Từ sáng sớm, phiên "Chợ quê ngày hội" bên cầu ngói Thanh Toàn cổ kính (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) với không khí rộn ràng, đánh thức cả vùng quê vốn yên bình và thơ mộng.
Ấn tượng lễ khai mạc Festival Huế 2018. Ảnh: TTXVN |
Phiên chợ quê trong ngày hội trưng bày nhiều sản vật nổi tiếng của địa phương như: Nếp Thủy Phù, bột lọc Thủy Dương, bánh tráng Thủy Lương; đậu xanh, đậu phụng, bắp (ngô) của Dương Hòa; thanh trà Thủy Bằng; dưa gang Thủy Châu, Thủy Lương… Đặc biệt, du khách tham gia lễ hội sẽ được thưởng thức các món ẩm thực dân dã mà không kém phần hấp dẫn từ làng quê ở Hương Thủy như: Xôi thịt hon, cơm mo, cơm nắm, bánh canh cá lóc, đậu hủ; các loại chè đậu xanh, đậu ván; bánh tráng chè kê, nước chè xanh gừng, nước lá, kẹo câu, kẹo đậu phụng và ẩm thực chay.
Hòa cùng với các sinh hoạt chợ quê, du khách gần xa còn có thể tham gia vào các hoạt động như: Hội thi vẽ tranh với chủ đề "Vì trái đất xanh", "Em chằm nón bài thơ" theo từng cung đoạn; hội thi xay lúa, giã gạo. Bên cạnh đó, các hoạt động góp phần làm phong phú thêm chương trình lễ hội là các trò chơi dân gian truyền thống như: Hội Bài chòi, bịt mắt đập om, bắt vịt trên sông, đá gà, hoạt động trình diễn các thao tác sản xuất, sinh hoạt truyền thống của nông dân như: Xay lúa, giã gạo, xay bột, làm bánh ít…
Cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu cổ, được làm bằng gỗ bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km theo đường bộ về phía Đông. Cầu được xếp Di tích quốc gia vào năm 1991, trở thành danh thắng quý hiếm của cả nước, bởi rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và còn là một thắng cảnh.
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian. Cầu do bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng để dân làng qua lại được thuận tiện. Ðây cũng là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Bà Trần Thị Ðạo là vợ một vị quan dưới triều vua Lê Hiển Tông, dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng, cho xứ. Bà được dân làng tôn sùng, thờ phụng. Năm 1776, vua Lê Hiển Tông đã ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong thần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.
Vì thế, du khách đến với phiên "Chợ quê ngày hội" bên cầu ngói Thanh Toàn cổ kính ra về lòng vẫn còn man mác lưu luyến với câu hò "Ơn nghĩa tiền nhân". Lễ hội diễn ra từ ngày 28-4 đến hết ngày 2-5-2018.
Điểm nhấn Chương trình "Văn hiến Kinh kỳ"
"Văn hiến Kinh kỳ" là chương trình do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng và thực hiện, diễn ra vào 28-4, được xem là điểm mới đặc sắc, là điểm nhấn của Festival 2018. Đây là vở diễn đậm chất sử thi được kết hợp giữa nhiều yếu tố: Hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu. Chương trình là một điểm nhấn thú vị và ấn tượng thu hút đông đảo du khách thập phương.
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế, chương trình tái hiện lại một câu chuyện lịch sử hào hùng về đất nước Việt Nam trong công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc.
"Văn hiến Kinh kỳ" được dàn dựng trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Chương trình có thời lượng 80 phút, được chia thành 3 chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn, đan xen tương ứng với 12 hồi gắn với các chủ đề, nội dung cụ thể. Sau ngày 28-4, chương trình được biểu diễn tiếp tục tại sân khấu nền điện Cần Chánh, Đại Nội-Huế, với 2 suất diễn vào lúc 19h15-21h15 ngày 30-4.
