Hà Nội và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc): Khởi sắc hợp tác du lịch
Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là địa phương có nhiều nét tương đồng về văn hóa, khoảng cách địa lý gần với một số tỉnh tại Việt Nam. Điều này tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân, hợp tác và phát triển du lịch hai nước nói chung, trong đó có Thủ đô Hà Nội và Vân Nam nói riêng.
Vân Nam (Trung Quốc) có chung đường biên giới với một số tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Với việc phát triển hạ tầng giao thông, việc đi lại giữa các địa phương rất thuận tiện, chính vì vậy, Vân Nam cùng một số tỉnh thành của Việt Nam như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cũng như Thủ đô Hà Nội, được đánh giá có rất nhiều tiềm năng để hợp tác, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch.
Điểm nhấn gần nhất thể hiện tình hữu nghị, gắn kết hợp tác giữa các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được thể hiện, đó là tour du lịch vàng, kiểu mẫu “Hai quốc gia, Sáu điểm đến” do Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch các tỉnh, Thành phố: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với châu Hồng Hà - tỉnh Vân Nam triển khai từ tháng 3/2023.
“Hai quốc gia, Sáu điểm đến” gồm Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách mỗi bên. Đây cũng là sản phẩm du lịch góp phần minh chứng cho mối quan hệ hợp tác có trách nhiệm, bền chặt, mở ra triển vọng mới cho quan hệ hợp tác ngành du lịch giữa các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Tham gia tour du lịch này, du khách mỗi nước sẽ được tham quan nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với Châu Hồng Hà - tỉnh Vân Nam. Đến với Châu Hồng Hà, du khách nước ta có thể đến ga xe lửa Zhicun, tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã làm việc, theo dấu chân của Người, hồi tưởng về các sự kiện những năm tháng đỏ lửa.
Tại Châu Hồng Hà, du khách Việt thỏa sức ngắm nhìn những ruộng bậc thang, trải nghiệm sự kế thừa sống động của văn hóa nông nghiệp và các nền văn hóa truyền thống dân tộc Hà Nhì và dân tộc Yi của địa phương. Hoặc bạn có thể đến Jianshui khám phá cây cầu cổ Shuanglong và làng cổ Tuanshan có tuổi đời hàng ngàn năm, hoặc mua một chiếc bình gốm màu tím Jianshui ở thành phố cổ Lin’an. Ngoài ra, tỉnh Vân Nam còn có các điểm đến hấp dẫn khác gồm thành cổ Lệ Giang, thành cổ Đại Lý, Thạch Lâm, hang động Alư, Vân Nam Bảy Sắc, Thiên Long Bát Bộ…
Ngược lại, du khách Trung Quốc đến Hà Nội được khám phá nét đẹp văn hóa, lịch sử của các địa điểm nổi tiếng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ trong lòng thành phố, các bảo tàng, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đất Hà thành…
Đến với Quảng Ninh, du khách đất nước tỷ dân thỏa sức khám phá di sản Vịnh Hạ Long, bán đảo Tuần Châu, thương cảng Vân Đồn, biển Trà Cổ, khu du lịch tâm linh Yên Tử…; tại Hải Phòng là khu sinh thái Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ, tháp Tường Long, biệt thự Bảo Đại… Tỉnh Lào Cai cũng hấp dẫn không kém khi có hàng loạt điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn du khách Trung Quốc nói riêng và khách quốc tế nói chung, như Nhà thờ đá Sa Pa, đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương, chợ phiên Bắc Hà, Dinh thự A Tưởng, Đền Bảo Hà…
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chia sẻ, Thủ đô Hà Nội luôn xác định Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu. Đồng thời, du khách Trung Quốc rất yêu thích các điểm đến của Việt Nam tại các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… và các điểm đến tham quan du lịch giàu bản sắc văn hóa khác. Việt Nam cũng là điểm đến lý tưởng của khách du lịch Trung Quốc ưa thích loại hình du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event - loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…), du lịch ẩm thực, du lịch golf…
Do đó, Hà Nội đã, đang và sẽ tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy thu hút khách du lịch Trung Quốc và khách du lịch quốc tế theo tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”, nhất là tuyến du lịch Côn Minh - châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) để phát triển du lịch Thủ đô.
Thông qua tour du lịch kể trên, giới chuyên gia đánh giá sẽ giúp chúng ta có những điều kiện để du khách có thể được trải nghiệm nhiều điểm đến và liên tục có sự thay đổi, không nhàm chán giữa các cái địa phương, từ đó sẽ tạo được sự thu hút rất cao đối với du khách. “Đã có hơn 1.000 đoàn khách Trung Quốc thông qua công ty đăng ký để đến Việt Nam du lịch. Hà Nội là nơi có nền lịch sử văn hóa vô cùng lâu đời. Kiến trúc Hà Nội cũng vậy và điều này thu hút rất nhiều du khách Trung Quốc muốn đến Thủ đô của Việt Nam tham quan, trải nghiệm”, ông Kong Xiang Hui, Tổng Giám đốc công ty du lịch Quốc Tân Phi Dương Hồng Hà (Trung Quốc), bày tỏ.
Được biết nhiều năm nay, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Vân Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về du lịch, thể hiện qua các chương trình giao lưu, làm việc thường xuyên và hiệu quả. Hà Nội và Vân Nam đã thúc đẩy quan hệ trao đổi khách du lịch hai chiều, giúp đỡ nhau tổ chức xúc tiến du lịch, khảo sát du lịch tại mỗi bên. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến hai nước nói chung và Hà Nội – Vân Nam nói riêng ngày càng gia tăng.
Đồng thời, Sở Du lịch Hà Nội và Cục Du lịch Vân Nam, Trung Quốc đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác du lịch qua nhiều hoạt động cụ thể, chuyên sâu trong nhiều năm qua. Đó là hoạt động trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, đào tạo lực lượng cán bộ điều hành, hướng dẫn viên phục vụ cho thị truờng khách Trung Quốc và Việt Nam, phối hợp xúc tiến du lịch hai địa phương tại các thị trường khách quốc tế lớn trong châu lục và thế giới./.
Dự kiến trung tuần tháng 11/2023, Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10 sẽ diễn ra tại Thành phố Hà Nội. Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế này được sáng lập từ năm 2004.
Trải qua gần 20 năm phát triển với 9 lần hội nghị, hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã khẳng định tính hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh thành viên trên các lĩnh vực giao lưu hữu nghị, kết nối giao thông, thương mại, du lịch, văn hóa nghệ thuật… Các tỉnh, thành phố thành viên đã khai thác hiệu quả về vị trí địa lý, phát huy lợi thế nối giao thông, thế mạnh của từng địa phương để cùng tăng cường liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển.