Hà Nội: Hạ nhiệt “điểm nóng” dịch sốt xuất huyết

Đăng Chung| 26/09/2017 22:05

Trong những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã giảm hẳn so với thời điểm trước. Một số quận, huyện - nơi từng là “điểm nóng” của dịch sốt xuất huyết với số bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám sốt xuất huyết dồn dập thì nay số bệnh nhân đi khám và điều trị đã giảm…

Dịch sốt xuất huyết… hạ nhiệt

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội (chiều 26/9), tuần từ 18/9/2017 đến 24/9/2017, Hà Nội ghi nhận 1.604 trường hợp, giảm 352 trường hợp so với từ ngày 11/9 đến 17/9 và giảm 1.965 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8/2017. Hầu hết các quận, huyện có số ca ghi nhận đều giảm so với trước cụ thể như: quận Hoàng Mai (giảm 33 trường hợp); Đống Đa (giảm 54 trường hợp); Thanh Trì (giảm 23 trường hợp); Hà Đông (giảm 59 trường hợp); Hoàn Kiếm (giảm 26 trường hợp); Cầu Giấy (giảm 40 trường hợp); Ba Đình (giảm 22 trường hợp)…và không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.

Hà Nội: Hạ nhiệt “điểm nóng” dịch sốt xuất huyết

Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 26/9 (Ảnh: Đăng Chung)

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, lũy tính từ đầu năm 2017 đến ngày 24/9/2017 toàn Thành phố ghi nhận 30.344 trường hợp, 07 trường hợp tử vong; số bệnh nhân đã khỏi bệnh 29.055 trường hợp (chiếm 95,7%). Hiện còn 1.289 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới): 4.063 ổ trên tổng số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm là 4.447 ổ (chiếm 91,4%), hiện toàn Thành phố chỉ còn 384 ổ dịch đang tồn tại.

“Số ca mắc SXH đã giảm so với thời điểm trước, tuy nhiên với diễn biến thời tiết như hiện nay và việc sinh viên các trường cao đẳng, đại học vừa nhập học thì nguy cơ dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp với số ca mắc gia tăng. Bởi vậy, các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng chống dịch SXH: Với các quận, huyện trọng điểm cần tập trung xử lý các ổ dịch mới phát sinh và các ổ dịch quy mô phường, xã; với các huyện ngoại thành, ngoài việc xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội này. Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, tuyến bệnh nhân để đảm bảo công tác cấp cứu điều trị kịp thời cho bệnh nhân SXH. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch, đặc biệt là dịch SXH, tay chân miệng và các loại bệnh khác…” - PGT.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

Nỗ lực từ cơ sở

Phường Mai Dịch - “ổ dịch” đầu tiên phát hiện trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) từ đầu năm 2017 đến ngày 16/9/2017, trên địa bàn phường đã có 308 trường hợp mắc bệnh SXH, 294 bệnh nhân đã khỏi bệnh, số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, hiện còn 14 trường hợp. Ðể ngăn chặn phòng, chống dịch bệnh SXH tại cơ sở, bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch cho biết, chính quyền cơ sở cùng với ngành y tế triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch SXH. Phường đã thành lập 120 đội xung kích, 12 tổ giám sát, phối hợp với lực lượng sinh viên tình nguyện của Đại học Sư phạm Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì xử lý diệt bọ gậy. Tiến hành tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng chống dịch bệnh trên diện rộng lần 1 với tỷ lệ phủ 82, 4% tại các khu dân cư, tổ dân phố và các hộ dân trên địa bàn phường.

“Bên cạnh đó, từ thứ 6 đến thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, các đội xung kích, tổ giám sát duy trì xuống các khu dân cư, tổ dân phố, đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch SXH, bằng các biện pháp cụ thể như: diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư để tuyên truyền, giám sát, kiểm soát tình hình dịch bệnh, để kịp thời xử lý khoanh vùng ổ dịch. Từ “điểm nóng” lớn của thành phố, ổ dịch đầu tiên của quận Cầu Giấy thì đến nay, Mai Dịch đã là phường đầu tiên của quận giảm về dịch SXH…” – bà Đoàn Thị Bích Ngọc chia sẻ. 

Trong khi đó, Đống Đa là một trong những quận nội thành trọng điểm của dịch bệnh SXH, ghi nhận những ngày qua cũng đã giảm đáng kể, từ 18/9/2017 đến 24/9/2017 giảm 54 trường hợp so với tuần trước. Có được những kết quả đó là vai trò rất lớn từ công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sơ.

Trao đổi với phóng viên báo Người Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Lộc - Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) cho hay, song song với công tác tuyên truyền UBND phường đã thành lập 46 Đội xung kích, 11 tổ giám sát tiến hành duy trì vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại 45 tổ dân phố với 148 thành viên. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng quận tiến hành phun hóa chất diệt muỗi được 4 đợt, áp dụng phun mù nhiệt tại các hộ gia đình; thực hiện tốt việc đóng cửa sau phun hóa chất. Kết quả, tổng số hộ gia đình được phun hóa chất là 3465/4214 hộ, đạt hiệu quả 85%, tổ chức ký cam kết trên 4000 hộ dân và cơ quan đơn vị trên địa bàn phường…

Hà Nội: Hạ nhiệt “điểm nóng” dịch sốt xuất huyết
Cán bộ phường Quan Hoa diệt bọ gậy tại khu dân cư (Ảnh: Đ/C).

Theo ghi nhận của phóng viên tại một buổi ra quân diệt bọ gậy ở khu dân cư, bà Nguyễn Thị Thu Nga - Phó Bí thư Đảng ủy phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, từ đầu năm đến nay phường ghi nhận 255 trường hợp, số bệnh nhân đã khỏi là 207, hiện còn 48 trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Trong những tuần qua tình hình dịch bệnh SXH đã giảm rõ rệt. Để có được những kết quả đó, phường đã duy trì, các đợt ra quân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, tiếp tục giúp người dân nâng cao nhận thức, tự giác về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh góp phần khống chế tình hình dịch bệnh SXH trong thời gian tới.

Dịch bệnh SXH đã chững lại và đang trên đà giảm xuống, đây là nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt là sự quyết liệt của lãnh đạo ngành y tế Hà Nội, và hưởng ứng tích cực của người dân trong công tác phòng chống dịch SXH từ diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn vệ sinh môi trường sống nên trong thời gian vừa qua số lượng bệnh nhân có xu hướng giảm rõ rệt.

Nhận định về tình hình dịch SXH trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch SXH có xu hướng giảm, hiện chỉ còn 10 tỉnh, thành tăng bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu chủ quan lơ là, dịch sẽ quay lại. Thứ trưởng đề nghị tất cả địa phương ưu tiên công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết từ nay đến tháng 11. Bên cạnh đó, công tác diệt trừ loăng quăng, bọ gậy vẫn hết sức quan trọng mới có thể “kéo giảm” dịch bệnh nguy hiểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Tăng cường xây dựng người Ba Đình văn minh, thanh lịch, nghiêm túc, nghĩa tình
    Quận ủy Ba Đình đã tổ chức Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024 về “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống”; triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận uỷ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phát động cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4.
  • Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch
    Tiếp tục triển khai hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hạ nhiệt “điểm nóng” dịch sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO