Chân dung GS.NSND Lê Ngọc Canh
Khởi nguồn tài năng nghệ thuật
Lầm lì và gan dạ trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giam chân quân đội Pháp để bảo vệ Thủ đô, chỉ đến lúc đơn vị phải rút đi, chú bé liên lạc Lê Ngọc Canh mới nhòa lệ khi cảm nhận xót xa bởi quê hương bị quân thù chiếm đóng. Mùa đông năm 1946 ấy Lê Ngọc Canh mới 12 tuổi, em đã dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc truyền tin, góp chiến công cùng đại đội 14, tiểu đoàn 103, Trung đoàn Thủ đô.
Những năm đầu ở chiến khu Việt Bắc, Lê Ngọc Canh trở thành diễn viên nhí của đội Tuyên văn biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân chiến khu. Lòng can đảm của người thiếu niên Thủ đô quyết tử được nhân thêm trên suốt chặng đường đến với nghệ thuật. Năm 14 tuổi, Lê Ngọc Canh sáng tác ca khúc “Nhắn anh Vệ quốc”, rồi viết nhạc múa, đồng thời biên đạo múa “Ba quân nhân giỏi”,“Dáng đứng chiến sĩ”.
Chuyển từ cây súng sang cây đàn là do yêu cầu của cách mạng. Cuộc đời dài theo những cuộc hành quân nên Lê Ngọc Canh viết bất cứ đâu, trong mọi hoàn cảnh. Một chiếc võng dù mắc vội, một chiếc chõng tre dưới tán cây rừng cũng thành bàn học. Suy nghĩ lúc hành quân, viết khi ngủ hầm, kê tờ giấy lấm lem trên đùi mà học. Nhào nặn cảm nghĩ để đưa vào “khuôn” những nốt nhạc, ngôn từ, đưa ra tác phẩm ấm nóng mồ hôi. Anh đi từ bỡ ngỡ đến say mê, từ thất bại đến thành công, qua bao thăng trầm, bằng ý chí, tình cảm của người lính. Lê Ngọc Canh từ chỗ lấy nhiệm vụ cách mạng làm nội dung tác phẩm, dần ý thức lấy mục tiêu chính trị để sáng tác. Cuộc sống cùng bộ đội, những chuyến khoác ba lô vượt núi Cao Bằng, vượt đèo Lai Châu, ngủ hầm, cơm vắt, sốt rét rừng… nhưng dần đem lại độ chín, sự tinh tế hơn cho tác phẩm của anh.
Đam mê sáng tác nghệ thuật
Cuộc kháng chiến trường kỳ đã làm nên sự biến đổi phi thường của Lê Ngọc Canh. Anh được tiếp thu bài học lí luận, kỹ năng sáng tác múa đầu tiên từ Giáo sư Triều Tiên: Kim Tế Hoàng. Một cá tính sáng tạo tự xây dựng nên sự nghiệp bằng chính nghệ thuật mà suốt đời anh đam mê là nghề múa. Năm 1962, anh sáng tác kịch múa: “Anh hùng Bế Văn Đàn” đạt Huy chương Vàng quốc gia. Cũng năm ấy, Lê Ngọc Canh cùng tập thể sáng tác kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, Lê Ngọc Canh đồng giả,
tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Lê Ngọc Canh có năng lực chộp lấy tia sáng những ý tưởng chợt lóe lên trong đầu khi chất liệu sống cọ xát mãnh liệt với sức nặng của ký ức, giúp ông cầm bút viết nhanh nhưng không dễ dãi. Công việc sáng tạo bao giờ cũng diễn ra trong cô đơn, trong sự lắng sâu những kinh nghiệm sống để rồi ùa ra những tác phẩm được đồng nghiệp và công chúng hoan nghênh, cổ vũ. Sự cô đơn trong quá trình sáng tạo được đền bù khi thành quả vượt qua biên giới quốc gia đến với bạn bè quốc tế. Đó là tác phẩm múa “Giã gạo dưới trăng” của Lê Ngọc Canh được Huy chương Vàng quốc tế và được Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Bungari biểu diễn.
Năm 1968, Lê Ngọc Canh học nghiên cứu sinh ở Bungari, càng thúc giục niềm ao ước sâu đậm trong anh về việc sáng tạo những tác phẩm múa mang hồn dân tộc Việt Nam. Được người thầy giỏi là Giáo sư - Tiến sĩ Stoian DzuDziev hướng dẫn tận tình, Lê Ngọc Canh thực sự trưởng thành và hoàn thiện tính chuyên nghiệp. Về nước, anh thực hiện hướng đi rộng mở của một nhà biên đạo, nghiên cứu nghệ thuật múa và giảng dạy. Trong 72 năm hoạt động nghệ thuật, ông vừa tiếp thu được tinh hoa thế giới, vừa cô đúc được chất liệu dân tộc độc đáo. Nhìn lại hành trình sáng tạo nghệ thuật, ông đã có một chuỗi sáng tác, gồm: 135 tác phẩm đủ các thể loại múa đơn đến kịch múa. Trong số đó có tác phẩm được tặng Huy chương Vàng quốc tế, 14 tác phẩm được Huy chương Vàng quốc gia, 4 Huy chương Vàng cho biên đạo, tổng đạo diễn xuất sắc và 10 tác phẩm Huy chương Bạc. Năm 2001, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Miệt mài sưu tầm và nghiên cứu khoa học
Một bước phát triển mới mở ra trong sự nghiệp của Lê Ngọc Canh: Viết sách nghiên cứu về múa và văn hóa. Từ thập niên 1980, sự cuốn hút của việc nghiên cứu đã hình thành trong Lê Ngọc Canh một nỗi đam mê và những chuẩn mực tinh tế của nghiên cứu khoa học. Nhưng để chinh phục được nó, ông đã phải đi nhiều dù thiên lý đầy những chông gai. Ông yêu những đứa con tinh thần của mình đến nỗi khi vừa đặt bút chấm hết một cuốn sách, cũng là lúc lại bắt đầu công đoạn mới chẳng kém gian nan, không phải người cầm bút nào muốn làm mà làm được. Khả năng đại học Ngữ văn đã giúp ông có nhiều lợi thế trong việc biên soạn công trình sách. Với tâm hồn nhạy cảm và nồng nhiệt, Lê Ngọc Canh khoác túi hành trang đi sưu tầm múa dân tộc đầy nhọc nhằn trên nẻo đường vùng núi cao phía Bắc, Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ… để theo đuổi những động tác múa của nghệ nhân cộng đồng người Việt, Mường, Tày, Thái, Mông, Dao, Cao Lan, Khơme, Chăm, Mạ, Châu Ro, Stiêng…
Trong chuyến vào Đồng Nai sưu tầm múa dân tộc Châu Ro, ông xắn quần lội bộ vượt mười cây số đèo dốc, tìm gặp một cụ bà tóc bạc phơ. Cụ ngồi ở góc nhà sàn và trả lời ông là không nhớ gì, không múa được nữa! Ông kiên trì chuyển sang thuyết phục con cháu của cụ. Thế rồi, chiêng trống được đánh lên, khiến cụ khỏe ra, tâm hồn “nghệ nhân” lay thức, bất ngờ cụ đứng dậy, múa rất đẹp và có hồn. Lê Ngọc Canh vô cùng xúc động…
Từ năm 2010 đến nay, ông cùng nhóm hội viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đi về khắp vùng nội, ngoại thành Thủ đô sưu tầm, phục dựng được hơn 50 điệu múa cổ từ nghìn năm trước còn sót lại; tổ chức cho hàng trăm nghệ nhân biểu diễn nhiều buổi ở khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ. Ông tâm sự: “Sưu tầm, nghiên cứu múa cổ phải đi thực tế nhiều nhưng tiền lộ phí lại ít nên ít người muốn làm. Những ông bà già ở Hội múa Hà Nội chúng tôi cứ bảo nhau làm. Chúng tôi coi đây là trách nhiệm. Bây giờ chúng tôi không làm thì thế hệ sau sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu để thất truyền thì mình có lỗi với hậu thế. Chúng tôi trăn trở nhất là việc sưu tầm, phát huy được hết các điệu múa cổ, đưa nó trở lại với đời sống hiện đại”.
Giờ đây đã gần 90 tuổi, ông vẫn tha thiết với công việc căn bản là biên soạn công trình nghiên cứu, công trình giảng dạy. Nhìn lại quảng đời qua, nhiều người khâm phục sự phi thường của ông: Biên soạn, xuất bản 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu về múa và văn hóa, với tổng số hơn 6.000 trang. Những cuốn sách kết tinh nền tảng của học vấn, gồm: Nghệ thuật múa Chăm, Văn hóa làng Đa Sỹ, Khái luận nghệ thuật múa, Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam, Văn hóa dân gian - Những thành tố, 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Đại cương nghệ thuật múa, Nghệ thuật múa Chèo, Nghệ thuật múa cổ truyền vùng Hà Nội mở rộng, Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội (Chủ biên)…
Ông có 10 ấn phẩm công trình nghiên cứu khoa học được trao giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, trong đó có 6 giải A. Cùng với các công trình sách in riêng, in chung, ông còn viết báo, tham gia nhiều công trình cấp Nhà nước, cấp bộ, thành phố; viết tham luận tại hội thảo quốc tế; viết kịch bản, lời bình cho phim tài liệu truyền hình về Văn hóa - Nghệ thuật múa. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước và năm 2017 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về các cụm công trình nghiên cứu khoa học.
Nhiệt huyết, tận tâm với công tác đào tạo
Ông tham gia giảng dạy tại 5 trường đại học và viện nghiên cứu; biên soạn 12 giáo trình là tác giả, được ứng dụng giảng dạy ở 7 trường đại học và viện nghiên cứu; hướng dẫn khoa học cho gần 40 tiến sĩ, thạc sĩ đã bảo vệ thành công. Năm 2014, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư.
Sức sống của các tác phẩm múa, công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình đào tạo của ông được phổ biến sâu rộng. Ông là người của công việc, của sáng tạo. Đối với ông, chỉ có làm việc và rèn luyện sức khỏe để trí được cao, tâm được sáng là nhu cầu lớn nhất. Nhiều lần nhập viện vì “thập tử nhất sinh”, nhưng khi vượt qua được, ông lại tiếp tục rèn luyện và lao động không ngừng nghỉ công việc sáng tạo. Hiện nay, ông đang triển khai với vai trò Chủ nhiệm công trình nghiên cứu “Nghệ thuật múa hát trong lễ hội ở Thăng Long - Hà Nội” tác phẩm sẽ xuất bản vào năm 2021.
Múa “Cảm xúc ca trù” - biên đạo NSND Lê Ngọc Canh
Trí nhớ và bầu nhiệt huyết chưa hề cạn trong ông. Ông là một số phận được đất trời biệt đãi, luôn tìm thấy sự hòa hợp trong sự nghiệp và cuộc sống. Ông có niềm vui lớn là sự chăm sóc của vợ và gia đình hai người con trai trong sinh hoạt thường nhật - một đại gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Đức hy sinh tận tụy của người vợ hiền tần tảo, chắt chiu gây dựng gia đình, vượt qua gian khổ thời chiến tranh, thời “bao cấp”, đã giúp ông nuôi dưỡng các con ngoan, trưởng thành. Bà là Phạm Hồng Lý, Thượng tá - Nhà giáo Ưu tú chuyên ngành múa dân gian Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.