Có một "Phố tranh Festival Huế 2018"
Phố tranh với 216 bức tranh được sắp đặt hài hòa ngoài trời dọc theo đường Lê Ngô Cát (thành phố Huế) kéo dài khoảng 1km, ý nghĩa ứng với 216 tháng (từ năm 2000 - 2018) là Festival Huế qua 10 lần tổ chức.
Triển lãm do 3 họa sĩ Nguyễn Duy Hiền, Trần Hữu Nhật, Nguyễn Hoàng Việt tổ chức thành "Phố tranh" phục vụ Festival Huế. Các tác phẩm với chủ đề rộng mở tôn vinh đất nước, con người Việt Nam thể hiện đa dạng bởi nhiều thể loại bằng đủ các chất liệu (sơn dầu, tổng hợp, Acrylic...) được sáng tạo dưới bàn tay tài hoa của các họa sĩ danh tiếng đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam và đặc biệt có sự góp mặt của các họa sĩ đến từ Nga, Mỹ. Đây là lần thứ 5 Zero Studio (gồm 3 họa sĩ Nguyễn Duy Hiền, Trần Hữu Nhật, Nguyễn Hoàng Việt sáng lập) mở triển lãm.
Cùng chủ đề, từ ngày 28-4 đến 2-5, tại phố đi bộ ven bờ sông Hương, đoạn từ cầu Trường Tiền đến đường Lê Lợi có triển lãm ảnh phong cảnh và lễ hội ở Huế, tạo điểm nhấn cho Huế - thành phố Festival. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật ven bờ sông Hương dọc theo tuyến phố Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân để phục vụ cho người dân và du khách khi đến thăm Huế.
Ở một địa điểm khác, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên-Huế phối hợp với Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị tổ chức Triển lãm Mỹ thuật chủ đề "Sắc màu kết nối" nhằm giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của 3 địa danh Huế - Quảng Trị và Đà Nẵng. Triển lãm trưng bày 53 tác phẩm của 53 tác giả ở 3 địa phương, mỗi tác phẩm là một câu chuyện nội tâm mang đậm tính nhân văn, như ca ngợi cuộc sống, ca ngợi đất nước, biểu lộ tình yêu đối với thiên nhiên, con người… sự bộc bạch thân phận, sự chiêm nghiệm về những triết lý nhân sinh. Triển lãm diễn ra từ nay đến hết 2-5.
Hương sắc "Cây cảnh 3 miền tụ hội"
Tại vườn ngự Thiệu Phương (Đại Nội), quy tụ khoảng 800 chậu kiểng và 500 tác phẩm phong lan đặc sắc mang chủ đề "Cây kiểng và phong lan 3 miền". Không gian trưng bày nhiều cây đẹp, hoa quý ở ngự viên dịp Festival Huế. Điểm mới của năm nay là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cơ bản hoàn thành việc trùng tu phục hồi thích nghi thượng uyển Thiệu Phương. Đồng thời, sử dụng làm không gian tổ chức trưng bày phong lan 3 miền và kết nối trực tiếp với vườn Cơ Hạ ở phía Đông, nơi trưng bày các tác phẩm cây kiểng đặc sắc hội tụ từ nhiều vùng miền trong nước.
Theo đó, triển lãm quy tụ trên 1.000 tác phẩm phong lan của 170 nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành đại diện cho 3 miền đất nước như Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh... Triển lãm sẽ kéo dài đến hết Festival Huế 2018.
Lễ hội "Đa sắc diều Huế"
Các buổi chiều trong thời gian lễ hội còn diễn ra Lễ hội "Đa sắc diều Huế". Lễ hội thu hút hơn 100 con diều đủ loại của hai Câu lạc bộ Diều Huế và Câu lạc bộ Diều Anh Vũ có dịp khoe sắc tại không gian trưng bày diều Huế ở Nhà văn hóa thành phố Huế (65 Trần Hưng Đạo, Huế). Ngoài các nghệ nhân, hoạt động này còn có sự tham gia của hơn 100 học sinh tiểu học trên địa bàn. Dịp này, Ban tổ chức đã trao tặng cho mỗi học sinh một con diều và cùng thả ở sân Hàm Nghi, đối diện với Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế.