Ghen có phải là yêu?

Theo Duyendangvietnam| 12/07/2017 15:35

Người ta thường nói, ghen làm cho tình yêu thêm đậm đà, là gia vị khiến tình yêu càng bền chặt. Đó chỉ là một cách nói thi vị hóa cái ghen. Không ai muốn ghen, bởi những người khi ghen đều phải trải qua trạng thái chẳng lấy gì làm dễ chịu.

Theo các nhà tâm lý học, ghen là một trạng thái tâm lý với muôn vàn cung bậc khác nhau: ghen ghét, ghen tức, ghen tỵ, ghen tuông. Ghen ghét, ghen tức, ghen tỵ là so sánh hơn kém một cách tức tối với người được hưởng cái gì hơn mình còn ghen tuông lại là một dạng tâm lý đặc biệt, là cái cố hữu nhất trong tiềm thức mỗi con người.

Ghen có phải là yêu?Thông thường, ghen khiến con người mất hết lý trí, không còn tỉnh táo, đầu óc quay cuồng, ngùn ngụt sự căm giận, dễ có những hành động tự phát bất lợi mà khi đầu óc tỉnh táo, có sự kiểm soát của lý trí, người ta không bao giờ mắc phải. Ghen khiến con người dễ nói năng nặng nề, thái độ căng thẳng, không bình tĩnh xem xét sự việc, hiện tượng để tìm ra cách xử lý tốt nhất. Ghen gây cho con người cảm giác khó chịu, ức chế khiến họ ăn không ngon, ngủ không yên. Ghen luôn gắn liền với sự tức giận, trách móc, lòng tự ái, tự trọng, sĩ diện bị tổn thương. Ghen thường biểu hiện ra dưới nhiều dạng: ghen bóng ghen gió, ghen lồng lộn, ghen vô lối, ghen vì bị kích động, ghen lẳng lặng, âm thầm…

Ghen có thể xuất hiện do mấy nguyên nhân: đối tượng mà mình yêu không chung thủy; thiếu sự tự tin về bản thân; có phần mặc cảm, quá đề cao đối phương; hoang tưởng do tâm lý mất thăng bằng; hai phía không tin cậy lẫn nhau hoặc do người ngoài tác động.

Cuộc sống hiện đại ngày nay với vô vàn mối quan hệ khiến con người không dễ gì đạt tới sự chung thủy tuyệt đối nếu không có sự vững vàng trong tình cảm, thiếu vắng sự kiểm soát của lý trí, buông thả bản thân. Theo các nhà nghiên cứu, sẽ không may cho ai tin vào huyền thoại tình yêu tuyệt đối và vĩnh hằng cho đến khi xuống mồ trừ trường hợp nấm mồ ấy xuất hiện khi hai người yêu nhau tuổi còn quá trẻ.

Ghen có phải là yêu?Tác giả cuốn sách Giải phẫu học tình yêu từng gây xôn xao dư luận Âu – Mỹ đã cho rằng, tạo hóa vốn tạo điều kiện cho sự phản bội trong tình yêu ngang bằng giữa đàn ông và đàn bà. Ngay từ thời nguyên thủy, con người bị bản năng bội tình lôi kéo, không dễ gì cưỡng lại được. Vì thế, cái gọi là lòng chung thủy, lời thề danh dự đối với người mình yêu không phải là sản phẩm của sinh học mà là của nền văn hóa.

Song, rắc rối là ở chỗ, tình yêu nhiều khi không chịu chấp nhận trong vòng cương tỏa của suy nghĩ, nhận thức, đặc biệt khi tình cảm đôi bên chỉ là một thứ gì đó na ná như tình yêu, không bền vững theo năm tháng, hai bên không thực sự hài lòng, không đủ độ tin cậy lẫn nhau. Và người yếu thế hơn thường dễ rơi vào tình trạng bất ổn, dễ tin những lời đồn thổi. Nhiều khi tự tạo nên mối ngờ vực vô hình và sự ngờ vực này cứ lớn dần lên theo năm tháng.

Thực tế cho thấy, ghen tuông không giải quyết được những mâu thuẫn, bất đồng trong tình yêu mà nhiều khi chỉ làm cho mối quan hệ càng trở nên căng thẳng, bởi thế, ghen đúng, ghen khôn luôn là điều khó với tất cả mọi người khi mục đích của hờn ghen nhằm bảo vệ hạnh phúc. Nếu không biết tự kiềm chế bản thân, sẽ không kiểm soát được hành động, mất hết lý trí, chỉ mong tìm mọi cách trả thù kẻ đã làm mình tổn thương, mong xả hết những bực dọc, tức tối trong lòng. Chính vì muốn trả thù mà trong lúc nóng giận, người ghen sẽ không phân biệt được đâu là sai đâu là đúng, dễ bị kích động dẫn đến mù quáng.

Ghen có phải là yêu?

Có thể nói, ghen như một cuộc chiến mà mục đích là giành lại người mình yêu. Song chớ quên một điều, ghen chỉ vì lòng hận thù mù quáng, nghi ngờ vô căn cứ chẳng những không giữ được tình yêu mà còn giết chết tình yêu, phá vỡ hạnh phúc. Nếu tình yêu không được xây dựng trên nền tảng tình cảm trong sáng, vô tư, bao dung, độ lượng thì dù có kè kè bên nhau cũng chỉ quản lý được nhau về thể xác chứ không thể sở hữu nhau về tâm hồn. Bởi vậy, chỉ có trái tim nhân hậu, tâm hồn thánh thiện mới là chìa khóa bí ẩn giữ cho tình yêu mãi vững bền mà thôi.

Thật ra, ghen là trạng thái cảm xúc bình thường nên ghen không phải là xấu, chỉ có điều cần phải dè chừng cách thể hiện lòng ghen đó ra sao mà thôi. Người nhân hậu dù ghen đến đâu cũng không có những hành vi độc ác, không hạ thấp mình, không làm mất danh dự của người mình yêu. Ghen cũng cần phải có văn hóa khiến người mình yêu phải quay về để đôi bên cùng hàn gắn lại tình cảm đã mất.

Ghen vốn được xem như một cơ chế già nua, hình thành qua nhiều thế kỷ, nhằm bảo vệ tình yêu và gia đình khi nhân vật thứ ba xuất hiện. Các nhà tâm lý cho rằng, người ghen khôn ngoan là người biết dùng tình yêu này để chiến thắng một tình yêu khác và ghen vừa phải trong một giới hạn nhất định nhiều khi lại đóng vai trò kích hoạt, làm sống dậy, tươi mới tình yêu.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ghen có phải là yêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO