Chuyển động Hà Nội

Hội Nông dân huyện Sóc Sơn: Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới

Hải Truyền - Như Anh 17:19 26/05/2023

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, các phong trào thi đua của Hội tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội.

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện

Để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra, nhiệm kỳ vừa qua Hội Nông dân huyện Sóc Sơn luôn chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho các hội viên; công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội; công tác kiểm tra, giám sát và công tác thi đua - khen thưởng.

hoi-nong-dan-soc-son1.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Hội Nông dân xã Phù Linh huyện Sóc Sơn nhiệm kỳ (2023 – 2028).

Hội đã tổ chức tốt việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của huyện và các xã, thị trấn, nhất là đối với công tác phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Các hoạt động giáo dục truyền thống được quan tâm gắn với tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị và kỷ niệm ngày truyền thống Hội Nông dân Việt Nam.

Công tác tuyên truyền tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức thông qua sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo; phát động thi đua; xây dựng mô hình; học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế… qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã thành lập 167 tổ hội nghề nghiệp với 1.288 thành viên. Các chi, tổ hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn về tổ chức. Hiện nay toàn huyện có 180 chi hội, 664 tổ hội và 34.350 hội viên. Công tác phát triển hội viên mới được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, trong nhiệm kỳ kết nạp 4.639 hội viên. Công tác sinh hoạt Hội có tiến bộ, đã thu hút trên 70% hội viên tham gia.

Hằng năm, Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn đã chủ động xác định nội dung, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát. Công tác thi đua - khen thưởng được chú trọng thông qua việc phát động phong trào thi đua đến cơ sở, gắn việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm.

Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các phong trào

Bám sát chỉ tiêu thi đua của Hội Nông dân thành phố và của huyện, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, gắn phong trào với thực hiện chương trình giảm nghèo, tăng giàu; chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng vùng kinh tế hàng hóa.

hoi-nong-dan-soc-son2.jpg
Đại biểu bỏ phiếu bầu cử tại Đại hội Hội Nông dân xã Xuân Giang nhiệm kỳ (2023 – 2028).

Hội đã tổ chức tốt phong trào thi đua ở cơ sở, giúp nông dân nắm bắt xu hướng phát triển và tiếp cận thị trường để chuyển đổi sản xuất hàng hóa. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã thu hút đông đảo hội viên các chi hội tham gia. Việc đầu tư phát triển mô hình kinh tế nông thôn, phát triển trang trại, gia trại ngày càng tăng mạnh, trải rộng khắp các xã, thị trấn; nhiều hộ gia đình đã đạt mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm.

Sự phát triển của phong trào đã góp phần tích cực phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp ở các thôn; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như chè sạch (Bắc Sơn), rau hữu cơ (Thanh Xuân, Hiền Ninh, Tân Dân, Đông Xuân, Trung Giã), hoa nhài an toàn (Đông Xuân, Phù Lỗ, Tân Minh…), gà đồi (Nam Sơn, Bắc Sơn, Minh Phú, Hồng Kỳ), bưởi sạch (Phú Cường, Tiên Dược, Bắc Phú), gạo nếp cái hoa vàng (Phú Minh, Bắc Phú, Tân Hưng)… Các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp an toàn của huyện như được thị trường tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Hội còn không ngừng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong nhiệm kỳ, Hội đã phối hợp xây dựng 3 hợp tác xã, 78 tổ hợp tác chi hội nghề, 3 tổ hội nghề nghiệp, thành lập vùng sản xuất rau hữu cơ xã Trung Giã với diện tích 3,5ha; duy trì hoạt động 34 nhóm sản xuất rau hữu cơ. Các mô hình kinh tế tập thể trong nông dân có xu hướng phát triển tốt, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Song song với việc thực hiện hiệu quả các phong trào, Hội còn tích cực vận động hội viên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Thông qua chỉ đạo tổ chức phong trào ở cơ sở, vai trò của các cấp Hội được thể hiện rõ nét hơn, tạo sự đồng thuận và cuốn hút nông dân tham gia, góp phần cùng toàn huyện đạt chuẩn NTM năm 2020; có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân cơ sở đã vận động cán bộ, hội viên góp trên 36.000m2 đất; góp ngày công, vật tư, kinh phí trị giá trên 250 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, rãnh thoát nước, mương tưới, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM được triển khai sâu rộng đến các chi hội, phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội trong việc vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, tham gia giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế... Tổ chức Hội ở cơ sở vào cuộc rõ nét hơn, mạnh dạn đứng ra chủ trì các phần việc như: vận động hiến đất làm đường (xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Phú...) thu gom rác thải trong khu dân cư (xã Việt Long), xây dựng tuyến đường nông dân tự quản (xã Tân Minh), xây dựng hệ thống chiếu sáng đường ngõ (xã Hồng Kỳ, Nam Sơn)... tạo ra những chuyển biến tích cực ở cơ sở.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đổi mới, sáng tạo vì sự phát triển bền vững

5 năm qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Sóc Sơn đã bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện và sự chỉ đạo của Huyện ủy, Hội Nông dân Thành phố, chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch công tác gắn với chỉ đạo phong trào thi đua ở cơ sở. Chất lượng các hoạt động của tổ chức Hội có nhiều tiến bộ; ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có chuyển biến tích cực; phong trào nông dân từng bước đi vào chiều sâu, nhất là đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng NTM, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tổ chức Hội tiếp tục được củng cố, phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân, tăng cường niềm tin của hội viên, nông dân đối với Đảng.

hoi-nong-dan-soc-son3.jpg
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại Đại hội Hội Nông dân xã Phù Linh huyện Sóc Sơn nhiệm kỳ (2023 – 2028).

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ (2023 - 2028) Hội Nông dân huyện Sóc Sơn đã đề ra phương hướng hoạt động cụ thể, đó là: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, góp phần xây dựng huyện NTM phát triển bền vững.

Để thực hiện các phương hướng mục tiêu trên, Hội cũng đã đưa ra 35 chỉ tiêu phấn đấu như: Có 100% hội viên, nông dân được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Hội Nông dân các cấp; 100% hội viên nông dân đăng ký xây dựng “gia đình văn hóa” gắn với thực hiện cuộc vận động “xây dựng người nông dân Hà Nội thanh lịch - văn minh”; 100% cán bộ Hội được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; Kết nạp và phát thẻ cho 650 hội viên mới; Trực tiếp và phối hợp xóa hộ nghèo và hộ cận nghèo cho 100% hội viên nông dân; Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho trên 70.000 lượt hội viên; 100% hội viên nông dân tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; Phối hợp tuyển sinh và dạy nghề cho trên 70 hội viên nông dân/năm; Xây dựng 1 địa điểm kết nối giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn...

Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, Hội Nông dân huyện xác định thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM văn minh và giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Hi vọng rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Sóc Sơn, Hội Nông dân Thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể của huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, hội viên, nhiệm kỳ tới Hội Nông dân huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển KT - XH của TP. Hà Nội nói chung, của huyện Sóc Sơn nói riêng./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Hội Nông dân huyện Sóc Sơn: Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO