Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, hội thảo khoa học này nhằm triển khai góp ý 6 chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Quyết định số 85/QĐ-BKHĐT ngày 29-1-2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Cơ quan Thường trực của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế tại hội thảo đều khẳng định, chủ trương phát triển nhanh, bền vững từ Đại hội lần thứ XII của Đảng vẫn còn nguyên giá trị, nhưng yêu cầu cần phải có cách làm sáng tạo và khả thi theo đặc điểm của Việt Nam, chứ không sao chép mô hình, giải pháp từ bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Các ý kiến đề nghị tiếp tục coi trọng vai trò của doanh nghiệp; có chiến lược về phát triển các đô thị, coi đây là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ: Trường Đại học Kinh tế quốc dân được giao chủ trì 6 chuyên đề phục vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Tại hội thảo, các chuyên gia đã chắt lọc nội dung nghiên cứu thành 3 vấn đề lớn, bao gồm: Định vị kinh tế Việt Nam; Khát vọng và động lực phát triển; Lựa chọn và giải pháp chiến lược. Đây có thể coi là hội thảo bước đầu để Trường Đại học Kinh tế quốc dân lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm cập nhật, phát triển thêm nội dung nghiên cứu của trường.
Phó Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, các chuyên gia kinh tế về hướng đi trong Chiến lược 10 năm tới của đất nước và tầm nhìn tới năm 2045. Đồng chí đồng tình với quan điểm về việc Việt Nam cần có con đường đi riêng với các giải pháp khả thi.
Phó Thủ tướng đề nghị Trường Đại học Kinh tế quốc dân và các nhà khoa học tập trung nghiên cứu rõ 8 mối quan hệ lớn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) gồm: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Ngoài ra, hội thảo cần làm rõ 2 mối quan hệ khác, đó là quan hệ giữa Nhà nước với thị trường xã hội; giữa mở rộng dân chủ đi liền với kỷ cương xã hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Đảng, Nhà nước tiếp tục tham vấn ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế… để xây dựng, hoàn thiện tốt nhất văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.