Giữ nghề dựng nhà gỗ ở Phù Yên

HNM| 03/04/2022 15:26

Ở thôn Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ), nhiều gia đình vẫn nối đời giữ nghề dựng nhà gỗ. Nghề này chẳng những giúp người dân có việc làm, thu nhập cao mà còn là "cầu nối" bảo tồn nét đẹp kiến trúc truyền thống.

Giữ nghề dựng nhà gỗ ở Phù Yên
Thực hiện một công đoạn làm nhà gỗ ở thôn Phù Yên, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Kim Thoa

Nghề truyền thống có "đất" phát huy 

Nếp nhà gỗ gắn bó lâu đời với cư dân Đồng bằng Bắc Bộ. Các mẫu nhà gỗ thường được thiết kế theo cấu trúc 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái, kết cấu cột kèo vững chãi, trang trí nhiều hoa văn và lợp mái ngói nên mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Nói về nghề dựng nhà gỗ, ông Nguyễn Chí Tài, Chủ tịch Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên chia sẻ: “Đây là nghề cha truyền con nối ở quê tôi. Nhiều năm trước, ở nhiều miền quê, nếp nhà gỗ cổ truyền của người dân Đồng bằng Bắc Bộ dần vắng bóng, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng bê tông cốt thép. Gần đây, nhiều gia đình tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác lại muốn xây dựng nhà gỗ bởi nét đẹp tự nhiên và thân thiện với môi trường... Từ đó, hàng trăm hộ dân trong làng lại có điều kiện phát huy nghề truyền thống”.

Làng Phù Yên có nhiều gia đình nổi tiếng với nghề dựng nhà gỗ như gia đình ông Nguyễn Chí Mười, Nguyễn Chí Quân, Nguyễn Chí Điền, Nguyễn Trọng Cẩm... Ông Nguyễn Chí Điền cho biết: "Mỗi ngôi nhà gỗ truyền thống tùy thuộc vào độ chạm khắc tinh xảo và chất liệu gỗ... có giá thành khác nhau, từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Các loại gỗ được ưa chuộng để dựng nhà gỗ có: Đinh, lim, sến, táu, mít, xoan... Trong đó, gỗ xoan là phổ biến bởi có giá thành thấp hơn các loại gỗ khác và độ bền cao. Để dựng được một nếp nhà gỗ thông thường phải làm trong 6 tháng với hơn 10 thợ đục chuyên nghiệp".

Đặc trưng của nhà gỗ truyền thống là mọi chi tiết được thiết kế hoàn hảo, tinh tế và hầu như không phải dùng đến các loại đinh vít bằng sắt mà chủ yếu dùng mộng để lắp ghép. Do đó, người làm nhà gỗ truyền thống phải nắm bắt được kỹ thuật đục, đẽo để các mộng kín khít vào nhau. Ngoài ra có rất nhiều họa tiết trong ngôi nhà gỗ được chạm khắc cầu kỳ hình linh vật, cành lá cách điệu hoặc các hình hoa văn đối xứng…, đòi hỏi người thợ không chỉ khéo léo, sáng tạo mà phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa của dân tộc”, ông Nguyễn Chí Quân - người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề mộc truyền thống của làng Phù Yên nói.

Để làng nghề phát triển...

Năm 2016, thôn Phù Yên đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống”. Thời điểm hiện tại, thôn có 800 hộ dân thì có gần 400 hộ làm nghề mộc với gần 600 lao động. Riêng với nghề dựng nhà gỗ truyền thống, ông Nguyễn Chí Tài, Chủ tịch Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên cho biết: "Hiện toàn thôn có gần 50 tổ thợ chuyên đi dựng nhà truyền thống ở Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổ nhỏ nhất có 5 đến 7 thợ, tổ lớn có tới 30-40 thợ. Nghề phát triển, người làng có thu nhập ngày một khấm khá. Một thợ dựng nhà gỗ ở Phù Yên có thu nhập thấp nhất cũng là 6 triệu đồng/tháng. Với thợ có tay nghề cao, hay các “đầu cánh”, thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng/tháng. Việc thôn Phù Yên được công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống” đã hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển nghề mộc nơi đây”.

Cùng với những lớp nghệ nhân, thợ giỏi lớn tuổi, ở Phù Yên có nhiều thợ trẻ tay nghề cao với khả năng tiếp thu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên vừa gìn giữ, vừa phát huy được nghề truyền thống của cha ông. Điển hình như anh Nguyễn Chí Thông (con trai ông Nguyễn Chí Tài) đã thành lập doanh nghiệp thực hiện nhiều công trình xây dựng nhà gỗ truyền thống với máy móc, thiết bị hiện đại để rút ngắn thời gian thi công. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên Bùi Văn Tùng sự phát triển nghề mộc, trong đó có nghề dựng nhà truyền thống của Phù Yên, đang ngày càng lan tỏa được cái hay, cái đẹp của làng nghề, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Bùi Văn Tùng cũng cho hay, để làng nghề ngày càng phát triển chính quyền cũng sẽ phối hợp với Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề mộc, kỹ thuật dựng nhà truyền thống miễn phí cho người lao động. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Sắp tới, chính quyền xã Trường Yên cũng sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất lựa chọn sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố... Đồng thời, có các hình thức tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội về nghề dựng nhà truyền thống nhằm đưa danh tiếng làng nghề vươn xa, cũng như tuyên truyền ngay tại địa phương để các thế hệ thêm tự hào về nghề truyền thống của quê hương.

Chính quyền ở Trường Yên cùng người dân làng nghề Phù Yên đang nỗ lực giữ gìn, phát triển nghề dựng nhà truyền thống. Qua đó góp phần bảo tồn không gian văn hóa trong kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Giữ nghề dựng nhà gỗ ở Phù Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO