Hội nghị được tổ chức trực tuyến, với điểm cầu chính đặt tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, tới gần 790 điểm cầu, bao gồm các điểm cầu cấp huyện, cấp xã với hơn 90.000 đại biểu tham dự.
Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Đại tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.
Tham dự hội nghị còn có các Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, bộ, ban, ngành trung ương; cán bộ chủ chốt các ban, bộ, ngành; các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu của các ngành, địa phương trên cả nước.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị tại điểm cầu chính còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các sở, ban, ngành của thành phố.
Trở thành công việc thường xuyên, tự giác thực hiện
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, thời gian qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từng bước đưa việc học tập và làm theo Bác thành công việc thường xuyên, thành ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước. Việc học tập và làm theo Bác được gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, các đại biểu tích cực tham gia ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả để cùng góp phần đưa việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ thời gian tới đi vào chiều sâu và kết quả thiết thực hơn.
Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII), Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, 3 năm qua, việc tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TƯ được thể hiện cụ thể trên 10 nhóm kết quả.
Nội dung học tập và làm theo Bác đã được đưa vào sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU được gắn chặt với việc tự phê bình và phê bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), góp phần thiết thực vào xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các cấp, các ngành đã đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt và đảng viên; xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ.
Nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai thực hiện dạy tích hợp bộ tài liệu "Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống" trong môn Giáo dục công dân, Đạo đức, Ngữ văn kết hợp với hoạt động ngoại khóa. Trong đó, có nhiều địa phương thực hiện tốt, như: Lạng Sơn, Hà Nội, Yên Bái, Hải Dương, Vĩnh Phúc...
Kết quả thực hiện 3 năm qua cho thấy 4 ưu điểm, trong đó, cấp ủy các cấp đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, có các nội dung hết sức cụ thể. Nhờ đó, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm được cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết triệt để.
Xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, tận tụy, trung thực
Tiếp theo, hội nghị đã nghe các đại biểu trao đổi, thảo luận. Là người đầu tiên tham luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ Chỉ thị số 05-CT/TƯ, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng gắn với công tác xây dựng Đảng và có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực.
Thông qua triển khai các nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TƯ, Hà Nội chú trọng chỉnh đốn tác phong công tác của cán bộ; hướng tới xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giản dị, tận tụy, trung thực.
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố, qua đó đổi mới căn bản công tác đánh giá cán bộ, khắc phục tình trạng cào bằng, tạo động lực mới cho đội ngũ trong thực thi công vụ.
Tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TƯ gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, từ đó ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm người đứng đầu...
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, thời gian tới, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kinh nghiệm 3 năm qua, cùng với các nhiệm vụ được nêu trong báo cáo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội sẽ chú trọng nhân rộng mô hình, cách làm hay, người tốt, việc tốt, biểu dương khen thưởng kịp thời người lao động tiêu biểu ở cơ sở với những việc làm tuy nhỏ nhưng bình dị, cao quý, gần gũi với quần chúng nhân dân, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục xây dựng, bổ sung các nội dung, tiêu chí và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Trước mắt, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Hà Nội phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.
Các đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện các tập thể và cá nhân tiêu biểu... đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả.
Từ học tập và làm theo gương Bác, cô giáo Trần Thị Thúy (Trường Trung học phổ thông Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên) đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cách dạy tiếng Anh cho học sinh, được Tổ chức Varkey Foundation tôn vinh là 1/50 giáo viên toàn cầu.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, cụ thể hóa Chỉ thị số 05-CT/TƯ thành phong trào tiết kiệm giúp đỡ nhau trong hội viên phụ nữ, 3 năm qua, hơn 11 triệu phụ nữ đã tham gia, tiết kiệm được 9.800 tỷ đồng, từ đó giúp hơn 2 triệu lượt phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế...
Các tham luận cho thấy, dù mới qua 3 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 05-CT/TƯ đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống, tạo ra những thành quả to lớn.
Chuyển từ nhận thức thành hành động cụ thể, định lượng được kết quả
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hiện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, không màng danh lợi cá nhân; yêu thương đồng chí, đồng bào; luôn nghiêm khắc với chính mình, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; với phong cách làm việc khoa học và dân chủ, sát thực tiễn, không quan liêu, qua loa, đại khái, luôn coi trọng tiết kiệm tiền tài, công sức của nhân dân, thực hành rộng rãi và thường xuyên dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tự mình làm gương để thuyết phục đồng chí, đồng bào noi theo.
Từ năm 2003 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 4 chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo gương Bác, mãi mãi đi theo con đường mà Người đã lựa chọn.
Nhất trí với dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ, các tham luận tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ; biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 3 năm qua.
Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, quá trình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục thời gian tới. Trong đó, một số cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa thực sự chủ động lựa chọn nội dung đột phá để thực hiện Chỉ thị. Việc triển khai quán triệt, nghiên cứu, học tập chuyên đề hằng năm ở một số địa phương, đơn vị, hình thức còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với các đối tượng. Việc phát hiện, xây dựng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao. Sức lan tỏa từ các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới quần chúng còn hạn chế...
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh 3 nội dung cần tập trung thực hiện bên cạnh các nhiệm vụ được đề ra trong báo cáo tại hội nghị. Đáng chú ý, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các lĩnh vực, nhất là về công tác tổ chức và cán bộ.
Các cấp, các ngành phải duy trì thường xuyên, tận dụng công nghệ thông tin để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục học tập và làm theo Bác; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh...
Đồng chí nhấn mạnh: “Nhận thức chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải chuyển nhận thức ấy thành hành động cụ thể, định lượng được kết quả của mỗi tập thể, cá nhân”.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý 4 nhiệm vụ cần thực hiện tốt từ nay đến kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Nhiệm vụ đầu tiên là chuẩn bị thật tốt việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, các cấp phải khắc phục những biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “nể nang, dễ dãi” khi lựa chọn nhân sự cấp ủy; thực hiện tốt Kết luận số 55-KL/TƯ của Ban Bí thư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ...
Đồng chí yêu cầu, các cấp ủy kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất năng lực hạn chế, sợ trách nhiệm, “dĩ hòa vi quý”, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, “cục bộ”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo, các cấp, các ngành tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đúng với tinh thần Bác đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...”.
Từng địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân phải có chương trình, kế hoạch thật cụ thể, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo được phong trào chuyển biến thực sự theo gương Bác về nội dung này, nhất là trong tình hình đất nước hiện nay.
Ngoài ra, mỗi tập thể, cá nhân, mỗi gia đình cần làm tốt việc bảo vệ môi trường sống bằng những việc làm cụ thể, nhắc nhở nhau cùng giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, tích cực trồng và bảo vệ cây xanh, thực hiện tốt phong trào chống rác thải nhựa...
Đồng chí Trần Quốc Vượng tin tưởng, sau hội nghị này, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cả nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.