Giúp thanh niên ngoại thành ổn định sinh kế

Dương Linh/HNM| 04/07/2019 10:25

Hơn 1.400 thanh niên được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm là kết quả của dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên các huyện ngoại thành Hà Nội giúp họ ổn định sinh kế bền vững” thực hiện trong 4 năm qua. Điểm nổi bật của dự án là hơn 90% học viên sau đào tạo tiếp cận với việc làm ngay, có thu nhập ổn định...

Việc làm ngay, thu nhập ổn định

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố) Nguyễn Thị Hảo cho biết, xuất phát từ tình hình thực tế, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã phối hợp với Quỹ Citi, Trung tâm Tài chính vĩ mô và phát triển cùng thực hiện dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên các huyện ngoại thành Hà Nội giúp họ ổn định sinh kế bền vững”. Từ năm 2015 đến nay, dự án đã tổ chức 36 lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 1.400 học viên từ 16 đến 28 tuổi của 14/30 quận, huyện, thị xã. Các nghề được dạy là: Nấu ăn, thêu tay, gốm sứ, mây tre đan, khảm trai…

Giúp thanh niên ngoại thành ổn định sinh kế
Một lớp học làm nón tại huyện Thanh Oai luôn thu hút đông học viên. Ảnh: Nguyệt Ánh

Anh Vũ Đình Kim (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) sau khi được đào tạo nghề theo chương trình dự án đã có việc làm ổn định tại Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ Hạ (huyện Phú Xuyên). Anh Vũ Đình Kim chia sẻ: “Trước đây, do chi phí học nghề khá cao, nên tôi không có điều kiện học. Qua dự án, tôi được học nghề khảm trai miễn phí từ tháng 12-2018. Sau 3 tháng, tôi đã nắm chắc các kiến thức cơ bản và có việc làm ngay, thu nhập ổn định”.

Còn với anh Đào Đình Sơn (xã Vân Hà, huyện Đông Anh), tuy đã tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại, nhưng vẫn đăng ký tham gia lớp học nghề của dự án. Anh Đào Đình Sơn cho biết: “Những kỹ năng tiếp thu được khi tham gia lớp học nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cùng với kiến thức đã học được ở trường đại học là hành trang để tôi khởi nghiệp từ chính nghề truyền thống của quê hương. Tôi đang nỗ lực để thành lập một hợp tác xã dịch vụ tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ, đồng thời phát triển thành một điểm du lịch làng nghề và là nơi đào tạo nghề cho các bạn trẻ khác”.

Cùng với được đào tạo nghề, 96% học viên tham gia dự án đã được cung cấp thêm kiến thức cơ bản về lập kế hoạch kinh doanh, cách quản lý tài chính cá nhân, từ đó có thể khởi nghiệp hiệu quả. Sau khi được đào tạo nghề theo chương trình dự án giai đoạn 2017-2018, học viên Lê Tuấn Anh đã mở Công ty Tranh thêu tay Hùng Anh (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín). Kinh doanh phát đạt, công ty của anh Tuấn Anh đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. “Nhờ được dự án bồi dưỡng về cách quản lý tài chính, tôi áp dụng vào việc kinh doanh mang lại hiệu quả tích cực…”, anh Tuấn Anh chia sẻ. 

Tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng

Đồng hành cùng các học viên còn có những nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống, sẵn sàng truyền nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh cho biết, năm 2018, tham gia thực hiện dự án, trung tâm đã phối hợp mở 2 lớp đào tạo nghề mây tre đan cho 70 thanh niên. Sau khóa đào tạo, đã có 65 thanh niên được tuyển dụng và có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiệu quả đáng mừng từ dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên các huyện ngoại thành Hà Nội giúp họ ổn định sinh kế bền vững” là hơn 90% học viên tham gia các lớp đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ngay sau khi tốt nghiệp. Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo, để dự án đạt hiệu quả như vậy, Ban Điều phối dự án đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, thị xã trực tiếp làm việc với chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, phường, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, tìm việc làm của nam, nữ thanh niên và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; đặc biệt quan tâm đến đào tạo các nghề truyền thống hoặc những nghề mà học viên có thể phát huy được ngay tại địa phương. 

Tuy nhiên, với thời gian đào tạo 3 tháng, học viên chỉ mới được trang bị kiến thức cơ bản về nghề, sản xuất được các sản phẩm thông thường, còn để làm ra các sản phẩm cao cấp thì phải tiếp tục đào tạo. Nghệ nhân Nguyễn Thị Vui, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ Hạ (huyện Phú Xuyên) cho rằng, thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang ngày càng được mở rộng ra nước ngoài, yêu cầu đặt ra là phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, nghệ nhân mong muốn, dự án tạo điều kiện để các học viên đã được đào tạo nghề cơ bản tiếp tục được đào tạo nâng cao tay nghề.

Cùng mong muốn đó, bà Nguyễn Thị Hảo chia sẻ: “Trong sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc có thể thay thế con người làm nhiều việc, tuy nhiên, nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống tại Hà Nội vẫn cần có những đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của nghệ nhân và các thợ thủ công lành nghề. Vì vậy, thời gian tới, trung tâm sẽ đề xuất với nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ mở các lớp nghề cơ bản và lớp nâng cao tại một số làng nghề, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm và sự cạnh tranh hiện nay”.

(0) Bình luận
  • Khai mạc triển lãm HanoiPrintPack 2025
    HanoiPrintPack 2025 quy tụ hơn 150 gian hàng đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực in ấn và đóng gói, hệ thống tự động hóa và vật liệu mới.
  • Khai mạc triển lãm ENTECH HANOI 2025
    Sáng ngày 25/6, Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ năng lượng-môi trường Hà Nội năm 2025 (ENTECH HANOI 2025) đã được khai mạc.
  • Taste of Queensland: Kết nối tôn vinh mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Việt Nam và Queensland
    “Taste of Queensland” do Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư bang Queensland (TIQ) phối hợp với Hiệp hội Thịt và Chăn nuôi Australia (MLA) tổ chức tại Hà Nội đã trở thành điểm nhấn nổi bật trong hành trình thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Queensland và Việt Nam.
  • Đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh từ 1-7-2025
    Văn phòng Chính phủ hoàn thành việc nâng cấp chức năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối thông suốt với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, đưa vào thử nghiệm chính thức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trước ngày 28-6-2025 để bảo đảm vận hành thông suốt từ ngày 1-7-2025.
  • Tôn vinh 125 doanh nghiệp, cá nhân tại Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2025
    Tối 22/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức Lễ biểu dương “Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam – Industrie 4.0 Awards” lần thứ tư, năm 2025.
  • Cầu nối xúc tiến chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy đầu tư hiệu quả
    Với chuỗi hoạt động chuyên môn thiết thực, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Việt Nam 2025 – VIET INDUSTRY 2025 khẳng định vai trò là điểm kết nối hiệu quả giữa công nghệ – đầu tư – sản xuất.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giúp thanh niên ngoại thành ổn định sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO