Theo đánh giá của một số nhà phê bình mỹ thuật có uy tín trong và ngoài nước hiện nay, Thành Chương là một trong những họa sĩ hàng đầu và đặc biệt của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Điều quan trọng, ông là người đầu tiên cùng một số họa sĩ Việt Nam đã tìm con đường thoát khỏi sự ảnh hưởng bao trùm bởi hội họa cổ điển Pháp, để xây dựng một nền hội họa Việt Nam mang phong cách hiện đại nhưng giầu bản sắc dân tộc truyền thống. Thời gian gần đây, họa sĩ Thành Chương đang lên cơn “thượng đồng” với gần 200 bức tran
Họa sĩ Thành Chương tại xưởng vẽ.
Trên cõi màu kỳ ảo của vô biên
Tôi nhớ khi nhà thơ Bế Kiến Quốc còn sống, cách đây hơn hai chục năm, ông có nói với tôi một câu thật cảm động về tình bạn trong sáng tạo: “Nhóm nhà thơ chúng mình thật may mắn khi được chơi với Thành Chương vì thi ca và hội họa đương đại đang vào thời điểm giầu sức sống sáng tạo nhất! Tôi xin xác tín một điều, Thành Chương là một thiên tài và sẽ là họa sĩ Việt Nam vĩ đại nhất ở những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Hãy tin lời tôi đi, đây không phải là một tiên tri sớm đâu nhé!”. Rồi Bế Kiến Quốc cười, nụ cười sau làn khói thuốc lá như một chút nắng ấm vừa hửng lên trên gương mặt rạng rỡ của ông. Chỉ mấy ngày sau, vào tháng 10/1993, Bế Kiến Quốc đọc cho tôi, Thành Chương và Nguyễn Văn Thọ nghe bài thơ “Thành Chương vẽ” của ông như sau: “Như chùm ớt lửng lơ treo bờ giậu/ Càng đắng cay càng tự chín trong vườn/ Thành Chương vẽ/ Vẽ và đang cất giấu/ Từng mảnh rời tuyệt mỹ của trần gian/ Như đầm sen tàn cuối chiều nhạt nắng/ Cuống trơ vơ rầu héo tận trong bùn/ Thành Chương vẽ/ Vẽ và đang bay liệng/ Trên cõi màu kỳ ảo của vô biên/ Như khóm chuối chẳng lá nào lành lặn/ Xác xơ anh đứng gió trước heo may/ Thành Chương vẽ/ Vẽ và đang cầu nguyện/ Cho phục nguyên thế giới tả tơi này”.
Vâng, quả đúng như lời thơ tiên tri này, qua thời gian, bạn bè chúng tôi cứ mỗi ngày một kinh ngạc về sức sáng tạo không giới hạn của họa sĩ Thành Chương. Thời gian trước đây, tôi cùng nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có nhiều đêm thức trắng tại nhà riêng của Thành Chương để xem ông vẽ. Trước khi dựng tranh sơn mài, Thành Chương thường vẽ tranh mẫu bằng bột mầu trên giấy và sơn dầu trên vải. Ông cần mẫn vẽ suốt đêm. Lúc ấy, Bế Kiến Quốc trầm ngâm với điếu thuốc trên môi, hết điếu này tới điếu khác, mắt đăm đăm nhìn bạn vẽ. Nguyễn Văn Thọ thì thao thao chuyện “trên giời dưới bể” về các bạn văn trong và ngoài nước. Còn tôi thi thoảng bật ra mấy câu thơ ngẫu hứng về bạn bè. Đến quá nửa đêm, mắt chúng tôi đã díp cả lại mà vẫn thấy Thành Chương thao thức vẽ. Có thằng kêu đói. Thành Chương lẳng lặng buông bút, vào trong bếp lục lọi. Một lúc sau, ông bưng ra mấy bát “mì xào kiểu Ý” thơm nghi ngút đặt lên bàn. Nhóm bạn lại quây quần xì xụp, vừa thưởng thức tài nghệ nấu nướng của Thành Chương vừa bàn về mấy bức tranh ông vừa vẽ. Có hôm, sáng ra tỉnh dậy, không thấy bức chân dung tự họa Chương vẽ đêm hôm trước được bạn bè tán thưởng đâu nữa. Hỏi ra mới biết, Chương đã xóa bức vẽ cũ đi rồi (vì chưa thấy đẹp!) và đã vẽ đè lên một bức khác. Nhìn xuống gầm bàn, tôi thấy cả một chồng tranh bột mầu xếp ngay ngắn lên nhau. Và cứ thế, Thành Chương vẽ suốt đêm này sang đêm khác…
Họa sĩ Thành Chương và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Thời gian qua, một trong những triển lãm tranh của họa sĩ Thành Chương được dư luận ghi nhận, đã diễn ra tại cuộc hội thảo quốc tế về “Con người đương đại và tính dục” ở khách sạn Melia, Hà Nội. Phòng triển lãm mỹ thuật này có chủ đề “Yêu 24/24” đã trưng bày 24 bức tranh sơn mài với đề tài nghệ thuật SEX của họa sĩ Thành Chương. Ông bảo đó có thể coi là một bản tham luận của ông tại hội thảo trên. Và mới đây, Thành Chương vừa hoàn thành một đợt vẽ kéo dài hơn một năm với hơn một trăm bức tranh sơn mài về chủ đề SEX này. Tôi cho rằng khi công bố nó sẽ là một triển lãm “bom tấn” trong đời sống hội họa Việt Nam. Tôi đã phỏng vấn nhanh họa sĩ Thành Chương về vấn đề này.
