Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Hanoimoi| 18/09/2020 10:31

Đổi mới hoạt động, đưa giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng phương án kinh doanh…, các hợp tác xã nông nghiệp đang phát huy vai trò, đóng góp lớn trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, hợp tác xã vẫn còn một số khó khăn và thành phố tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ…

Những hợp tác xã điển hình

Năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ đó, Hợp tác xã liên kết các hộ dân hình thành vùng sản xuất rau an toàn, khoai tây giống, khoai tây thương phẩm... quy mô 10ha theo phương pháp luân canh: Vụ xuân trồng khoai tây giống thương phẩm; vụ đông và vụ mùa trồng rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, hơn 50% sản lượng đã được tiêu thụ theo đơn đặt hàng của siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể…

Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) đã liên kết với các hộ dân hình thành vùng sản xuất rau an toàn, khoai tây giống, khoai tây thương phẩm, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

Xác định hợp tác xã là nhân tố chủ lực trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các xã củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đến nay, toàn huyện có 31 hợp tác xã nông nghiệp, chủ yếu kinh doanh dịch vụ tưới, tiêu, bảo vệ, thủy lợi, giao thông nội đồng, khuyến nông, dịch vụ làm đất, cung ứng giống, vật tư, thu hoạch, bao tiêu nông sản; một số hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh bán lẻ điện phục vụ nhân dân.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả như: Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải, Hợp tác xã Đại Đồng, Hợp tác xã Dị Nậu… góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ ở Thạch Thất, Hợp tác xã Chăn nuôi Trung Châu B là điển hình của huyện Đan Phượng. Hợp tác xã đang nuôi hơn 720 con lợn, trong đó có 85 con lợn nái. Giám đốc Hợp tác xã Đỗ Văn Hà cho biết, được thành lập mới năm 2016, đến nay có 41 thành viên tham gia, hợp tác xã đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi an toàn, chất lượng cao với 10,86ha, đạt hơn 700 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn huyện Đan Phượng có 29 hợp tác xã nông nghiệp và mô hình hợp tác xã; trong đó, nhiều hợp tác xã đạt hiệu quả kinh tế khá.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, toàn thành phố hiện có hơn 1.150 hợp tác xã nông nghiệp, dự kiến đến hết năm 2020 phấn đấu lên 1.225 hợp tác xã. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố thành lập được 13 hợp tác xã. Các hợp tác xã nông nghiệp đang là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học vào sản xuất; nhiều hợp tác xã xây dựng thành công chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản đạt hàng tỷ đồng/năm…

Tiếp tục hỗ trợ cho kinh tế tập thể

Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song thực tế, nhiều hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn khó khăn. Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), nguồn vốn để mở rộng ngành nghề kinh doanh mới và phát triển các ngành nghề cũ rất thiếu, đặc biệt với các hợp tác xã muốn phát triển ứng dụng công nghệ cao…

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, việc thiếu quỹ đất và chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung chính là rào cản để hợp tác xã phát triển bền vững. 

Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Chăm sóc dưa trong nhà lưới tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).


Các ngành chức năng và địa phương có nhiều giải pháp tháo gỡ bất cập, hỗ trợ các hợp tác xã vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Các huyện: Hoài Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Oai… đã chủ động bố trí quỹ đất theo quy hoạch về phát triển nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đã quy hoạch vùng lúa, vùng rau, vùng cây ăn quả phù hợp với địa bàn từng xã nhằm phát huy tối đa hiệu quả sản xuất.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, huyện tập trung hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu.

Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) đã xây dựng được thương hiệu và có “chỗ đứng” trên thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố Hà Nội đang triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Từ năm 2018 đến hết năm 2020, toàn thành phố sẽ thành lập thêm 165 hợp tác xã nông nghiệp (đạt 165% so với chỉ tiêu được giao), nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên con số 1.225. Các hợp tác xã đang là những nhân tố điển hình trong phát triển nông nghiệp, nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi cho hiệu quả kinh tế từ hàng tỷ đồng/năm trở lên.

Thời gian tới, Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020” và đẩy mạnh thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tăng trưởng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO