“Cháy” giáo án
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên môn tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhớ lại những ngày đầu chập chững vào nghề tại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2. Hôm đó, trong bài Reading có từ “Bill of Lading” (vận đơn) được sử dụng nhiều trong xuất nhập khẩu. Khi soạn bài, Hữu đã xem các nội dung liên quan nên khi giảng từ vựng đó, Hữu yêu cầu sinh viên trả lời câu hỏi sau mà không được dùng tài liệu: “What’s B/L?” (vận đơn là gì). Sinh viên trả lời vanh vách khiến Hữu rất vui.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu
Cao hứng, Hữu hỏi tiếp: “How many functions of B/L are there in international trade? What are they?” (Có bao nhiêu chức năng của vận đơn trong thương mại quốc tế? Chúng là gì?). Cả lớp hô to là có 3. Trong lúc này, Hữu tranh thủ nhẩm lại 3 chức năng, nhưng nhớ mãi mà chỉ được có… 2 cái, cái còn lại quên mất. “Không sao, chắc sinh viên nhớ”, Hữu tự trấn an mình.
Sau một hồi lưỡng lự, sinh viên cũng kể, một là "Proof of carriage contract" (bằng chứng hợp đồng chuyên chở), hai là "Receipt of cargo" (biên lai nhận hàng) rồi… tắc tị. “Cái thứ 3 đâu rồi?”, vị giảng viên trẻ run run hỏi. “Dạ, tụi em quên rồi!”.
Làm sao đây? Hữu toát mồ hôi, lập tức nghĩ trong đầu phương án ứng phó. Quyết định dùng kế kích động, Hữu nói: “Câu này mà cũng không ai nhớ à? Học 'vận tải' chưa? Học rồi thì phải nhớ chứ! Ai biết tui cộng điểm!”.
Nhưng câu trả lời vẫn là “Thầy gợi ý đi, tụi em cố nhớ mà chưa ra”. Sau vài phút im lặng đến ghê người, đang không biết xử lý thế nào thì đột ngột ở cuối lớp có một cánh tay giơ lên: “Dạ, chức năng thứ 3 là 'Document of title' (giấy chứng nhận quyền sở hữu). Thầy mừng rỡ hét lên: Chính xác! Một điểm cộng. Mà sao nãy giờ em không nói?”.
Sau phi vụ quên bài nhớ đời đó, Hữu tự nhủ, lần sau luôn phải chuẩn bị chu đáo hơn và cố gắng không để xảy ra tình trạng hồi hộp, mất tinh thần nữa.
Thạc sĩ Phạm Thủy Tiên
Với thạc sĩ Phạm Thủy Tiên, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cái “thuở ban đầu” ấy cũng không bao giờ quên được. Hôm đầu tiên lên lớp, Thủy Tiên dạy môn “tủ” Speaking. Dù đã chuẩn bị bài rất kỹ, nhưng khi bước vào, Tiên bị choáng ngợp bởi hàng trăm sinh viên trẻ ngang mình đang cùng đổ dồn mắt về cô giáo. Mồ hôi túa ra ướt hết cả áo, nhưng Tiên cố tỏ ra mình thật “cool” để sinh viên không biết.
“Vì quá hồi hộp nên em nói khá lan man, động tác rất vụng về. Các đồ dùng hỗ trợ bài giảng đã chuẩn bị kỹ quên sử dụng. Cuối cùng thì bị cháy giáo án, thời gian hết mà bài chưa giảng xong”, Tiên nhớ lại.
Giảng viên Đoàn Tường Như Ý (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) thì suýt “á khẩu” khi trong một lần dạy môn Speaking. Thấy sinh viên năm nhất quá nhút nhát, ngại nói, đùn đẩy không ai chịu lên phát biểu, Như Ý bèn động viên: “Các bạn cứ mạnh dạn nói, cứ coi thiên hạ như củ khoai là được!”. Ai dè cả lớp ào ào: “Vậy cô cũng đang coi tụi em là củ khoai ạ?”. Như Ý sững người, nghĩ thầm trong bụng “Ui da, thần khẩu hại xác phàm rồi đây, sinh viên đúng là nhạy quá”.