- Nguyễn Việt Chiến: Trong cuộc đời sự nghiệp của mỗi một họa sĩ, người ta thường nói đến các giai đoạn sáng tạo mang dấu ấn đặc biệt của một phong cách mới, một phát hiện mới, một ấn tượng mới, một thành công mới… Phải chăng mảng tranh sơn mài về đề tài nghệ thuật SEX của ông cũng nằm trong một giai đoạn sáng tạo đặc biệt như vậy?
- Họa sĩ Thành Chương: Thật ra, mảng đề tài nghệ thuật SEX (gọi là tranh, tượng nghệ thuật về đề tài tình dục) không có gì mới, nó đã hiện hữu từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây và các cảm hứng sáng tác đề tài này đã có từ lâu. Lịch sử nghệ thuật từ cổ chí kim ở nhiều nước trên thế giới đã có mảng tranh, tượng về đề tài này, vì nghệ thuật SEX chính là cốt lõi của đời sống con người về mặt cảm xúc của nghệ thuật tạo hình.
- Nguyễn Việt Chiến: Vẻ đẹp của hội họa nghệ thuật SEX có những nét đặc trưng gì, thưa ông?
- Họa sĩ Thành Chương: Tranh SEX là đỉnh điểm cao nhất của mảng tranh Nude, tranh khỏa thân. Có một điều rất khó phải tùy theo quyết định của mỗi một người sáng tạo chứ không thể có mẫu số chung của việc sáng tác thế nào là đúng hoặc thế nào là sai, thế nào là vừa độ, thế nào là không vừa độ. Đối với người này là quá, nhưng với người khác lại là nhẹ và bình thường. Có người thấy thế này là chưa đủ, nhưng người kia lại cho rằng là quá rồi. Trong các loại tranh sex cũng như tranh khỏa thân, cái khó nhất là nếu không thấy nhục cảm trong đó, không thấy sự rung động xác thịt trong đó sẽ là không thấy gì hết và vô giá trị. Giống như họa sĩ vẽ phụ nữ khỏa thân nhưng lại vô hồn và không có sự xúc động thì cũng giống như những hình thể ma-nơ-canh bằng nhựa, bằng gỗ để khoác quần áo. Nhưng ngược lại, nếu họa sĩ lại quá liều lượng thì tranh sex lại biến thành tranh khiêu dâm.
- Nguyễn Việt Chiến: Như vậy ranh giới giữa tranh sex và tranh khiêu dâm rất mong manh, làm sao để vượt lên được cả sự vô cảm và nhục cảm?
- Họa sĩ Thành Chương: Đúng, ranh giới ấy rất mong manh và đấy là vấn đề khó nhất đối với người sáng tạo. Khi anh đã vẽ về đề tài này, dứt khoát trong anh phải có cảm xúc, phải có tình yêu thì anh mới chuyển tải được tinh thần ấy, rung động ấy cho người xem. Nếu anh vô cảm thì tranh vô hồn, nhưng nếu nghiêng quá về phía nhục cảm thì tranh lại khiêu dâm. Vấn đề tận cùng muốn tránh được điều đó thì người họa sĩ phải có rung động thật sự về cái đẹp và phải dùng sự vận động sáng tạo của nghệ thuật trên cái nền cảm xúc đó để dung hòa được điều ấy. Và quan trọng, anh vẫn phải lấy sự sáng tạo nghệ thuật làm cốt yếu, còn đề tài và cảm xúc chỉ là cái cớ để anh sáng tác, để anh đắm đuối với nghệ thuật. Tôi muốn nói, khi vẽ tranh sex, trong anh phải có sự rung động thật sự trước cái đẹp, trước nhục cảm một cách thật đúng đắn, phải thật sự hiểu nó, nhưng anh phải hướng sự tập trung vào nghệ thuật sáng tạo thì anh mới có được những tác phẩm có giá trị.
- Nguyễn Việt Chiến: Trở lại với triển lãm “Yêu 24/24” có thể coi như một triển lãm khiêm tốn về tranh SEX đầu tiên ở Việt Nam, ông có những cảm nhận gì?
- Họa sĩ Thành Chương: Đấy là cuộc hội thảo quốc tế của một Trung tâm nghiên cứu về tính dục của các dân tộc ở Việt Nam do bà Khuất Thu Hồng làm giám đốc. Có một điều đặc biệt ở Việt Nam, trong đời sống giao tiếp thường ngày, bất kể ở đâu, bất kể ở tầng lớp nào của xã hội, bất kể người già, người trẻ đều hay nhắc đến chuyện tình dục theo kiểu tiếu lâm, khôi hài một cách tếu táo, vui đùa. Nhưng khi đặt vấn đề nghiên cứu về tình dục một cách nghiêm túc trên các diễn đàn thì dường như ai cũng thấy ngại và lảng tránh. Không ít người cho rằng cảm xúc thăng hoa nhất của tình yêu - tình dục là chuyện dung tục, bậy bạ. Đáng lẽ ra, con người phải có quyền được tận hưởng đầy đủ mọi cảm xúc thăng hoa, viên mãn, sung sướng của tình yêu - tình dục nhưng lại bị hạn chế, kìm nén và xâm hại rất nhiều. Trong cuộc hội thảo quốc tế (với sự tham gia của đại biểu gần 100 nước) nói trên, các vấn đề liên quan đến tình yêu - tình dục được đặt ra một cách rất thẳng thắn, văn minh và bình đẳng. Tôi được mời tham gia với tư cách một họa sĩ đã có nhiều sáng tác nghiêm túc về đề tài này và coi đó là một chủ đề quan trọng trong công việc của mình.