Giao thông chuyển biến tích cực sau khi áp dụng Nghị định 168
Chỉ sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nề nếp...

Nghị định 168 tăng mức xử lý đối với nhiều hành vi có tính chất cố ý, nguy hiểm, đồng thời trừ điểm giấy phép lái xe vi phạm
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng "Nghị định 168/2024/NĐ-CP xây dựng sai thủ tục bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày", đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng đây là thông tin không chính xác.
Theo đó, nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Nghị định này được ký ban hành ngày 26/12/2024, hiệu lực thi hành 1/1/2025.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, trong quá trình soạn thảo nghị định 168 để thay thế nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung nghị định 123/2021), do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền đã có những cuộc họp xem xét, quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn.
Tại điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.
Trong khi đó nghị định 168/2024 nhằm phục vụ thực thi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực ngày 1/1/2025). Ngoài việc tăng mức xử lý đối với nhiều hành vi có tính chất cố ý, nguy hiểm, nghị định đồng thời quy định rõ việc trừ điểm giấy phép lái xe đã được quy định trong luật.
"Sau khoảng 5 năm thi hành nghị định 100/2019, thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông", theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông.
Do nghị định có tác động lớn, để đảm bảo chất lượng, các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành liên quan thảo luận kỹ lưỡng. Đồng thời dự thảo nghị định cũng được đăng tải, và lấy ý kiến góp ý rộng rãi theo quy định trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Trước đó nghị định 100/2019 cũng được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Nghị định này được ban hành ngày 30/1 và có hiệu lực 1/1/2020, nhằm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019.
Nghị định 176/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 1-1-2025, cho phép Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Mức chi cho nội dung này là không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được thực hiện trong thời gian qua, lực lượng CSGT đã xử 1ý 1 trường hợp vi phạm TTATGT từ thông tin, hình ảnh do quần chúng nhân dân, các tổ chức cung cấp.
Về đầu mối tiếp nhận, mới đây nhất, thông tư 73/2024 của Bộ Công an có nêu nội dung này. Theo đó, đơn vị cảnh sát giao thông có trách nhiệm thông báo công khai: Địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin.
Đồng thời, đơn vị cảnh sát giao thông sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu của cá nhân, tổ chức cung cấp. Đơn vị cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục Cảnh sát giao thông; phòng cảnh sát giao thông, đội cảnh sát giao thông, trật tự thuộc công an cấp huyện.
Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông bằng cách cài đặt, sử dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển. Đồng thời, Thông tư 73/2024 cũng nêu quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021.
Dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.
Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, đại diện Cục Cảnh sát thông cho biết điều này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.
Do vậy những thông tin về việc cá nhân được nhận tiền thưởng từ cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm TTATGT trên mạng xã hội thời gian gần đây là không chính xác.
Chuyển biến tích cực về TTATGT sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168
Sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, TNGT giảm cả 03 tiêu chí, giao thông đi vào nề nếp,…
Theo đó, trong nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (từ ngày 01/01/2025 đến ngày 14/01/2025), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 17.500 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp GPLX bị trừ điểm. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm12.786 trường hợp (-11,54%). Trong đó vi phạm nồng độ cồn 36.055 trường hợp; 2.888 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ cơi nới thành thùng; 37.337 trường hợp vi phạm tốc độ; 339 t/h người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý 1.279 t/h không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông...
Đại diện Cục CSGT đánh giá Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATT đều xác định “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh với bạn bè thế giới, được người dân đồng tình ủng hộ.
“Thời điểm trước, trong và sau cao điểm các dịp Tết, tình hình TTATGT địa bàn toàn quốc, nhất là các đô thị lớn luôn phức tạp nhưng với sự chấp hành nghiêm túc cùa người dân, đi có hàng có lối sẽ giảm bớt nguy cơ ùn tắc kéo dài” đại diện Cục CSGT thông tin.
Tình hình TNGT cũng đã có chuyển biến rõ rệt, TNGT giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể toàn quốc xảy ra 681 vụ TNGT, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41), giảm 426 người bị thương (-34,24%), so với trước liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%). Trong đó, trên đường bộ: xảy ra 677 vụ, 363 người chết, 452 người bị thương so với cùng kỳ giảm 352 vụ (-34,20%), giảm 45 người chết (11,03%), giảm 426 người bị thương (-48,51%), so với liền kề giảm 346 vụ (-33,82%), giảm 93 người chết (-20,39%), giảm 302 người bị thương (-40,05%). Trên lĩnh vực đường sắt xảy ra 03 vụ, chết 02 người, bị thương 01 người. Trên lĩnh vực đường thuỷ xảy ra 01 vụ làm chết 01 người./.