Tại hội nghị, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết, trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và các đoàn thể thành phố, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu, đẩy lùi tín dụng đen tại khu vực nông thôn...
Hiện nay, thành phố đang quản lý và triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác. Tính đến ngày 30-6-2019, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đạt 7.913 tỷ đồng, tăng 3.192 tỷ đồng so với năm 2014. Tổng doanh số cho vay từ cuối năm 2014 đến nay đạt 13.226 tỷ đồng, với hơn 487.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Trong 5 năm qua, thông qua nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho hơn 134.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, thu hút, tạo việc làm ổn định cho 147.000 lao động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.906 ngôi nhà cho hộ nghèo.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã tăng 1.805 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TƯ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh ghi nhận những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác cho vay thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của Hà Nội cao nhất cả nước. Thành phố là địa phương dẫn đầu cả nước về nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách xã hội…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, Thành ủy Hà Nội luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TƯ, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc.
Đặc biệt, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ lồng ghép với các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả, thiết thực...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng ghi nhận sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn thành phố đến nay chỉ còn dưới 1%; trong đó 5 quận, huyện không còn hộ nghèo.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TƯ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, lồng ghép với việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”…
Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền thành phố phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ; quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thành phố nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; lồng ghép với các chương trình, dự án của các đoàn thể chính trị - xã hội, hướng dẫn và hỗ trợ người dân vay vốn sử dụng vốn hiệu quả.
Các cấp cần chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế gắn với triển khai tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng hiệu quả vốn vay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương, đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai dân chủ và an toàn vốn.
Qua đó, góp phần thực hiện các chương trình, mục tiêu của thành phố về giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của Thủ đô.
Tại hội nghị, Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 25 tập thể, 22 cá nhân có thành tích trong triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ.