Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm
Đánh giá kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia được thực hiện theo hướng đổi mới, hướng tới một kỳ thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc này đã giúp giảm áp lực thi cử, từng bước khắc phục được tình trạng không minh bạch, tiến tới một kỳ thi trung thực.
Tuy nhiên, kỳ thi năm 2018 đã xảy ra gian lận ở một số địa phương, đặc biệt ở khâu chấm thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Rà soát lại toàn bộ quy trình thi, về phía Bộ GD-ĐT, với trách nhiệm là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc”, Bộ trưởng nêu.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, đó là phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi.
Công tác quán triệt quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi. Công tác thanh, kiểm tra chưa sâu sát trong các khâu, đặc biệt là chấm thi.
Về phía các địa phương, ban chỉ đạo thi và hội đồng thi cấp địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt công tác chọn cán bộ tham gia kỳ thi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, dẫn đến một số đối tượng chủ động thông đồng, kết nối với nhau để gian lận thi cử.
Bộ trưởng cũng nêu, ngay sau khi nhận được phản ánh về gian lận thi cử, Bộ GD-ĐT đã cử đoàn thanh tra, kiểm tra, có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp điều tra làm rõ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 2 bộ đã phối hợp điều tra, xác minh và có kết quả bước đầu: Số thí sinh được nâng điểm đã được trả về điểm thật và những trường hợp không đủ điểm xét tuyển vào đại học đã bị cho thôi học.
Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn ngành qua hội nghị trực tuyến. Bộ Công an vẫn đang tích cực điều tra, khởi tố bị can liên quan đến vụ án cũng như tiếp tục khởi tố các đối tượng liên quan.
“Do tính chất phức tạp của vụ việc, Bộ Công an vẫn tiếp tục quá trình điều tra. Các địa phương đang xử lý theo trách nhiệm của mình. Khi có kết quả điều tra, các đối tượng gian lận sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm khắc gian lận thi cử; đề nghị địa phương xem xét cho ra khỏi ngành cá nhân, học sinh có dấu hiệu vi phạm đã được cơ quan công an xác minh”, Bộ trưởng bày tỏ.
Để khắc phục tình trạng gian lận thi cử trong kỳ thi năm nay, người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết đã tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn kỹ; điều cán bộ coi thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, công tác chấm thi do Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo, giao trường đại học đứng ra phụ trách; các phần mềm được nâng cấp và mã hóa toàn bộ dữ liệu, đánh phách, lắp camera giám sát chặt chẽ.
Mỗi bài thi tự luận sẽ được chấm 2 vòng, 50% số bài thi được chấm thử nghiệm và bài điểm cao sẽ được chấm lại.
Bộ trưởng lo lắng, bức xúc về bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
“Cá nhân tôi cũng rất bức xúc, lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng bày tỏ.
Ngay khi xảy ra một số vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm ban giám hiệu, giáo viên để xảy ra bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, đề án về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị định, đề án này trong toàn ngành và nhiều văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường.
Ngày 17-4-2019, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường với gần 700 điểm cầu đến các quận/huyện của 63 tỉnh/thành phố, với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu từ trung ương đến cấp huyện, xã, trường nhằm đánh giá công tác phòng, chống bạo lực học đường, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân, hạn chế; đồng thời, quán triệt các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
“Chúng tôi nhận trách nhiệm chính trong việc để xảy ra bạo lực học đường. Tuy nhiên, để khắc phục tối đa tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự quan tâm của gia đình, sự chăm lo của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương”, Bộ trưởng nêu.
Sớm khắc phục hạn chế, yếu kém, củng cố niềm tin của xã hội
Về đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng nhận định, đội ngũ gần 1,5 triệu thầy cô, cán bộ quản lý phần lớn tâm huyết, yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, thực hiện tốt các qui định về đạo đức nhà giáo.
“Tuy nhiên, có một bộ phận thầy cô sa sút đạo đức. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương không bố trí giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo đứng lớp, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.
Cuối phát biểu của mình, Bộ trưởng nêu một số kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo người đứng đầu ngành giáo dục, sự nghiệp đổi mới giáo dục cần có thời gian mới thấy được kết quả rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục - đào tạo bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém gây bức xúc dư luận, hoài nghi về kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hai tranh luận tại hội trường với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
* Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho rằng: “Chưa thấy trong bài phát biểu của Bộ trưởng những giải pháp, quyền lợi của các cháu đã mất cơ hội trong vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia năm 2018".
Đại biểu Bộ đề nghị, cùng với việc loại thí sinh gian lận thì phải có giải pháp gọi số lượng thí sinh “học thật” đã bị loại ra do ảnh hưởng của số thí sinh được nâng điểm.
* Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị, Bộ trưởng xem xét, đánh giá tác động của của kỳ thi THPT quốc gia “2 chung” bởi thực tế kết quả không như Bộ trưởng nêu. Đại biểu cũng đề nghị giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc tổ chức thi, chịu trách nhiệm với sản phẩm “đầu vào, đầu ra”.
Về bệnh thành tích trong giáo dục, đại biểu nhận định đây là căn bệnh “trầm kha” nhưng chưa được Bộ trưởng đề cập.
“Theo Bộ trưởng, đây có phải là căn bệnh trầm trọng hay không? Cử tri cần Bộ trưởng có thái độ dứt khoát hơn trong chấn hưng nền giáo dục nước nhà chứ không chỉ nhận trách nhiệm chung chung như đã trình bày”, đại biểu nêu quan điểm.