Chuyển động Hà Nội

Hà Nội thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm

Hoa Quỳnh 16:33 16/05/2025

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư quan trọng, trọng điểm của Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu, đề xuất UBND Thành phố giải quyết các chế độ, chính sách trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Tổ công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng; ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường làm Tổ phó. Các thành viên Tổ công tác gồm có: Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Anh Quân; Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Việt Hải; Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng; Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh; Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quân.

mo-rong-tamtrinh.jpg
Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh dài hơn 3,5 km với tổng mức đầu tư lên tới 3.354 tỷ đồng đã trải qua 4 lần điều chỉnh mốc thời gian bàn giao mặt bằng.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Tổ công tác có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tham mưu, đề xuất UBND Thành phố giải quyết các chế độ, chính sách trong giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư quan trọng, trọng điểm của Thành phố. Tổ trưởng Tổ công tác phân công nhiệm vụ cho các Thành viên và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Môi trường thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác để tham mưu, đề xuất UBND Thành phố giải quyết các chế độ, chính sách trong giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư quan trọng, trọng điểm của Thành phố.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, trọng điểm của Thành phố Hà Nội, thời gian qua Hà Nội gặp khó khăn bởi nguyên nhân khách quan. Thành phố Hà Nội hiện có nhiều dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do những bất cập trong chính sách pháp luật, nhất là sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết thêm, trên địa bàn thành phố có 1.448 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2013 và tiếp tục triển khai theo Luật Đất đai 2024, với tổng diện tích hơn 12.430ha.

Nhiều dự án gặp khó về giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành công trình. Điển hình là Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh trên địa bàn quận Hoàng Mai với tổng mức đầu tư lên tới 3.354 tỷ đồng đã trải qua 4 lần điều chỉnh mốc thời gian bàn giao mặt bằng. Đến nay, nhà thầu mới tổ chức thi công được khoảng 800m trong tổng chiều dài gần 3,6km. Nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm tiến độ là vướng mắc về chính sách liên quan công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và vướng mắc liên quan đến nhà tái định cư.

Bên cạnh đó có thể kể đến Dự án đường Láng - Hòa Lạc kéo dài giai đoạn 2 đoạn qua huyện Thạch Thất. Dự án cũng đang gặp khó khăn do sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Dù đã bàn giao 98,64% diện tích đất và hoàn tất 99,77% công tác di dời mộ phần, nhưng đến nay vẫn còn 10,9ha chưa được giải phóng mặt bằng...

Đối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1A, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội cho biết, dự án khởi công từ năm 2014 nhưng phải dừng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Tiếp đó tháng 10/2022, dự án xây dựng hầm chui Kim Đồng được khởi công để đồng bộ năng lực lưu thông cho đường Vành đai 2,5. Tuy nhiên, tại dự án hầm chui, phía Đầm Hồng đang còn tồn tại 2 vị trí tái lấn chiếm mặt bằng, một số vị trí phải cắt xén một phần thuộc địa bàn phường Định Công. Còn đoạn đường từ Đầm Hồng – Quốc lộ 1A thì có 14 hộ dân có đất bị chồng lấn với dự án khác, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ tháng 2/2024 nhưng đến này vẫn chưa tiến hành bàn giao lại cho chủ đầu tư, chưa thể thi công được.

Thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án chịu sự điều chỉnh của cả Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Cụ thể, đối với các thông báo thu hồi đất chưa quá 12 tháng, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành, không phải thực hiện lại theo Luật Đất đai 2024. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các dự án đã hoàn tất quy trình theo Luật Đất đai 2013 tiếp tục triển khai, không cần làm lại từ đầu. Đối với các dự án áp dụng Luật Đất đai 2024, nhưng chính sách không thay đổi và người dân đồng thuận, các cơ quan chức năng có thể tiến hành ngay các bước tiếp theo.

chu-tich-ha-noi.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các Sở, Ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án theo đúng tiến độ, khắc phục triệt để tình trạng “vốn chờ dự án”.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố; tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, phân loại cụ thể thành từng nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp tháo gỡ; báo cáo kết quả, trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội đồng thời yêu cầu tập trung triển khai các dự án theo đúng tiến độ, khắc phục triệt để tình trạng “vốn chờ dự án”, tránh để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Đối với các dự án hết thời gian thực hiện đến cuối năm 2024, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày 30/6/2025; trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn năm 2025 để triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt./.

Bài liên quan
  • Hướng dẫn lập quy hoạch tổng mặt bằng và thông tin về quy hoạch kiến trúc Thủ đô
    “Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thời gian qua thành phố tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn là lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065; đồng thời triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện quy hoạch. Thành phố kỳ vọng 3 nhiệm vụ này sẽ tạo bước đột phá cho phát triển Thủ đô” - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến nhấn mạnh tại tọa đàm “Hướng dẫn lập quy
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO