Học sinh THCS nghỉ học ngày thứ Bảy: Có đảm bảo chất lượng giáo dục?

Theo daidoanket.vn| 01/11/2019 09:31

Lào Cai là địa phương đầu tiên trên cả nước đã áp dụng việc cho học sinh bậc THCS nghỉ ngày thứ Bảy, thay vì phải đi học như toàn quốc. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là với thời lượng học chính thức bớt đi 1 buổi như vậy, liệu có đảm bảo chất lượng giáo dục, khối lượng kiến thức các em được học?

Học sinh THCS nghỉ học ngày thứ Bảy: Có đảm bảo chất lượng giáo dục?

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.

Không cắt xén, không dồn ép

Bắt đầu từ ngày 30/9/2019, TP Lào Cai và 2 huyện vùng cao Sa Pa, Bắc Hà đã chính thức áp dụng việc nghỉ học ngày thứ 7 đối với khối THCS. Các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đồng loạt triển khai việc này từ đầu tháng 10.

Theo ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Lào Cai, việc thực hiện này trên nguyên tắc đảm bảo kế hoạch thời gian năm học, thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và tuyệt đối không cắt xén chương trình. Sở GDĐT Lào Cai cũng yêu cầu các nhà trường không được dồn ép gây “quá tải” đối với học sinh.

Trong quá trình thực hiện, phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Bố trí, cân đối giáo viên, cân đối các môn học, hoạt động giáo dục hợp lý, trên cơ sở thực hiện tốt nguồn lực của đơn vị, đảm bảo không quá tải đối với học sinh.

Không được thu tiền để tổ chức dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Đảm bảo thời lượng quy định cho họp hội đồng giáo dục, sinh hoạt chuyên môn và các hoạt động khác của nhà trường, các tổ chức trong nhà trường. Giảng dạy linh hoạt, khoa học không gây xáo trộn lớn; đảm bảo thời lượng thực hiện nhiệm vụ nhà trường như phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Sở GDĐT Lào Cai cũng đã có chỉ đạo cụ thể không để việc nghỉ học ngày thứ 7 gây xáo trộn lớn trong hoạt động dạy và học của nhà trường, không gây quá tải cho học sinh. Nhưng trên thực tế, việc rút ngắn thời gian khi học dồn từ 6 ngày thành 5 ngày có thể đảm bảo chất lượng dạy và học hay không thì còn phải chờ một thời gian nữa mới có thể đánh giá chính xác.

Gần nhất, ngành giáo dục Lào Cai cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất một số trường trên địa bàn. Bước đầu đã kịp thời rút kinh nghiệm và chỉ đạo một số trường tích cực đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động dạy học để tạo hứng thú cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao giữa các tiết học, ca học giảm căng thẳng, sắp xếp thời khóa biểu, xen kẽ các môn.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, các địa phương đã được giao quyền tự chủ, tự quyết nên cơ sở tự sắp xếp theo quy định của chương trình là đủ số tiết học. Hiện chương trình dạy học dựa trên văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định nên học sinh phải học đủ giờ. So với chương trình giáo dục của nước ngoài, khối tiểu học và THCS ở Việt Nam hiện còn thiếu khoảng 1.500 giờ học. Vì vậy, nếu học 2 buổi/ngày thì học sinh mới có thể nghỉ thứ 7.

Khó áp dụng đồng loạt

Câu chuyện học sinh THCS học hay nghỉ ngày thứ 7 không phải đến bây giờ mới được đề cập mà lâu nay, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này đã được đưa ra song không phải địa phương, trường nào cũng có đủ cơ sở để thực hiện. Như một số trường THCS, THPT ở TP Hồ Chí Minh từ lâu đã áp dụng việc nghỉ học chính khóa vào thứ 7, thay vào đó thời gian này để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ...

Tuy nhiên, đa số các trường trong số này đều tổ chức thực hiện học 2 buổi/ngày. Trong 5 ngày đầu tuần, các em đã đảm bảo học đủ khối lượng kiến thức theo yêu cầu của Bộ GDĐT nên việc nghỉ học ngày thứ 7 không gây áp lực cho cả học sinh và giáo viên.

Theo phân tích của GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, cho rằng phương án này khó khả thi vì hiện nay nhiều trường đều học 1 buổi/ngày mới đủ lớp, đủ thầy cô dạy và chương trình đang được ổn định, thiết kế học 6 ngày/tuần. Nếu tăng lên học 2 buổi/ngày thì không phải nơi nào cũng đáp ứng được.

Phương án thứ 2 là tăng số tiết học mỗi buổi cũng khó khá thi vì nhiều ngày, các em học tới 5 tiết đã rất vất vả.

Phương án thú 3 là cắt giảm nội dung kiến thức truyền đạt trong mỗi tiết học thì không đảm bảo lượng kiến thức cần nắm được nên cũng bị loại.

Ngoài những khó khăn này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng nếu triển khai nghỉ học ngày thứ 7 có làm tăng thời lượng học thêm của học sinh vì yêu cầu thi cử vẫn không giảm bớt?

Nhìn từ góc độ phụ huynh, nhiều gia đình cũng cho rằng việc áp dụng nghỉ học ngày thứ 7 sẽ gây xáo trộn lớn trong việc quản lý con nên nếu địa phương nào triển khai cũng cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để đạt được sự đồng thuận từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Từ năm học tới sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 và năm sau là đến lớp 6 của cấp THCS. Mong muốn áp dụng cho học sinh nghỉ học thứ Bảy nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh là có nhưng để triển khai đại trà ở tất cả các tỉnh thành là khó khả thi. Bởi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được công bố, tổng thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS của Việt Nam phải đạt 5.909 giờ/năm. Trong khi đó, theo một khảo sát mới đây, ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, từ lớp 1 đến lớp 9, tính trung bình mỗi học sinh  phải học 7.390 giờ/năm. Nếu học sinh nghỉ học ngày thứ 7 thì phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước để phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt. Hoặc phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm sẽ dẫn đến chương trình học quá tải.        

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Học sinh THCS nghỉ học ngày thứ Bảy: Có đảm bảo chất lượng giáo dục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO