Bác sĩ tư vấn cho người mắc nghiện đến điều trị Methadone tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội. Ảnh: Oanh Trần
Ba nhiệm vụ trọng tâm
Tệ nạn ma túy đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Nếu như trước đây, đại đa số người sử dụng dạng thuốc phiện (Opiats) thì hiện nay, phần lớn chuyển sang dùng ma túy tổng hợp (ATS). Đáng báo động, số người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng tăng, người nghiện có xu hướng trẻ hóa, nhất là trong thanh niên, học sinh, phát sinh nhiều vụ việc gây bức xúc xã hội. Thực tế cũng cho thấy, công tác cai nghiện còn rất nhiều khó khăn, do có những bất cập trong quy định của văn bản pháp luật. Đặc biệt, với công tác cai nghiện bắt buộc, việc xác định tình trạng nghiện còn nhiều vướng mắc. Tỷ lệ tái nghiện dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đáng nói, đến nay vẫn chưa có chính sách thu hút các DN, cơ sở kinh tế tiếp nhận người sau cai vào làm việc tạo công ăn việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đầu tháng 6/2020, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy với chủ đề “Phát huy tinh thần phòng chống dịch Covid-19, Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy”. Trong đó tập trung giải quyết 8 điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn. Cùng với đó, chủ động rà soát, phát hiện, đưa vào quản lý điểm phức tạp về ma túy để tập trung biện pháp đấu tranh giải quyết, đưa 60 người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thực hiện những chỉ tiêu đó, Hà Nội đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và điều trị nghiện, quản lý sau cai nghiện. Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Phùng Quang Thức cho biết: “Trong tháng cao điểm phòng chống ma túy năm nay, chúng ta đồng hành hai nhiệm vụ: Vừa thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là phương châm chỉ đạo của TP, Sở LĐTB&XH Hà Nội để các cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện”.
Phòng, chống ma túy như chống dịch Covid-19
Từ trước ngày 26/6, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội cũng như 30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy. Chia sẻ về giải pháp thực hiện theo chủ đề “Phát huy tinh thần phòng chống dịch Covid-19, Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy” - ông Phùng Quang Thức cho hay: Trên cơ sở đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, cho thấy tất cả những người dân, bệnh nhân, cơ quan, tổ chức đều nhận thức sâu sắc về công tác phòng chống dịch. Cộng với sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ, chúng ta đã chiến thắng Covid-19. Công tác phòng chống ma túy hiện nay, chúng ta cũng đặt ra bối cảnh như vậy. Hãy vì cộng đồng không có ma túy. Chúng ta cần nâng cao vai trò nhận thức, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống ma túy để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh không ma túy.
Trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, vai trò và sự phối hợp liên ngành rất tốt. Đặc biệt là các cơ quan tuyến đầu như y tế, quân đội, công an; tiếp đến các tổ chức chính quyền có sự phối hợp rất nhịp nhàng, khăng khít, chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn phát huy tinh thần này trong công tác phòng chống ma túy, nhất là điều trị, tổ chức quản lý cai nghiện để có kết quả tốt hơn. Tiếp đến là không phân biệt kỳ thị đối với người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy. Đặc biệt là có sự chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng lòng, quyết tâm để xây dựng được môi trường xã hội lành mạnh, không có ma túy.
Không chỉ thế, trong Kế hoạch 112 của UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ việc tuyên truyền cho học viên, người dân, cán bộ, người làm công tác xã hội vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong phòng chống ma túy cũng như tác hại của ma túy đối với cộng đồng. Đồng thời thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế, không cho phép dịch bệnh có nguy cơ lây lan từ bên ngoài vào các cơ sở cai nghiện. “Chúng tôi cũng tập trung tham mưu, triển khai, chỉ đạo và tổng kết đánh giá các mô hình cai nghiện, đặc biệt là chất lượng hiệu quả, bảo đảm được quyền cũng như tiếp cận dịch vụ của những người nghiện khi điều trị” – ông Thức cho hay.