Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” lần thứ IV - năm 2020 vừa được khai mạc tại Hà Nội. Đây là dịp để khán giả Thủ đô “gặp gỡ” hình tượng người chiến sĩ công an trên sân khấu được khắc họa sinh động mà chân thực.
Vở diễn “Tái sinh” của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tham gia liên hoan. Ảnh: HT. Được khai mạc từ ngày 16/7, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” đã đi được nửa chặng đường với 15 vở diễn được biểu diễn. Trong đó, Nhà hát Công an nhân dân là đơn vị khai màn liên hoan với vở kịch nói “Vẫn sống”. “Vẫn sống” kể về cuộc chiến đấu không khoan nhượng của lực lượng cảnh sát với bọn tội phạm ma túy. Có khi chỉ còn nỗi cô đơn khi phải sống trong mối nghi ngờ của đồng nghiệp, là sự hy sinh cả tính mạng... như trung tá Quang để đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Thậm chí, trước phút hy sinh, trung tá Quang còn có một nghĩa cử cao đẹp khi dặn người thân và đồng đội cố gắng giữ lại đôi mắt để dành tặng cháu bé - con của một đồng chí trong đơn vị bị bệnh, đang cần thay giác mạc...
Nối tiếp đó là những vở diễn: “Bộ cảnh phục” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Thầm lặng những chiến công” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), “Lằn ranh” (Nhà hát Kịch TP. Hồ Chí Minh), “Tiếng chuông” (Nhà hát Chèo Hưng Yên), “Hải Âu trắng” (Đoàn kịch nói Nam Định), “Kẻ trộm” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Vòng xoáy” (Đoàn Ca kịch Quảng Nam), “Tái sinh” (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), “Vụ án am Bụt Mọc” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), “Hai mươi năm thù hận” (Nhà hát Chèo quân đội), “Những ngày không bình yên” (Nhà hát Kịch nói quân đội), “Tình bạn và công lý” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Ai ngoại phạm” (Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi), “Chuyện của Dung” (Đoàn Cải lương Long An). Những vở diễn này đã tiếp tục khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân ở nhiều góc độ khác nhau. Có khi là những giây phút phá án căng thẳng nhưng cũng có khi là những nỗi niềm day dứt nơi hậu phương. Có khi là người chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy hoặc có khi là chiến công của lực lượng công an trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng... Đặc biệt, vở diễn “Tái sinh” mang nhiều nét tươi mới khi không chỉ kể câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an nhân dân mà còn xoáy sâu vào tâm lý của thế hệ trẻ khi lựa chọn con đường tương lai của mình.
Đây là lần thứ 4 Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” được Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. So với 3 kỳ liên hoan trước, liên hoan này thu hút sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật nhất (27 đoàn), nhiều vở diễn nhất (33 vở diễn) cùng hơn 1000 nghệ sĩ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Theo Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, liên hoan là một trong số các hoạt động đặc biệt, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2020).
Liên hoan năm nay không chỉ tăng về quy mô, số lượng tác phẩm mà còn rất đa dạng về loại hình biểu diễn, không chỉ là các vở kịch nói mà còn có cả sân khấu chèo, cải lương, dân ca kịch. Cùng với đó, dù đề tài khó và bị đóng khung, khá khô cứng song liên hoan vẫn “bội thu” với những vở diễn vừa ca ngợi truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng công an nhân dân, ca ngợi người chiến sĩ công an trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội vừa mạnh dạn đi vào các vụ án đã được bóc gỡ. Trong đó, đề tài về phòng chống tội phạm ma túy có 11 kịch bản; điều tra phá án có 12 kịch bản; đấu tranh loại bỏ tiêu cực có 3 kịch bản; chống tệ nạn xã hội có 3 kịch bản; chống tham nhũng tiêu cực có 3 kịch bản; đấu tranh với các thế lực phản động có 3 kịch bản; đề tài chính luận khác có 3 kịch bản. Ngoài ra, liên hoan không chỉ thu hút các đơn vị sân khấu công lập mà còn thu hút khá nhiều đơn vị sân khấu ngoài công lập, không chỉ có các đơn vị sân khấu ở trung ương, các thành phố lớn mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Liên hoan sẽ diễn ra đến hết ngày 2/8, tiếp tục đem đến cho khán giả những vở diễn đặc sắc như: “Chuyên án Z1” (Hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Thừa Thiên Huế), “Nhật ký kẻ tử tù” (Trung tâm bảo tồn và phát triển NTSK Việt Nam), “Đóa sen Việt” (Nhà hát Thế giới trẻ), “Ngày trở về” (Nhà hát Chèo Quân đội), “Những đứa con thời loạn” (Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế), “Hoa sen lửa” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Yêu” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Bão ngầm” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Ngọn đèn trước gió” (Nhà hát Kịch nói quân đội), “Hồi sinh” (Đoàn cải lương Hải Phòng), “Giọt máu người yêu” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang), “Chuyên án Z5” (Nhà hát Công an nhân dân), “Nhân danh công lý” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), “Búp bê không biết khóc” (Công ty TNHH Giải trí Hello Film). Riêng hai kịch bản “Người thứ 13” và “Vụ án am Bụt Mọc” được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng ở nhiều loại hình. “Liên hoan tuyên truyền, khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân qua hình thức nghệ thuật sân khấu, làm cho nhân dân hiểu hơn, tin tưởng hơn, gần gũi hơn với lực lượng công an nhân dân. Từ đó, nhân dân tham gia tích cực cùng lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” -Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.