Việc chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân chủ quan sẽ giúp đưa ra được các giải pháp khắc phục cụ thể, làm cơ sở quan trọng góp phần định hướng phát triển TP Hà Nội trong tương lai. Đó là nhận định được nhiều ý kiến đồng tình khi góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII.
Một góc Thành phố Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
|
Thẳng thắn với các mặt hạn chế
Khi đánh giá về Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiều ý kiến là các nguyên lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đều nhận định, không chỉ tập trung vào lãm rõ những thành tựu của Hà Nội trong nhiệm kỳ qua, Dự thảo đã rất thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà TP cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế chưa cao. Công nghiệp phát triển thiếu ổn định; hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp. Ngành dịch vụ tăng trưởng dưới tiềm năng…. Trong công tác xây dựng Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở còn hạn chế; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra những vụ việc nổi cộm, phức tạp, trở thành điểm nóng; ý thức, thái độ phục vụ Nhân dân, DN của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Công việc của TP rất nhiều, do đó ngoài việc lãnh đạo toàn diện, cần lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm; cùng với đó phải thực hành dân chủ rộng rãi để phát huy sức mạnh, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức. Hà Nội nên tăng cường phối hợp với các cơ quan T.Ư, tiếp tục kiến nghị để T.Ư phân cấp mạnh hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển của TP. Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt được như kế hoạch cũng được thẳng thắn nhìn nhận như: Tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải... Các ý kiến cho rằng, việc chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan như vẫn còn sự trì trệ; một số cán bộ, đảng viên còn thiếu trách nhiệm, ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của một số đơn vị chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh trong việc răn đe, ngăn chặn, xử lý các sai phạm…, sẽ giúp tìm ra hướng khắc phục trong thời gian tới
Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt, Dự thảo cần đề cao tinh thần tự phê bình, phê bình, nhất là đối với những việc còn chậm, hiệu quả thấp. Đồng thời nhìn nhận rõ nét hơn các hạn chế khác như, trong lĩnh vực văn hóa - xã hội của TP, dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn một số vấn đề đặt ra như bạo lực gia đình gia tăng, mối quan hệ trong cộng đồng chưa bền chặt... đòi hỏi TP phải quan tâm khắc phục. Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, cần đánh giá, phân tích rõ hơn những nguyên nhân trong công tác quản lý môi trường và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng để đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Về các bài học, một số ý kiến cho rằng, cần đánh giá cả những bài học ở mặt hạn chế để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Trong đó, có việc tăng cường quản lý quy hoạch và sau quy hoạch cũng như quản lý trật tự vệ sinh an toàn đô thị là mục tiêu trọng tâm và thường xuyên. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, từ những tồn tại, có thể bổ sung bài học huy động nguồn lực chất lượng cao để có giải pháp cho nhiệm kỳ tới. Đây là lĩnh vực TP có ưu thế, nhưng cũng chưa thực sự phát huy tốt nhất hiệu quả.
Chú trọng sự phát triển bền vững
Với những giải pháp cho nhiệm kỳ tới, các ý kiến cũng đồng tình với những giải pháp Hà Nội đã đặt ra để khắc phục hạn chế, tồn tại. Từ những hạn chế nảy sinh từ thực tiễn như vấn đề môi trường, quản lý đô thị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, vấn đề môi trường là chiến lược để bảo đảm phát triển bền vững. TP Hà Nội nên quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài Vành đai 3, Vành đai 4. Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng góp ý, Dự thảo cần nhấn mạnh tính toàn diện của công tác quy hoạch trong giai đoạn mới thay vì chỉ chú tâm vào quy hoạch giao thông, hạ tầng.
Các ý kiến cho rằng, Dự thảo nên làm rõ hơn mô hình cơ cấu kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn mới, trong đó, TP Hà Nội nhất định phải theo hướng lấy dịch vụ làm chính. Để tạo điều kiện cho phát triển bền vững, TP nên đầu tư mạnh hơn các trục giao thông hướng tâm, đường vành đai, đường kết nối; quy hoạch giao thông phải gắn với quy hoạch hai bên đường để sử dụng hiệu quả quỹ đất... để tạo điều kiện cho phát triển.