Theo báo New York Times (Mỹ), lần cuối cùng người ta biết về âm mưu của Hàn Quốc trong việc ám sát một nhà lãnh đạo của Triều Tiên là vào cuối những năm 1960. Tuy nhiên kế hoạch đó đã không diễn ra theo những tính toán của họ.
Cụ thể, vào thời điểm đó, sau khi lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên xông vào lục soát dinh tổng thống tại Seoul, Hàn Quốc đã bí mật đào luyện những thành phần bất hảo trong tù hoặc những kẻ lang thang để lén xâm nhập vào Triều Tiên, tìm cách ám sát nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Khi âm mưu đó bất thành, những người tham gia sứ mệnh ám sát cũng đã nổi loạn. Họ giết chết những người huấn luyện mình và tìm đường về lại Seoul rồi tự sát. Trong nhiều thập kỷ, câu chuyện về cuộc nổi loạn này đã được giấu kín.
Và nay, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cháu trai của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, tăng tốc các chương trình phát triển tên lửa, một lần nữa Hàn Quốc lại đề cập câu chuyện ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo phát biểu trước quốc hội tại Seoul, cho biết một lữ đoàn đặc nhiệm mà giới quan chức quốc phòng gọi là "đội quân xử trảm" sẽ được thành lập vào cuối năm nay.
Đội quân này, đương nhiên không được giao nhiệm vụ một cách chính thức là xử trảm các nhà lãnh đạo của Triều Tiên theo đúng nghĩa đen, tuy nhiên rõ ràng nó là thông điệp đe dọa với nước láng giềng mà Hàn Quốc muốn phát đi một cách rõ ràng nhất.
Theo đó, giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết đội quân đặc nhiệm có thể tiến hành các cuộc vây ráp xuyên biên giới bằng trực thăng và các máy bay vận tải có khả năng xâm nhập vào Triều Tiên trong đêm.
Hiếm khi có chuyện một chính phủ công khai chiến lược ám sát nguyên thủ của một nước, nhưng Hàn Quốc muốn Triều Tiên phải thận trọng và dè dặt hơn về những hậu quả khôn lường họ có thể phải đối mặt nếu cố tình phát triển thêm nữa kho vũ khí hạt nhân.
Song song với tiến trình đó, Hàn Quốc cũng muốn gia tăng vị thế quyết liệt hơn của họ trong việc hối thúc Triều Tiên đi tới việc phải chấp nhận đề nghị đàm phán của Tổng thống Moon Jae In.
Những động thái của Chính phủ Hàn Quốc làm dấy lên những ngờ vực về chuyện phải chăng giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của họ, đã chuẩn bị những kế hoạch cơ bản để có thể ám sát hay vô hiệu hóa nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng như các trợ thủ cấp cao của ông ấy trước khi họ có thể phát động một vụ tấn công?
Mặc dù Ngoại trưởng Rex W. Tillerson từng nói nước Mỹ không cố tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên, cũng như Hàn Quốc luôn khẳng định những chiến thuật quân sự mới của họ chỉ để nhằm đối phó với nguy cơ từ Bình Nhưỡng, nhưng không ai loại trừ khả năng những năng lực tấn công mà hai lực lượng này đang xây dựng rất có thể được sử dụng theo kiểu tấn công phủ đầu.