tư của mình, có như vậy họ mới tiếp tục rót vốn.

    Ông Phúc đề xuất Chính phủ, lãnh đạo TP Hà Nội xây dựng cơ chế khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, cho phép cả người trong nước và nước ngoài bỏ vốn vào mà không phân biệt dòng vốn từ đâu. Sự khuyến khích này phải đi kèm các ưu đãi để thành lập quỹ nội địa. 

    Ngoài ra, Chính phủ, TP Hà Nội phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Đã có nhiều trường hợp các cấp thẩm quyền lơ là trong các vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ, khiến những nhà sáng tạo nản lòng, không mạnh dạn đưa ra các sáng tạo, sản phẩm nữa, làm trì trệ sự phát triển công nghệ tại Việt Nam.
  • icon
    Cho phép khu vực tư nhân tham gia phát triển đường sắt đô thị

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Ông Katsuro Nagai, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tham luận về các giải pháp tăng cường sự tham gia trách nhiệm của DN gắn với bảo vệ môi trường tại Hà Nội. 

    Đại sứ Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế. Ông quan tâm đến 2 thách thức môi trường mà Hà Nội đang đối mặt.

    Thứ nhất là ô nhiễm môi trường sông, hồ trong thành phố. Nhiều dự án cải tạo môi trường sông, hồ mà Hà Nội đang thực hiện đã góp phần giải quyết tốt vấn đề này. Tại Nhật Bản, có nhiều công ty đang phát triển những công nghệ làm sạch nước và môi trường mà không sử dụng hoá chất. Đại sứ hy vọng Hà Nội sẽ sử dụng những công nghệ này để bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

    Thứ hai, ô nhiễm không khí đang là thách thức lớn. Đại sứ Nhật Bản cho rằng, Hà Nội cần phát triển mạnh hệ thống đường sắt đô thị giống như ở Singapore hay Bangkok (Thái Lan) để thay thay thế cho xe máy, ô tô - những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất hiện nay. Chính phủ Nhật Bản đã và đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để duy trì hệ thống đường sắt Hà Nội. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, theo đại sứ, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị có thể được đẩy nhanh hơn nữa nếu Hà Nội cho phép khu vực tư nhân được tham gia sâu rộng hơn vào lĩnh vực này.
  • icon
    Liên minh Châu Âu muốn là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là đối tác thân thiết của Liên minh Châu Âu ở Đông Nam Á. Hai bên đã có sự hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực, đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, tiềm năng, cơ hội thúc đẩy hợp tác, phát triển giữa hai bên còn rất lớn. 

    Ông đặt vấn đề: Tại sao Liên minh Châu Âu không phải là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam thay vì vị trí thứ 5 như hiện nay? Đây là điều hoàn toàn có thể thay đổi, nhất là khi Liên minh Châu Âu và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do. Ở Châu Á, Liên minh Châu Âu chỉ ký kết Hiệp định Thương mại tự do với 3 nước là Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.

    Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng, điều kiện hợp tác, tiềm năng đầu tư vào Hà Nội đang ngày càng thuận lợi hơn; đã hình thành vành đai công nghiệp Hà Nội- Hải Phòng với đường giao thông thuận tiện... Vì vậy, hai bên cần đẩy nhanh công tác chuẩn bị, triển khai mạnh các hoạt động nhằm tận dụng cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do mang lại, bởi "nếu chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội". 

    Sắp tới, Liên minh Châu Âu mong muốn cùng Hà Nội tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm thúc đẩy giao lưu, trao đổi về thực hiện hiệp định này. Liên minh Châu Âu mong Hà Nội tổ chức các tour (có thể là 1 ngày) để giới thiệu với các nhà đầu tư đến từ Liên minh Châu Âu về tiềm năng công nghiệp, lợi thế của Hà Nội. 

    "Chúng tôi cũng mong Hà Nội sẽ tập trung phát triển mạnh về hạ tầng, quan tâm đầu tư giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển dịch vụ y tế. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội thực hiện. Chúng tôi cũng mong muốn Hà Nội xây dựng Thủ đô theo hướng văn hoá", ông Bruno Angelet nói.
  • icon
    Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Hà Nội về những sản phẩm và dịch vụ cao

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Trong tham luận của mình, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ tình cảm đặc biệt với Hà Nội, nơi ông gọi là nhà, là quê hương thứ hai của mình.

    "Gia đình tôi hết sức may mắn khi sống ở trung tâm Hà Nội. Tôi nhìn và cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên và động lực phát triển của thành phố. Cộng đồng DN Hoa Kỳ luôn mong muốn hợp tác với Thủ đô với những sản phẩm và dịch vụ cao, cùng trách nhiệm với cộng đồng người dân" - Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định.

    Đại sứ Ted Osius cũng đánh giá cao việc Hà Nội đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng này thường có đặc điểm chung là lãnh đạo tỉnh, thành phố đó coi việc cạnh tranh là chính sách ưu tiên, đầu tư nhiều nguồn lực để thực hiện; có quan hệ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng DN, luôn luôn coi đó là động lực quan trọng để phát triển; quan hệ chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để truyền tải các thông điệp tới cộng đồng DN, nhà đầu tư...
  • icon
    Công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng để tăng cường thu hút đầu tư

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã chia sẻ quan điểm của mình tại hội nghị. Theo ông, trong xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, tính ứng dụng của Internet trên thế giới, để phát triển và hội nhập, các quốc gia, thành phố không thể không đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn thời gian trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh...

    Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Công nghệ thông tin không phải là các giải pháp cho tất cả, nhưng là công cụ quan trọng để tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đối với mỗi quốc gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình phát triển, tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện, tích cực và hiệu quả.
  • icon
    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị
    Hiệu quả và thiết thực
    (HNM) - Trước thềm hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác, đầu tư và phát triển", phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận những ý kiến đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả và thiết thực của chính quyền TP Hà Nội đối với các doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh. 





    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Góp sức thúc đẩy phát triển Thủ đô
    (HNM) - Bằng tình cảm, trách nhiệm, đồng hành hỗ trợ của thành phố, một năm qua các nhà đầu tư đã từng bước hiện thực hóa cam kết của mình, góp sức thúc đẩy Thủ đô phát triển. 

  • icon
    Hà Nội cần đẩy mạnh xã hội hoá, quốc tế hoá trong lĩnh vực giáo dục

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham luận về đẩy mạnh xã hội hoá, quốc tế hoá giáo dục tại Hà Nội.

    Bộ trưởng đánh giá, tại Hà Nội, nhu cầu học tập lớn, khả năng chi trả của người học tập cao. Hà Nội là địa phương có số trường ĐH - CĐ đóng trên địa bàn nhiều nhất cả nước. Quỹ đất ở một số khu vực ngoại thành khá dồi dào. Lãnh đạo thành phố quyết tâm cao trong đẩy mạnh xã hội hoá, quốc tế hoá giáo dục.

    Với những lợi thế đó, Hà Nội đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành một số cơ chế, chính sách về xã hội hoá giáo dục. Tuy nhiên, kết quả còn chưa tương xứng với những tiềm năng và lợi thế thành phố đang có. 

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra một số gợi ý, giải pháp để Hà Nội có thể đẩy mạnh xã hội hoá, quốc tế hoá trong lĩnh vực giáo dục trong thời gian tới.
  • icon
     Hà Nội đã vượt qua được ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu"

    Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, thời gian qua, Hà Nội đã  "nhanh chân" hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đã vượt qua được nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu". Đó cũng chính là đánh giá của cộng đồng DN dành cho thành phố qua xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa được công bố.

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Ngoài những chỉ số chung về môi trường kinh doanh, Hà Nội còn có những cải thiện mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Việc áp dụng chính phủ điện tử và thực hiện kết nối thủ tục hành chính công đến tận cấp xã, phường, khu, cụm dân cư là điểm sáng, là mô hình Hà Nội đi đầu trong cả nước. 

    Việc Hà Nội tiến hành sắp xếp lại hè phố cũng là sáng kiến rất tốt, đã thực hiện tốt, được dư luận hoan nghênh. Các hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư của Hà Nội được tổ chức với những nội dung đi vào từng đối tượng, từng lĩnh vực cụ thể và đã được triển khai có hiệu quả. VCCI vui mừng được sát cánh cùng Hà Nội trong các hoạt động này. 

    Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội, thời gian tới, cộng đồng DN mong muốn Hà Nội tiếp tục có những đột phá thay đổi quy trình, thủ tục đối với nhà đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư tiếp cận và hoàn thành toàn bộ quy trình đầu tư tại Hà Nội, nhất là trong lĩnh vực đất đai, vẫn còn phức tạp và mất nhiều thời gian, vẫn gặp nhiều khúc mắc khi làm việc với các sở, ban, ngành và các cấp. Hà Nội cần có quy trình thống nhất, khoa học, minh bạch hơn và xây dựng một quy chế để có thể phản ứng kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn. 

    "Một môi trường kinh doanh tốt không chỉ là những thông điệp, mô hình hoành tráng mà nhiều khi thể hiện ở những điều rất giản dị, cụ thể như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế dễ dàng... Hiện chỉ số gia nhập thị trường tại Hà Nội vẫn xếp ở thứ hạng thấp. Nhiều DN phản ánh nộp thuế còn phiền hà" - Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
  • icon
    Quy hoạch phát triển của Hà Nội cần được rà soát, hoàn thiện với một tư duy mới

    Sau phát biểu của các lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện một số cơ quan hiệp hội, DN đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô tham luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào Hà Nội, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, hấp dẫn hơn.

    Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũngmở đầu bằng tham luận về các biện pháp hỗ trợ thành phố tăng tính cạnh tranh, hội nhập và phát triển.

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Theo Bộ trưởng, các quy hoạch phát triển của Hà Nội cần được rà soát và hoàn thiện theo hướng tiên tiến và hiện đại với một tư duy mới, một tầm nhìn dài hạn để Hà Nội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đồng thời xử lý được những thách thức hiện đang phải đối mặt như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, việc quản lý quy hoạch phải nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả. Quy hoạch chung của thành phố phải gắn liền với định hướng phát triển không gian của Vùng Thủ đô và tiếp nối với các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

    Hai là, cần di dời nhanh một số cơ sở của Nhà nước ra khỏi trung tâm nhằm giảm áp lực quá tải về hạ tầng ở khu vực trung tâm, tạo không gian phát triển thương mại và dịch vụ, tạo cơ hội để phát triển các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian thành phố, sử dụng hiệu quả quỹ đất ở các khu vực vùng ven còn chưa phát triển; đồng thời nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là các chính sách về quản lý dân cư và phương tiện giao thông cá nhân.

    Ba là, cần định hướng triển khai nhanh phát triển Hà Nội trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, môi trường cạnh tranh, thể chế vượt trội nhằm phát triển dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tận dụng được lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo kênh thu hút nguồn tài chính cho đầu tư phát triển Hà Nội và cả nước nói chung.

    Bốn là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả, thân thiện với doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, hướng tới công khai quy hoạch sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất đai đã được giao nhưng không thực hiện đúng theo quy định. Tận dụng làn sóng đầu tư quốc tế hiện nay để chủ động điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, ngành, nghề phù hợp, đồng thời chuẩn bị các điều kiện như quy hoạch, đất đai, hạ tầng, nặng lượng và nhân lực để sẵn sàng hấp thụ các nguồn lực đầu tư vào thành phố sắp tới.

    "Con đường phát triển của Hà Nội đã rõ, cơ hội đầu tư đã rõ. Chúng ta hãy cùng nhau tận dụng cơ hội đang mở ra để xây dựng Hà Nội ngày càng giàu mạnh hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đồng hành với Hà Nội xây dựng các cơ chế chính sách để giúp Hà Nội phát triển mạnh hơn, nhanh hơn và bền vững hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
  • icon
    Tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp

    Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 và kết quả sau một năm thực hiện thực hiện cam kết của các nhà đầu tư tại hội nghị Xúc tiến đầu tư của thành phố năm 2016.

    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, một năm vừa qua ghi nhận dấu ấn quan trọng cho những chuyển biến tích cực của thành phố Hà Nội toàn diện trên các mặt, mở đầu thành công cho kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020.

    Trong đó, Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh với 8,2% năm 2016; thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán; khách du lịch quốc tế tăng 19,9%; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so với năm 2015). 6 tháng đầu năm 2017, thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với mức 7,37%; thu ngân sách tăng 18%, vốn đầu tư xã hội tăng 9,9%, khách du lịch quốc tế tăng 14%, xuất khẩu tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây với mức 12,1%, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 7,2%; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 doanh nghiệp, tăng 16%.

    Thành phố tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp và người dân; hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế; xây dựng các cơ chế chính sách mới để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục khẳng định là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định, là điểm đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ưu tiên hàng đầu khi cân nhắc quyết định đầu tư.

    Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, đạt được các kết quả nêu trên là nhờ có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 296 nghìn tỷ đồng, gấp 4,43 lần so với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố trong 2 năm 2016-2017 và gấp hơn 2 lần giai đoạn 2016-2020. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thực hiện khâu đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; hoàn toàn đúng hướng theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố.

    Một năm qua, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn đồng hành cùng chính quyền thành phố trong việc thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. 26 nội dung cam kết thuộc 10 chương trình với mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng tại Hội nghị năm 2016 là những việc làm thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

    Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang chuyển động và phát triển - năng động, hiện đại. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu và còn rất khiêm tốn. Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Để đảm bảo mục tiêu phát triển giai đoạn 2017-2020, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, và đồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô.

    Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thông qua nhiều hình thức: FDI, PPP, xã hội hóa,… tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; các dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, đại diện cho chính quyền thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định và cam kết: Thành phố Hà Nội sẽ “Tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Hợp tác và phát triển”. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền thành phố.

    Thành phố Hà Nội chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, hiệp hội, chính quyền của các tỉnh, thành phố trong nước và các quốc gia trên thế giới để cùng phát triển bền vững.
  • icon

    Hà Nội xác định “chìa khóa cho bài toán siêu đô thị” chính là “đồng hành cùng doanh nghiệp”

    Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, cùng với những đô thị lớn khác trên thế giới, Hà Nội đang đứng trước những thách thức rất lớn cần phải giải quyết để đáp ứng mong mỏi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đó là: Áp lực gia tăng dân số; Quá tải cơ sở hạ tầng, quá tải dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sạch, giao thông công cộng; Tình trạng ô nhiễm môi trường một số nơi đã trở lên nghiêm trọng; Thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng khung: giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông và đáp ứng nhu cầu nhà ở và dịch vụ của người dân; Mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống; Những tác động từ nền kinh tế liên tục tăng trưởng và hội nhập toàn cầu...
    Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc Hội nghị
    Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc Hội nghị


    Với quyết tâm vượt qua các thách thức, khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, hội nhập, bền vững, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai kết hợp nhiều giải pháp; lãnh đạo Thành phố xác định “chìa khóa cho bài toán siêu đô thị” chính là “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “hợp tác đầu tư và phát triển”, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

    Tiếp theo thành công năm 2016, tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” hôm nay, Thành phố mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; được tham vấn kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế phát triển Hà Nội theo hướng đô thị văn minh, hội nhập và bền vững; xây dựng chính quyền phục vụ - đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và danh mục dự án dự kiến kêu gọi đầu tư của Thành phố giai đoạn 2017-2020. 

    Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tin tưởng, với những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi riêng có của Thủ đô, với việc nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố; Hà Nội sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn và thành công cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
  • icon
    DN tăng nhanh về số lượng với tổng mức đầu tư đạt con số ấn tượng: 439.000 tỷ đồng

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, đây là Hội nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương, cam kết của Chính phủ đồng hành cùng DN, hỗ trợ thúc đẩy DN phát triển.

    Nhìn lại năm 2016, với tinh thần hợp tác, Hà Nội cùng cộng đồng DN có một năm nỗ lực, tiếp tục đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, bền vững. DN tăng nhanh về số lượng với tổng mức đầu tư đạt con số ấn tượng: 439.000 tỷ đồng.

    Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội đã nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Sự nỗ lực, cố gắng của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô ghi nhận; đánh giá cao qua các chỉ số được xếp hạng trong nhóm tốt nhất Việt Nam như:

    Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc; Chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc; Chỉ số ICT xếp thứ 2 cả nước; Hà Nội trong Nhóm 4 thành phố có Chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

    Thủ đô Hà Nội, một trung tâm lớn của cả nước trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đã thể hiện ngày càng rõ hơn là một siêu đô thị, một trung tâm lớn của khu vực. Hà Nội ngày càng năng động hơn, hấp dẫn hơn.

    Để đạt được những kết quả nêu trên, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự hợp tác của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương.
    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị
  • icon

    Năm 2016, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển". Đây là dấu ấn quan quan, khẳng định một Hà Nội đổi mới và năng động, khẳng định DN là động lực cho sự phát triển của thành phố. Thành phố cam kết tiên phong cả nước về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN)...

    Tiếp theo thành công của Hội nghị năm 2016, năm thứ hai tổ chức Hội nghị "Hợp tác Đầu tư và Phát triển", Hà Nội một lần nữa khẳng định đã, đang và sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, phù hợp với những điều kiện thực tiễn của Thủ đô.

    Tại Hội nghị lần này, Hà Nội sẽ giới thiệu các mục tiêu trọng tâm của thành phố và danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2017-2020. Đây được coi là cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

  • icon
    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị
    Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị

    Dự Hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thuý Anh; Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Nguyễn Xuân Thắng; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... 

    Về phía TP Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vũ Hồng Khanh.

    Tới dự còn có chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố như: Sơn La, Cần Thơ, Lai Châu, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Hà Nam, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Phòng…; đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế; các đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước; đại biểu các tổ chức quốc tế; đại biểu các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới. 

    Đặc biệt, Hội nghị có sự hiện diện của 800 đại biểu doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư dự Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO