Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nội dung giám sát tập trung vào 4 nội dung chính. Trong đó, đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014-2022; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cụ thể, đánh giá bước đầu về khả năng hoàn thành các mục tiêu của nghị quyết và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; đánh giá về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa, thể hiện trên các phương diện: Mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hai giai đoạn và định hướng nghề nghiệp; việc đáp ứng nội dung đổi mới của chương trình; mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh,…); biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Việc giám sát cũng tập trung đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình (đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học); đánh giá nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa và hiệu quả sử dụng kinh phí; đánh giá tiến độ, lộ trình thực hiện.
Quốc hội cũng xem xét, đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục) nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức.
Đối tượng giám sát gồm Chính phủ và 6 bộ liên quan; chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố (giám sát trực tiếp tại 8 địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); các cơ quan, tổ chức có liên quan (các cơ sở giáo dục phổ thông; các nhà xuất bản; các trường đại học, cao đẳng sư phạm,…). Thời gian giám sát, đánh giá từ tháng 11-2014 đến tháng 6-2022.
Thảo luận về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát không làm thay nhiệm vụ của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng, căn cứ để đánh giá; nghiên cứu khảo sát phải chọn các điển hình, đặc thù... vùng kinh tế, xã hội khác nhau. Đồng thời, làm rõ nội dung giám sát tại mỗi bộ, ngành, địa phương; tổ chức tọa đàm hẹp theo từng phần, từng nhóm vấn đề.
Qua cuộc giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, sản phẩm cuối cùng là giải trình. Trong đó phải làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở giám sát, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Đoàn giám sát sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo xin ý kiến hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, kịp thời triển khai theo kế hoạch giám sát.
* Cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, nội dung giám sát bao gồm: Việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Đối tượng giám sát gồm Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian giám sát từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2021, trong đó lưu ý đến những nội dung có tính chuyển tiếp, liên quan trong giai đoạn trước hoặc sau khung thời gian nêu trên.