Em là bông hoa của đất

Nguyễn Thị Mỹ| 05/10/2022 05:14

Nói đến hoa hậu là trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh người đẹp chân dài nhan sắc tuyệt trần. Nhưng khi tôi đọc bài thơ “Hoa hậu” của nhà thơ Trương Anh Tú thì hình ảnh đó mờ đi để nhường chỗ cho một chân dung hoa hậu khác. Chân dung này được ngòi bút của Trương Anh Tú “vẽ” nên bằng một thứ chất liệu đặc biệt: ánh sáng của tâm hồn.

 Trương Anh Tú

Hoa hậu
Hoa hậu là khi em biết
Cất lên tiếng nước non mình
Hoa hậu là khi em biết
Tỏa hương như cánh hoa xinh.

Em đẹp từ trong mắt mẹ
Từ trong khuya sớm mỗi ngày
Từ bàn tay em như nắng
Gieo mầm nảy hạt mùa xanh.

Em đẹp thầm trong cây lúa
Nắng mưa đồng nước quê mình
Em đẹp như sông như suối
Bến bờ sóng chảy không nguôi.

Em đẹp cùng trong tiếng trẻ
Thênh thang trên những con đường
Em đẹp như trang giấy trắng
                       Viết lên hai tiếng quê hương.

Em là ban mai buổi sớm
Ngôi sao vẫn thức bên trời
Em là bông hoa của đất
Long lanh như hạt sương rơi.
.....................                
 (Rút từ tập thơ 
“Những mùa hoa anh nói ”, 
Nxb Hội Nhà văn, 2018)

Trương AnhTú cho rằng: “Hoa hậu là khi em biết/ Cất lên tiếng nước non mình”, “Hoa hậu là khi em biết/ Tỏa hương như cánh hoa xinh ”. Hai lần nhắc “Hoa hậu là khi em biết”, tác giả đã đặt em vào tâm thế chủ động, luôn có ý thức về mình. Dĩ nhiên, khi muốn trở thành hoa hậu, em đã ý thức “biết” rằng mình đẹp. Nhưng đẹp ở điểm nào, đẹp ở phương diện nào mới là quan trọng thì cụm từ “là khi” đã định hướng cho em. “Cất lên tiếng nước non mình” và “tỏa hương” là tiêu chí hàng đầu của hoa hậu, là hướng cho em “làm đẹp” bản thân mình. Nhưng đâu phải cứ là hoa thì phô sắc, tỏa hương mà chủ yếu còn phải “biết”, phải có ý thức làm cho cái phần tinh túy bên trong phát lộ, đó là điều nhà thơ đặc biệt muốn nói. 
Mạch cảm xúc về hoa hậu cứ nương theo “hương” của “cánh hoa” mà “tỏa” ra khắp chốn. Và đây là một nhánh của “hương” em: “Em đẹp từ trong mắt mẹ/ Từ trong khuya sớm mỗi ngày”. Mẹ là tấm gương phẩm hạnh cho con gái soi vào. Nên, nhìn vào “mắt mẹ ” là em được soi mình vào tấm gương ấy. Đó là tấm gương về đức tính chịu thương, chịu khó “khuya sớm mỗi ngày ”, biết làm nên sự sống cống hiến cho đời của người phụ nữ. Nói về phẩm tính này, Trương Anh Tú đề cập đến hình ảnh điển hình: bàn tay. Tác giả đã phủ lên hình ảnh “bàn tay em” một sắc màu mới lạ mang ý nghĩa biểu trưng  “Từ bàn tay em như nắng/ Gieo mầm nảy hạt mùa xanh ”. Cỏ cây, hoa lá… không thể triển nở sinh sôi nếu thiếu “nắng”. “Bàn tay em như nắng” là lời khẳng định khả năng gieo trồng sự sống tạo dựng “mùa xanh” của em. Rõ ràng trong cái nhìn của Trương Anh Tú, con người sống có ích cho đời, dâng hiến cho đời mới là con người đẹp.
Quan niệm này còn được thể hiện “Em đẹp thầm trong cây lúa/ Nắng mưa đồng nước quê mình/ Em đẹp như sông như suối/ Bến bờ sóng chảy không nguôi”. Hãy như cây lúa cho con người cái ăn. Hãy như sông, suối cho con người nước mát. Sống có ích như thế mới là lối sống của con người đẹp. Nhưng khổ thơ này có lẽ không đơn thuần “thông tin” có vậy mà điều sâu xa nhà thơ muốn nói là “đẹp thầm”. Cây lúa cống hiến cho con người nhiều giá trị tinh thần và vật chất. Cao quý như thế nhưng nó lại giấu mình sau cái vẻ giản dị, lặng thầm. Cũng như thế, hoa hậu tuy “sáng giá” nhưng hãy để cho trí tuệ và tâm hồn phát sáng. Đó mới là cái “đẹp thầm” đáng trân trọng nhất. Và,“đẹp thầm” mới là cái Đẹp vĩnh cửu. Vĩnh cửu như thiên nhiên bất biến “suối, sông”. 
Em đẹp cùng trong tiếng trẻ
Thênh thang trên những con đường
Em đẹp như trang giấy trắng
Viết lên hai tiếng quê hương.
Phải chăng quan tâm chăm sóc trẻ, thế hệ tương lai của dân tộc là sứ mệnh của hoa hậu? Vậy ra, là hoa hậu, em phải quan tâm nhiều phương diện của cuộc sống: từ vật chất đến tinh thần, từ hiện tại đến tương lai. Quan tâm lo lắng nhiều như vậy nhưng không phải cho riêng em mà là cho quê hương, đất nước, cho cộng đồng. Hình ảnh “Em đẹp như trang giấy trắng/ Viết lên hai tiếng quê hương” làm hiển hiện một tâm hồn tinh khôi trong trắng chất chứa cái tình đối với quê hương thật đẹp, thật đáng trân quý.
Câu thơ “Viết lên hai tiếng quê hương” hô ứng với câu “Cất lên tiếng nước non mình” ở khổ thơ đầu tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng như vậy phải chăng nhà thơ muốn gửi đến hoa hậu thông điệp: với hoa hậu, đối tượng để phụng sự trước sau cũng chỉ là một mà thôi. Đó là quê hương, là nước non mình. 
Em là ban mai buổi sớm
Ngôi sao vẫn thức bên trời
Em là bông hoa của đất
Long lanh như hạt sương rơi
Khổ thơ cuối có thể xem là “vĩ thanh” của bài thơ. Tác giả mang tất cả cái đẹp của đất trời dồn tụ cho một em. Tưởng như em được sinh ra từ cái rực rỡ của “ban mai buổi sớm ”, cái đẹp tươi của “bông hoa của đất”, cái long lanh của “hạt sương rơi” và cái lấp lánh của “Ngôi sao thức bên trời ”. Nhà thơ có quá lời  khi viết về Em như thế? Không. Chỉ vì quá yêu cái Đẹp, quá đắm mê cái Đẹp đến mức tôn thờ nên thi sĩ mới thâu gom tinh hoa của trời đất để “tạo” nên một hoa hậu vừa thánh thiện, cao cả lại vừa giản dị, gần gũi như thế. 
Thi sĩ đã đặt “hoa hậu“ trong một không gian tuyệt đẹp. Giữa bao nhiêu hình ảnh đẹp, theo tôi, “Em là bông hoa của đất” là hình ảnh đẹp nhất mang hồn vía bài thơ.  Ý nghĩa câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” đã được vận vào. “Bông hoa đất” là đứa con của trời đất, là kết tinh thiên địa hài hòa nên quý giá vô cùng. Vậy ra, “hoa hậu” trong suy niệm của chủ thể trữ tình không phải là người đẹp được vinh danh trên đấu trường nhan sắc mà là em, là “bông hoa đất”, là con người với khả năng lao động sáng tạo phi thường, với ý thức trách nhiệm đối với đời đã làm nên sự sống, làm nên cái Đẹp. “Em là bông hoa đất ” chính là chân dung hoa hậu rất riêng của Trương Anh Tú được nhà thơ tô tạc bằng tình yêu cái Đẹp, tình yêu con người.
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Em là bông hoa của đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO