Phổ biến phim qua mạng đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với công chúng điện ảnh, nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Tại các buổi tọa đàm lấy ý kiến về những nội dung mới được đưa vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) được tổ chức gần đây, giới chuyên môn cũng đã đề xuất, kiến nghị điều chỉnh một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Điện ảnh... liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên mạng. Đây là một trong những vấn đề “nóng” xuất phát từ thực tế hoạt động điện ảnh hiện nay.
Một cảnh trong phim Mắt biếc Cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chỉ riêng vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo thống kê, hiện có tới 70% lưu lượng truy cập inernet mỗi ngày chỉ để xem video, nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, Youtube... đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet trong hộ gia đình. Chỉ tính riêng năm 2019 -2020, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và đầu tiên đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu. NSƯT Lê Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam cho hay, việc quản lý dịch vụ truyền hình trong đó các phim trên không gian mạng đã được thực hiện từ năm 2016 khi Nghị định 06/2016/NĐ-CP có hiệu lực, tuy nhiên thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ quy định nên đã đem lại nhiều rủi ro cho người sử dụng tại Việt Nam. Do các nội dung không được biên tập, kiểm duyệt nên đã xuất hiện nhiều nội dung vi phạm nghiêm trọng các điều cấm tại Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, xuyên tạc lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt các nội dung xấu gây độc hại đến trẻ em…
Từ thực tế này, NSƯT Lê Mạnh khẳng định: “Việc xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có các điều khoản về phổ biến phim trong không gian mạng là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và sẽ là định hướng cho thời gian tiếp theo”.
Bà Trương Thị Phương Lan, Vụ Pháp luật hình sự Bộ Tư pháp cũng cho rằng trong bối cảnh mới hiện nay, nhất là khoa học công nghệ và công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày càng cao, các quy định về phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh cần được điều chỉnh phù hợp để phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Vẫn chưa thực sự khả thi
Trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), ban soạn thảo đã đề ra 2 phương án đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng. Phương án 1 đặt ra yêu cầu việc phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo quy định: Chỉ được phổ biến phim có giấy phép phổ biến và phân loại phim hoặc đã có quyết định phát sóng hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Phim phát hành, phổ biến có bản quyền hợp pháp và phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim.
Phương án 2 yêu cầu phim phổ biến trên mạng tại Việt Nam phải được cấp giấy phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình.
Về thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phân loại phim, phương án này quy định Bộ VHTT&DL cấp giấy phép phổ biến và phân loại phim của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam; Cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình biên tập phim của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam; UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phổ biến và phân loại phim cho các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kinh doanh hoặc cá nhân thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cả hai phương án đều quy định các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh e ngại rằng những quy định trong luật này không “theo kịp” sự bùng nổ của phim và những thứ khác trong không gian mạng dẫn tới việc khó có thể kiểm soát. “Có thể quy định chặt hơn về việc xử phạt đồng thời phải tính tới cả những thứ ta không thể cấp phép quản lý được”- bà Thúy băn khoăn.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, việc cung cấp nội dung trên mạng (hiện thường được nói đến như dịch vụ OTT), theo điều 19 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) rất chặt chẽ nhưng có thể không khả thi vì nếu quản lý theo phương thức phim truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ được vào kho nội dung lượng phim nhiều gấp hàng nghìn lần so với lượng phim chiếu ở rạp, dẫn đến khó có hội đồng nào duyệt xuể. Mặt khác, việc yêu cầu các tổ chức cá nhân, nước ngoài phổ biến phim trên không gian mạng phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện cũng khó khả thi vì trên thực tế các tổ chức nước ngoài sẽ vẫn cung cấp dịch vụ trên mạng cho người xem Việt Nam và hoàn toàn đứng ngoài vòng kiểm soát của pháp luật Việt Nam.
Cần phân định rõ việc tiền kiểm và hậu kiểm
Theo GS.TS Trần Thanh Hiệp (Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện, Cục Điện ảnh), thẩm định và phân loại phim là hoạt động cần thiết bởi nếu không thẩm định thì sẽ không phân loại được. Đối với phim nhập khẩu, thì cần thiết phải tiền kiểm do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm chính trị, đặc biệt là xung đột tôn giáo... Đối với các bộ phim trong nước, thì chỉ cần hậu kiểm nếu cần và việc thẩm định phim nên được giao cho chính các đơn vị sản xuất, phát hành tự làm, khuyến khích quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của người làm phim. “Không nên sợ họ thiếu khả năng bởi họ sẽ biết tìm chuyên gia để hội đồng của họ đủ mạnh. Nếu ta đưa vào luật xác định việc thẩm định, phân loại phim Việt Nam giao cho các cơ sở sản xuất phim thực hiện thì tôi nghĩ đó là một sự đổi mới rất có ý nghĩa” - ông Trần Thanh Hiệp cho hay.
Bà Trương Thị Phương Lan, Vụ Pháp luật hình sự Bộ Tư pháp cho rằng kinh doanh dịch vụ phổ biến phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy, dự thảo Luật Điện ảnh cần quy định các điều kiện cần và đủ, thẩm quyền cấp phép kinh doanh, trình tự thủ tục để tổ chức, cá nhân thực hiện. Với thực tế hiện nay, khối lượng phát hành phim trên internet rất nhiều trong khi cơ quan Nhà nước lại không thể kiểm soát máy chủ nếu nó đặt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc chưa xác định được “không gian lãnh thổ” thì các biện pháp mang tính tiền kiểm đã không còn phù hợp. “Dự thảo Luật Điện ảnh cũng cần xác định rõ phương thức quản lý (tiền kiểm hay hậu kiểm), vấn đề chia sẻ dữ liệu, bản quyền… sẽ được thực hiện như thế nào với các biện pháp kỹ thuật tương ứng để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế. Việc phổ biến phim trên kênh truyền hình, phim nước ngoài có phụ đề của kênh truyền hình nước ngoài phát trên lãnh thổ Việt Nam, phim dạng số… cũng cần có chính sách quản lý phù hợp” - bà Trương Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cũng đề xuất cần lấy thêm ý kiến của các bộ ngành, cơ quan tổ chức cá nhân liên quan để quy định về phổ biến phim trên môi trường mạng vừa công bằng với việc phổ biến phim trong các môi trường khác, phù hợp với sự phát triển của điện ảnh mà vẫn đảm bảo tính khả thi.