Hà Nội kiên quyết không để xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định Hà Nội quyết tâm và cam kết không để xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp
Sáng 9/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí tháng 4/2025.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương đã báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc dạy thêm, học thêm (Thông tư 29), công tác chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đổi mới tích cực hoạt động dạy và học thêm

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Là địa phương có số lượng học sinh và trường học lớn nhất cả nước, công tác đào tạo, giảng dạy, chất lượng giáo dục luôn được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Thế Cương cho biết, ngành Giáo dục Hà Nội vẫn có nhiều ý kiến về “vấn nạn” dạy thêm, học thêm, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Vì vậy, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) đã được ban hành. Ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khẩn trương triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa quy định mới vào thực tiễn.
Các đơn vị và cá nhân tổ chức dạy bồi dưỡng trong và ngoài nhà trường đều có cơ sở vật chất, an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo cho hoạt động dạy và học. Việc tham gia các lớp học thêm đều xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của học sinh và phụ huynh, mong muốn bồi dưỡng nâng cao kiến thức.
Kinh phí đóng góp cho các buổi học thêm được thỏa thuận trên nguyên tắc thu đủ chi, đảm bảo thu nhập chính đáng cho giáo viên dạy thêm, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương.
Hà Nội cũng đã triển khai phần mềm để học sinh ôn tập online, bổ sung kiến thức tại nhà… Với những em học cuối cấp, giáo viên tự nguyện dạy thêm không thu tiền…
Không để xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ
Về công tác tuyển sinh đầu cấp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, những năm trước đây có hiện tượng phụ huynh xếp hàng từ đêm, 2-3h sáng, thậm chí xô đổ cổng trường để tranh suất cho con vào trường.

“Đây là hành vi phản cảm, nếu không xử lý khéo thì sẽ gây dư luận không tốt. Năm nay, Hà Nội kiên quyết không còn hiện tượng xếp hàng, xô đổ cổng trường nộp đơn học cho con. Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tuyển sinh đầu cấp toàn bộ bằng phần mềm, thông qua trung tâm điều hành thông minh. Phần mềm đã được triển khai 3 năm và được đánh giá tốt”, ông Trần Thế Cương nói.
Liên quan đến tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2025, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, toàn Thành phố có khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp Trung học cơ sở. Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giảm áp lực cho các gia đình học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cố gắng tăng tỉ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông công lập từ khoảng 64% trở lên, tăng khoảng 3-4% so với năm học trước. Với tỷ lệ tăng như vậy đồng nghĩa với việc có thêm 5.000-5.500 học sinh có cơ hội vào trường công lập.
Để tham gia dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông công lập tại Hà Nội, học sinh làm ba bài thi các môn gồm ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút), toán (thời gian làm bài 120 phút) và ngoại ngữ (thời gian làm bài 60 phút).
Trong đó, bài thi môn Toán và ngữ văn thi theo hình thức tự luận; bài thi môn ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài thi môn ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Thời gian tổ chức kỳ thi diễn ra vào ngày 7 và 8/6/2025. Thí sinh đăng ký thi chuyên sẽ tiếp tục làm bài thi chuyên vào ngày 9/6.
Thành phố Hà Nội kiên trì chủ trương bảo đảm 100% số học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Năm nay, học sinh thi vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT là lứa đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Chương trình rất mới đòi hỏi công tác dạy và học có nhiều đổi mới. Hà Nội đã huy động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức coi thi, chấm thi, làm nhiệm vụ thanh tra thi. Năm nay, theo quy định mới, thời gian công bố điểm thi và điểm chuẩn sẽ cùng một thời gian.
Khoảng 126.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT
Về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Hà Nội dự kiến có 126.000 thí sinh đăng ký dự thi (tăng khoảng 15.000 học sinh so với năm 2024, trong đó thí sinh THPT là 103.296; thí sinh giáo dục thường xuyên là 17.335 thí sinh, thí sinh tự do khoảng hơn 5.000 thí sinh). Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 26 - 27/6. Trước đó, ngày 25/6, các thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Ngày 28/6 là ngày thi dự phòng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, với tiện lợi của VneID, ngành Giáo dục thực hiện mô hình tuyển sinh định vị theo địa giới hành chính thay vì phân luồng từng khu vực. Thí sinh có thường trú, tạm trú ở đâu có quyền đăng ký vào trường gần đó góp phần giảm tải, giúp cho quá trình tuyển sinh thuận lợi hơn. Bắt đầu từ sang năm ngành giáo dục sẽ thực hiện, thí điểm ở một số nơi để đánh giá.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Huy Cường nhấn mạnh, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18- NQ/TW cùng với việc thực hiện các Kết luận 127, 126 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sẽ có rất nhiều các nhiệm vụ tới đây tác động tới các cấp, ngành, trong đó có ngành Giáo dục Thủ đô.
Các cơ quan báo chí cần xắn tay vào việc tuyên truyền một cách thiết thực với các phóng sự, bài viết sâu sắc, làm rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với thế hệ trẻ của Thủ đô, lan toả trong nhân dân. Các cơ quan báo chí cần tương tác, lan toả những việc làm hay, làm tốt của giáo dục Thủ đô; tăng tần suất số lượng bài về ngành Giáo dục…
Đồng thời phản ánh kịp thời điểm mới của Thông tư 29, tuyên truyền rộng rãi về quy chế tuyển sinh quy chế thi đầu cấp, đặc biệt là những điểm mới của kỳ tuyển sinh tới học sinh và cha mẹ học sinh; đưa các thông tin đầy đủ, khách quan, có chiều sâu đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.
Cùng đó, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục xây dựng môi trường học đường lành mạnh, đấu tranh với các thông tin sai lệch về giáo dục nhất là trên không gian mạng./.