Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định: Rất cần thiết tiếp tục quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy.
Đồng thời, đại diện Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm phân tích: Xe cơ giới bao gồm ô tô, xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ khi vận hành, hoạt động và tham gia giao thông có thể gây thiệt hại tới sức khỏe, tính mạng và tài sản của bên thứ ba. Trong khi đó, trong nhiều trường hợp như chủ xe cũng tử vong khi xảy ra tai nạn hoặc đang gặp gặp khó khăn về tài chính, phá sản, chủ xe cơ giới không có đủ khả năng, năng lực tài chính để chi trả, bồi thường cho nạn nhân, đặc biệt là trường hợp chủ xe máy thuộc thành phần, tầng lớp lao động trong xã hội, tạo gánh nặng và bất ổn lớn cho toàn xã hội.
Hiện nay mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia (Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020): Tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới (bao gồm cả xe máy) là giải pháp tài chính, công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe cơ giới sang các doanh nghiệp bảo hiểm, bảo đảm nguồn tài chính cho chủ xe cơ giới để nhanh chóng bồi thường cho nạn nhân, kịp thời ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện an sinh-xã hội.
Về cơ sở pháp lý, ông Ngô Việt Trung liệt kê một số quy định như: Khoản 1 Điều 601 Bộ Luật dân sự: "Nguồn nguy cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới...". Còn theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ: "Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự"; theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ: "Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới"; theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15: "Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng môi trường và an toàn xã hội"...
Về kinh nghiệm quốc tế, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp ngay từ những ngày đầu ra đời của các phương tiện xe cơ giới; chiếc ô tô đầu tiên ra đời năm 1885 tại Đức và đơn bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới cũng được cấp năm 1895 tại Anh quốc.
Đến nay, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe) hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu xe), Trung Quốc (trên 90 triệu xe), Indonesia (110 triệu xe), Thái Lan (22 triệu xe). Để bảo đảm thực hiện, nhiều quốc gia như (Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore...) đã có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Về các định hướng, giải pháp trong thời gian tới, ông Ngô Việt Trung cho hay, dự thảo Nghị định sắp ban hành nhằm đồng bộ với Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm TNDS của chủ xe máy. Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định tỷ lệ giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo tăng cường vai trò công cụ điều tiết kinh tế của loại hình bảo hiểm này. Tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%, đề xuất này nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.