Thư tình không hồi đáp
Kỷ niệm đáng nhớ thì có rất nhiều, nhưng T.T, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lại vui vui khi nhớ lại ngày đó thi thoảng tới lớp lại nhận được… thư tình. Vì T. chỉ hơn sinh viên có 3, 4 tuổi, người lại nhỏ bé xinh xắn, nên nhìn trẻ không khác gì sinh viên. Một hôm dạy xong, đang xếp đồ chuẩn bị ra về thì có một nam sinh viên cao lớn bước đến, vội vàng đặt lên bàn một lá thư rồi chạy vụt ra khỏi lớp. Về đến nhà mở thư ra thì đọc được những câu vô cùng mùi mẫn như sau: “Cô giáo ơi, sao cô xinh thế! Cô lại giỏi nữa… Ngưỡng mộ cô vô cùng, ước gì…”.
“Mình nhận được vài lá thư tương tự như thế của 3, 4 bạn nam khác trong lớp. Đọc thư mình rất vui, cũng có chút ngượng ngùng. Nhưng sau hồi suy nghĩ rất lâu, mình quyết định… im lặng. Chắc các bạn thấy mình không nói gì nên cũng tự hiểu là mọi chuyện chỉ nên dừng lại ở đó. Mình là giảng viên, xác định đến lớp là để chia sẻ kiến thức, không được làm những chuyện rắc rối ảnh hưởng tới công việc của mình cũng như việc học của sinh viên”, T. tâm sự.
Huỳnh Lưu Đức Toàn, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thì gặp phải tình huống thú vị khác. Hôm đầu tiên đi dạy, Toàn đi tìm lớp tài chính doanh nghiệp. Bước vào giảng đường, Toàn hỏi sinh viên “bạn ơi đây có phải lớp tài chính doanh nghiệp không?”, một bạn nhanh nhảu “ừ đúng rồi, chỗ này trống, bạn ngồi với mình luôn đi”. Thế là Toàn cũng ngoan ngoãn… ngồi xuống bên cạnh. Đợi lớp đông đủ rồi, Toàn bèn bước lên giới thiệu mình là… giảng viên. Cả lớp tròn mắt vì không nghĩ thầy lại trẻ măng như thế. Nhất là cô bạn ban nãy, tìm chỗ để trốn mà không được.
Giảng viên Huỳnh Lưu Đức Toàn
Huỳnh Lưu Đức Toàn còn nhận được thứ của một sinh viên nữ, viết toàn bằng chữ… Nhật Bản. Ở dưới kèm cái tái bút bằng tiếng Việt: “Tại sao thầy không trả lời em trên Facebook? Nếu thầy muốn biết em viết gì thì thầy lên Facebook tìm cho ra cái tin nhắn “Hi thầy” rồi thầy hồi âm lại cho em, thì em sẽ dịch lại cho thầy. Ahihi”.
Còn rất nhiều tình huống “bi hài”, thú vị diễn ra trong những ngày đầu đứng lớp của các giảng viên trẻ. Tất cả đều trở thành kỷ niệm đẹp, hoặc là những bài học quý giá để mỗi giảng viên hoàn thiện mình hơn.
Như thạc sĩ Châu Thế Hữu ngay sau buổi đầu gặp phải tình huống “quên bài”, đã tâm niệm: “Để có được một giờ lên lớp hiệu quả, giảng viên phải có sự chuẩn bị chu đáo, luôn trăn trở, tìm tòi học hỏi và hết lòng với bài giảng của mình để chuyển tải kiến thức tới sinh viên một cách tốt nhất. Thật ấm lòng khi nhìn thấy sự háo hức trong buổi học, những cái gật đầu khi hiểu bài, những nụ cười chia sẻ của các sinh viên”.