Hà Nội đón trên 3 triệu lượt du khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó lượng lớn khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như: Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á... Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội. Nhiều điểm tham quan của Hà Nội thu hút đông du khách như: Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Dân tộc học, Khu danh thắng Hương Sơn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn, Nhà hát múa rối Thăng Long…
Lượng khách quốc tế đến Hà Nội có mức tăng trưởng cao là do công tác quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch được tập trung; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng... Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch. Mặc dù còn khó khăn, du lịch Thủ đô vẫn chủ động triển khai giải pháp để giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thế giới.
Đặc biệt, trong chương trình hợp tác với kênh truyền hình quốc tế CNN, thành phố Hà Nội đã hoàn thành chương trình hợp tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Nội trên kênh CNN năm 2017, hiện tiếp tục triển khai trong năm 2018. Sở Du lịch Hà Nội có công văn gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy và các sở, ban, ngành liên quan về việc đánh giá kết quả chương trình hợp tác quảng bá thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2018, đề xuất chương trình hợp tác giai đoạn 2019-2021 giữa thành phố và kênh truyền hình CNN theo đề xuất của CNN.
Từ nay đến cuối năm 2018, ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch. Thành phố triển khai quy hoạch, đầu tư dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể quy hoạch khu vui chơi giải trí tại hồ Tây; tiếp tục triển khai lập quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Sở Du lịch Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tập trung vào sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống có chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu phố cổ, phố cũ (quận Hoàn Kiếm), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc…
Trong công tác nâng cao quản lý chất lượng dịch vụ và các chương trình du lịch, Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; thường xuyên thông tin chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành để doanh nghiệp nắm bắt, hưởng ứng, tham gia sự kiện chung. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội chủ động mời các doanh nghiệp tham gia hoạt động tại những sự kiện du lịch trong nước, quốc tế…