Theo một ước tính của Bộ Y tế, năm 2018, Việt Nam thu về khoảng 1 tỷ USD từ bệnh nhân nước ngoài, nhưng lại “chảy máu” ngoại tệ 2 tỷ USD với 60.000 lượt người Việt ra nước ngoài khám, chữa bệnh.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải thảo luận cùng các DN dịch vụ lữ hành sau buổi khảo sát tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn. |
|
Tổ chức Nghiên cứu Thị trường minh bạch của Mỹ dự báo, thị trường du lịch y tế thế giới năm 2019 sẽ tăng lên 32,5 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2015. Sự tăng vọt này là do lợi ích thiết thực mà khách du lịch có thể nhận được từ du lịch y tế. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức phong cảnh và trải nghiệm bản sắc văn hóa của một vùng đất mới, họ có thể được kiểm tra sức khỏe và điều trị và nghỉ dưỡng trong thời gian thuận tiện, và với chi phí rẻ hơn nhiều so với quê nhà.
Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở phương Tây, rất khó để mọi người được điều trị y tế mà không có bảo hiểm y tế vì chi phí đắt đỏ. Thêm vào đó, tại các quốc gia đích của khách du lịch chữa bệnh, thời gian cần thiết để thực hiện dịch vụ y tế theo yêu cầu thường nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu tức thời của bệnh nhân. Ví dụ, thường phải mất 1 năm hoặc hơn để phẫu thuật thay khớp háng ở Anh, trong khi đó phẫu thuật này có thể được thực hiện ngay lập tức với chi phí rẻ ở Ấn Độ, Thái Lan hay Malaysia.
Người khám bệnh nghe tư vấn tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội. |
|
Khoảng 8,4 triệu khách du lịch y tế đã ra nước ngoài để tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Thái Lan, Malaysia và Singapore, cũng như các trung tâm mới nổi như Indonesia và Việt Nam - chiếm gần 1/3 người tiêu dùng y tế toàn cầu. Thị trường du lịch y tế ngày càng được xem là một lĩnh vực quan trọng và sinh lợi đối với các quốc gia ASEAN. Trong đó, Việt Nam - với Hà Nội là thủ đô trung tâm - được đánh giá có lợi thế rất lớn nếu khai thác lĩnh vực này tại Đông Nam Á, bởi vị trí địa lý thuận tiện, tình hình chính trị ổn định. Những điều này sẽ góp phần giúp Hà Nội, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch y tế rẻ và an toàn.
Sự phát triển của du lịch y tế đã mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều quốc gia sở tại. Tuy nhiên nghịch lý thay, năm 2018, Việt Nam thu về khoảng 1 tỷ USD từ bệnh nhân nước ngoài, nhưng lại “chảy máu” ngoại tệ 2 tỷ USD với 60.000 lượt người Việt ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Người Việt Nam có xu hướng muốn sử dụng dịch vụ y tế nước ngoài vì tự tin hơn về kỹ năng y khoa của bác sĩ ngoại quốc, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là dịch vụ hoàn hảo được cung cấp tại các quốc gia này.
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Nguyễn Quỳnh Anh giới thiệu về các công nghệ chẩn đoán tiên tiến. |
|
Thực tế này - được Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nhận định sau buổi khảo sát tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - cho thấy một sự lãng phí lớn các nguồn lực trong nước, khi hiện tại các dịch vụ y tế trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu khám và điều trị y tế của cả người dân địa phương và du khách quốc tế.
Chẳng hạn, tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn hiện đã trang bị những công nghệ khám chữa bệnh cao cấp, như thiết bị CT Scanner 384 - một trong 3 máy duy nhất hiện có tại Đông Nam Á - đi đầu trong việc phát hiện sớm bệnh lý hiện nay. Cùng với đội ngũ chuyên gia quốc tế đầu ngành, như GS. Leroy - giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tiêu hóa, và một ekip thảo soạn phác đồ điều trị chi tiết sau mổ, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quỳnh Anh tự tin khẳng định thế mạnh về điều trị ung thư đại trực tràng tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, có thể đáp ứng yêu cầu của mọi bênh nhân, đặc biệt là với chất lượng dịch vụ “mang tiêu chuẩn châu Âu ngay tại Hà Nội”.
Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn đã chính thức hoạt động gần 3 năm. |
|
Rõ ràng, một trong những điểm yếu của du lịch y tế tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là việc hiện còn quá ít thông tin về dịch vụ du lịch kết hợp với điều trị y tế. Trước thực trạng này, Sở Du lịch Hà Nội đã lên kế hoạch, phối hợp cùng các DN dịch vụ lữ hành và cơ sở khám chữa bệnh chất lượng trên địa bàn TP, xây dựng nhiều chương trình du lịch y tế hấp dẫn để quảng bá tới du khách cả trong và ngoài nước. Điều này được kỳ vọng không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩn du lịch thủ đô, mà còn góp phần đẩy mạnh một lĩnh vực đầy tiềm năng nơi ngành "công nghiệp không khói" của quốc gia.