Học sinh vẫn là người chịu nhiều thương tổn và thiệt thòi nhất từ hệ lụy tắc trách của Học viện Múa Việt Nam. Ảnh minh họa Câu chuyện hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng tốt nghiệp THCS hay giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp gây nhiều bức xúc cho học sinh và các bậc phụ huynh trong thời gian qua. Mặc dù cho đến nay tất cả những vướng mắc về chuyện bằng cấp này đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng vào cuộc giải quyết. Toàn bộ hơn 300 em học sinh đã có được tấm bằng trong tay. Tuy nhiên, những hệ lụy đằng sau tấm bằng đó thì có lẽ chỉ có người trong cuộc - các em học sinh vẫn là người chịu nhiều mất mát, tổn thương.
Dù xét từ góc độ người nghệ sĩ hay người lao động thì khi ra xã hội và đối mặt với chuyện “cơm áo - gạo tiền” các em đều vấp phải những quy định khó bề né tránh. Ví như, theo cơ chế tuyển dụng của nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay, không cứ cơ quan Nhà nước mà ngay cả với cơ quan, đơn vị tư nhân thì chuyện yêu cầu phải có bằng cấp để xác định trình độ, khả năng của ứng viên cũng là quy định bắt buộc... Vậy nên, tấm bằng được coi là “căn cước” để các em bước vào đời; và nếu như cái “căn cước” ấy không có thì các em biết bấu víu vào đâu? Ai có thể tin rằng em đã tốt nghiệp ở trường rồi hay chưa, nhà tuyển dụng đâu phải ai cũng có người “thân quen” để đặt niềm tin vào những điều các em khai và cam kết mà không có cơ sở để căn cứ.
Hơn nữa, theo luật tuyển dụng lao động thì hồ sơ nhân sự của các em cũng phải đáp ứng được các giấy tờ, bằng cấp phù hợp với công việc, còn không có thể coi như đơn vị tuyển dụng cũng vi phạm pháp luật... Thế nên, nếu có “yêu quý, ưu ái” các em mà nhận vào làm thì đơn vị tuyển dụng cũng không khỏi bối rối bởi không biết căn cứ vào đâu để xếp lương, đảm bảo quyền lợi người lao động cho các em.
Nhìn lại những vướng mắc vừa qua khiến các em học sinh Học viện Múa Việt Nam đứng trước hoàn cảnh trớ trêu cũng bởi sự thay đổi quy định, luật định của Nhà nước. Theo quy định trước năm 2017, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc). Người học sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT, được tham dự kỳ thi đại học. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) được tham dự kỳ thi đại học.
Nhưng từ ngày 14/12/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) quy định hoạt động giáo dục nghề nghiệp với Học viện Múa Việt Nam, trong đó chỉ được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, không đào tạo văn hóa. Theo quy định mới này thì Học viện Múa Việt Nam không có thẩm quyền cấp bằng THCS và THPT cho học sinh mà phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên của quận để bổ túc văn hóa cho học sinh chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước. Còn Luật Giáo dục năm 2019 quy định người học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không được phép liên thông lên đại học.
Như vậy, chiểu theo quy định và Luật Giáo dục năm 2019 thì các học viên, học sinh học trường múa phải trải qua kì thi tốt nghiệp văn hóa ở trung tâm giáo dục thường xuyên của quận mới được cấp bằng tốt nghiệp. Sơ suất của Học viện Múa Việt Nam là “bỏ quên” thủ tục đăng kí, liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đảm bảo quyền lợi cho các em. Rồi câu chuyện cấp bằng trung cấp, bằng cao đẳng nghề của các em cũng bởi sự lúng túng trong quy trình chuyển đổi từ mô hình trường cao đẳng lên học viện.
Nguyên do thế nào, vấn đề giải quyết những vướng mắc ra sao là chuyện của các nhà quản lí và Ban Giám đốc Học viện Múa Việt Nam. Còn điều các phụ huynh và học sinh quan tâm là đảm bảo quyền lợi của người học. Khi đã thi tuyển và theo học tại trường là phụ huynh các em gửi gắm niềm tin và hi vọng vào tương lai của con em mình cho nhà trường. Hơn nữa, trong quá trình học tập, các em đều tuân thủ các nội quy về học phí và quy trình đào tạo của nhà trường, vậy hà cớ gì sau mấy năm trời bỏ tiền bạc, công sức “ăn học” thì kết quả các em “gặt hái” được chỉ là hư vô?
May mắn khi câu chuyện vỡ lở, 300 học sinh của Học viện Múa Việt Nam đã có bằng tốt nghiệp trong tay - cũng coi như đã giải tỏa được nỗi bức xúc, trăn trở của nhiều phụ huynh và học sinh, mặc dù thực tế các em cũng còn chưa biết tấm bằng mà các em học sinh nhận được có thực sự giải quyết được hết những vướng mắc trong hoạt động nghề nghiệp của các em hay không.
Nhìn lại “sự cố” xảy ra vừa qua để thấy rằng dù vô tình hay hữu ý thì nhà trường - cơ sở giáo dục không thể chỉ biết quan tâm đến lợi ích mà bỏ quên quyền lợi của học sinh. Và dù vì bất cứ lí do gì, dù nhìn ở góc độ nào thì các em học sinh vẫn là người chịu nhiều thương tổn và thiệt thòi nhất. Hi vọng, đây là bài học cho các cơ sở dạy nghề, cho Học viện Múa Việt Nam trong công tác đào tạo sao cho đảm bảo quyền lợi của học sinh - sinh viên.
Và hơn hết, chúng tôi cũng mong muốn Học viện Múa Việt Nam - một cánh chim đầu đàn trong đào tạo tài năng nghệ thuật múa Việt Nam hãy là nhịp cầu chắp cánh cho ước mơ nghệ thuật và là điểm tựa để các em - những nghệ sĩ múa tương lai yên tâm, vững bước vào đời.