Ca khúc ra đời năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vừa được ký kết, khắc họa nhịp độ ngày đêm lao động sản xuất sôi nổi, khẩn trương của Thủ đô: “Kìa là những công trường thắm tươi màu màu ngói đỏ/ Điện giăng như hoa nở trên giàn giáo cao cao/ Tiếng máy át tiếng bom gào/ Đồng giục giã xôn xao từ ngoại ô vang vọng tới”...
Thông qua hình ảnh Hà Nội đẹp về đêm, ca khúc ngợi ca sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã đem lại ánh sáng hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc: “Ơ... xóa đời tăm tối kiếp sống khi xưa/ Đêm đứng ngẩn ngơ trông Hà Nội lên đèn/ Đời đã chịu bao tối đen/ Ơ... nay niềm vui mới có phải không anh/ Anh tô đẹp tờ tranh cho trái tim Tổ quốc/ Có phải không anh, anh tô đẹp tờ tranh/ Khi thành phố lên đèn”.
Âm nhạc mượt mà đậm chất dân ca, bài hát như một lời tâm sự nhẹ nhàng, sâu lắng được đông đảo công chúng yêu thích và là một trong những ca khúc xuất sắc về Hà Nội.
Nhạc sĩ Thái Cơ (1934-2004) tên khai sinh là Đậu Vũ Như, quê Tiền Hải, Thái Bình. Ông gia nhập quân đội năm 1953, hoạt động văn nghệ ở Quân khu 4, diễn viên Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Từ năm 1961, ông là cán bộ biên tập âm nhạc của Nhà xuất bản Văn hóa cho đến lúc nghỉ hưu. Ông từng có thời kỳ giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Trong nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Thái Cơ, có 3 tác phẩm được công chúng yêu thích nhất, đó là “Rặng trâm bầu”, “Qua bến đò Quan”, “Khi thành phố lên đèn”. Nhạc sĩ Thái Cơ đã được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam", truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt II (2007) với cụm tác phẩm: “Tiếng còi thi đua”, “Khi thành phố lên đèn”, “Nón trắng trên đồng”, “Rặng trâm bầu”, “Qua bến Đò Quan”, “Nghe tiếng trống quê hương”.