Hà Nội có thêm không gian múa rối nước thu nhỏ

Hoàng Lân/Hanoimoi| 12/12/2017 14:37

Sau thành công của không gian múa rối nước thu nhỏ tại phố chợ Khâm Thiên (Hà Nội), cuối tuần qua, nghệ sĩ rối nước Phan Thanh Liêm đã khai trương cơ sở 2 tại Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội).

Hà Nội có thêm không gian múa rối nước thu nhỏ
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm với thủy đình và sân khấu nước thu nhỏ.

Cơ sở 2 của sân khấu múa rối nước thu nhỏ Phan Thanh Liêm được đặt tại số nhà 22 tổ 4 ngõ 145/8 đường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) với thiết kế khoảng 50 chỗ ngồi. Theo chủ nhân của mô hình sân khấu thu nhỏ Phan Thanh Liêm, cơ sở mới được mở ra nhằm liên kết các hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đặc biệt, vị trí mới này sau một thời gian thử nghiệm đã chiếm được cảm tình của người xem, đặc biệt là du khách nước ngoài. Ở đó, từ khi bước chân xuống xe và đi vào con ngõ tới địa điểm biểu diễn, khán giả sẽ được trải nghiệm trên một con đường đậm chất thôn quê. 

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra tại Thôn Rạch, xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nơi đây là vùng quê có truyền thống về nghệ thuật múa rối nước dân gian. Gia đình anh có 7 đời theo đuổi và làm nghề múa rối. Ông nội của anh là nghệ nhân Phan Văn Huyên, từng là bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình rối nước truyền thống. Cha anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, người đã góp công đào tạo nghệ thuật rối nước truyền thống cho nhiều thế hệ diễn viên của Nhà hát Múa rối nước trung ương và các địa phương. Ông cũng là người góp công nghiên cứu, tạo tác ra nhiều trò rối nước và thiết kế thành công mô hình sân khấu múa rối nước di động. Nhà thủy đình di động do ông thiết kế nay vẫn được các nhà hát múa rối nước từ trung ương đến các địa phương sử dụng. Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng đã trưng bày “Chú Tễu” - một con trò rối nước do ông tạo tác.
Hà Nội có thêm không gian múa rối nước thu nhỏ
Sân khấu rối nước thu nhỏ có thể giúp nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục đơn khá linh hoạt (ảnh: tiết mục rối nước chủ đề văn hóa giao thông).

Bản thân nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cũng là người sáng tạo ra sân khấu biểu diễn rối nước thu nhỏ lần đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2000, anh ra mắt sân khấu rối nước thu nhỏ đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Vân Hồ. Năm 2001, anh tiếp tục cải tiến sân khấu rối nước thu nhỏ để tiện lợi hơn khi biểu diễn. Sau này, anh mở sân khấu biểu diễn rối nước thu nhỏ tại nhà riêng tại phố chợ Khâm Thiên, và đây trở thành địa chỉ biểu diễn rối nước được nhiều người nước ngoài yêu thích. Sân khấu rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm có thể phục vụ 50 khách, được anh biểu diễn nhiều tích trò, rối nước với quy mô nhỏ. Sân khấu rối nước thu nhỏ của người nghệ sĩ Việt Nam cũng đã gây tiếng vang tại Thái Lan, Đức, Malaysia, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Ba Lan, Hàn Quốc, Italia, Canada, Anh…

Trong buổi giới thiệu cơ sở rối nước thứ 2 của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Tôi ấn tượng một điều, trước giờ biểu diễn, tôi có lên sân khấu trên tầng 3 và Phan Thanh Liêm dùng chổi quấy nước trong bể để phù sa lắng dưới đáy cuộn lên, nước chuyển sang màu đục. Liêm nói với tôi, đó là phù sa của sông Hồng. Không chỉ ở sân khấu tại gia, mà mỗi chuyến đi biểu diễn nước ngoài, Liêm đều mang theo phù sa sông Hồng để cho vào bể rối, bởi anh không thể tìm được màu nào giống màu đặc trưng của đồng ruộng Việt Nam hơn thế”. 

Không chỉ thiết kế sân khấu rối nước thu nhỏ với những kỹ thuật được nghiên cứu kỹ lưỡng, không chỉ mang phù sa sông Hồng đi biểu diễn mà nghệ sĩ Phan Thanh Liêm còn không ngừng sáng tạo thêm nhiều trò diễn mới bên cạnh những tích trò rối nước truyền thống. Anh sáng tạo những tiết mục về đề tài giao thông, biển đảo Việt Nam. Anh nói rằng, có thể những thử nghiệm mới sẽ có những ý kiến khác nhau song anh vẫn đang cố gắng tiếp tục phát huy những sáng tạo đó, bởi đó là cách để anh góp phần giữ gìn và phát huy nghề múa rối nước truyền thống của gia đình và của dân tộc.
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có thêm không gian múa rối nước thu nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO