Được mang tiếng cười - nước mắt dành tặng nhân gian…

Hoàng Anh| 30/09/2018 12:28

Cứ vào những ngày tháng 8 âm lịch hàng năm, các nghệ sĩ sân khấu dường như tất bật hơn với những hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam nhân ngày giỗ Tổ sân khấu truyền thống Việt Nam (ngày 12 tháng 8 âm lịch). Năm nay cũng vậy, lễ giỗ Tổ được các đơn vị nghệ thuật, hội nghệ sĩ sân khấu, các nhóm nghệ sĩ tổ chức long trọng, ấm cúng bằng cả tấm lòng tri ân với Tổ nghiệp đã “cho chúng tôi mối lương duyên đến với nghề biểu diễn để biết được cái đẹp, cái tốt, cái xấu, để biết trăn trở với cuộc đời, để biết đe

Được mang tiếng cười - nước mắt dành tặng nhân gian…
Nghệ sĩ Quý Bôn đã ở tuổi ngoài 80 nhưng vẫn khoe giọng hát sang sảng với khúc ngâm trong vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” tại lễ giỗ Tổ sân khấu năm 2018 do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức. Ảnh: HT

Sảnh rạp Đại Nam trong ngày Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2018 tíu tít những cái bắt tay, rạng rỡ những nụ cười, sôi nổi những câu chuyện… của các thế hệ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Được quây giữa các học trò, đồng nghiệp, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang luôn cười khà giòn giã. NSND Thúy Mùi thì luôn đem đến bao bất ngờ với bạn bè, đồng nghiệp vì dù đã nghỉ hưu nhưng dường như chị càng bận mải hơn khi chị đảm nhiệm vị trí giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam). Chỉ trong vòng vài tháng, chị đã tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt, liên kết với các đơn vị lữ hành du lịch mở tour xem nghệ thuật truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, rồi tổ chức thành công lễ hội đường phố tinh hoa Hà Nội nhân kỷ niệm 10 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính. Tới đây, NSND Thúy Mùi còn ấp ủ dự án biến địa điểm 51 Trần Hưng Đạo (Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam) thành một sân khấu biểu diễn chèo, tuồng, cải lương và cũng là nơi biểu diễn để tôn vinh các tên tuổi trong làng sân khấu, dự án số hóa dữ liệu về các nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của Việt Nam…

Vừa trở về từ liên hoan sân khấu cải lương 2018 ở Long An, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã không giấu được niềm vui khi dịp này được kính dâng lên Tổ nghề những thành công chị gặt hái được trong năm qua. Đó là, trong số 3 vở diễn chị dàn dựng thì có đến 2 vở giành Huy chương Vàng tại liên hoan, vở “Chiếc áo thiên nga” (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và “Kiếp tằm” (Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh). Cùng với đó, cá nhân chị giành giải thưởng đạo diễn xuất sắc. 

Được mang tiếng cười - nước mắt dành tặng nhân gian…
Các nghệ sĩ vui mừng gặp gỡ trong lễ giỗ Tổ sân khấu năm 2018 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại rạp Đại Nam, Hà Nội. Ảnh: HT
Và giữa bao niềm vui thân tình và ấm cúng cùng hướng về Tổ nghiệp, cũng theo thông lệ hàng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã công bố giải thưởng nghệ thuật năm 2017. Với hạng mục kịch bản, giải A được trao cho kịch bản tác phẩm “Tổ quốc nơi cuối con đường” của tác giả Lê Thu Hạnh - TP.Hồ Chí Minh; giải B thuộc về “Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư” của tác giả Nguyễn Sỹ Chức – Khánh Hoà, “Nút hơi” của tác giả Nguyễn Kháng Chiến - TP.Hồ Chí Minh, “Bão của hoàng hôn” của tác giả Vũ Thị Thu Phong – Hà Nội. Giải Khuyến khích được trao cho “Vạn thắng vương” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng, “Chuyện tình giữa chiến tranh” của tác giả Lê Đức Trung – Vũ Công Chiến, “Đối mặt” của Đặng Thanh Hương (Hà Nội); “Những hòa âm dang dở” của tác giả Bích Ngân và “Phù sa đỏ” của tác giả Ngô Hồng Khanh, “Trái tim thần y” của tác giả Đăng Minh (TP.Hồ Chí Minh), “Chàng Lía” của tác giả Đoàn Thanh Tâm – Bình Định, “Gió đại ngàn” của tác giả Thượng Luyến – Bắc Ninh, “Người đồng bằng” của tác giả Huỳnh Thanh Tuấn – Trà Vinh.

Bên cạnh đó, tác phẩm “Diễn xướng âm nhạc chèo truyền thống và biến đổi” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Phương - Hà Nội và “Từ thầy tuồng đến đạo diễn tuồng” của tác giả Đặng Bá Tài – Hà Nội cũng được trao giải thưởng xuất sắc cho sách nghiên cứu lý luận – phê bình.

Ở hạng mục giải thưởng vở diễn sân khấu xuất sắc, giải B (không có giải A) được trao cho “Ký ức lửa” của tác giả nhà văn Chu Lai, chuyển thể nhà văn Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên.

Về các giải thưởng cá nhân có giải âm nhạc trao cho diễn viên – nhạc sĩ Phùng Tiến Minh vở “Hồng Lâu Mộng” – Nhà hát Kịch Việt Nam; giải diễn viên kịch nói xuất sắc thuộc về Tô Tuấn Dũng vở “Hồng Lâu Mộng” và Ngô Thuận vở “Romeo và Juliet” – Nhà hát Kịch Việt Nam; giải diễn viên chèo xuất sắc thuộc về Hoàng Thanh Huấn vở “Những người mẹ” - Nhà hát Chèo quân đội; giải diễn viên dân ca xuất sắc trao cho Huỳnh Quang Việt vở “Ký ức lửa” - Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Dương Việt Anh vở “Điều còn lại” - Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ; giải diễn viên tuồng xuất sắc trao cho Mai Ngọc Nhân Chàng và Nguyễn Thị Thanh Vân vở “Chàng Lía” - Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

Cũng trong dịp này, Hội đã tôn vinh các nghệ sĩ cao tuổi (tròn 70, 80, 90 tuổi) như đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Diễm Lộc, đạo diễn NSND Ngọc Phương…

Báo công dâng Tổ nghiệp, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, năm 2018, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động phát triển sự nghiệp sân khấu. Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc -2018” tại Thành phố Hồ Chí Minh; “Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2018” tại Long An; “Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc - 2018 tại Bình Định; mở 2 trại sáng tác tại Đà Lạt và Bắc Ninh. Đặc biệt, Hội đã tham gia vào Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cấp chuyên ngành lần thứ IX năm 2018; thành lập Quỹ “Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam” nhằm tạo nguồn vốn cho các hoạt động của công tác Hội. 

“Năm nay là năm thứ 9 Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức giỗ Tổ sân khấu. Lễ giỗ tổ là dịp để những người làm sân khấu cả nước bày tỏ lòng biết ơn tới tiên tổ, các bậc tiền nhân đã vượt qua mọi định kiến của xã hội mà sáng tạo nên nghệ thuật sân khấu độc đáo, giàu cho bản sắc văn hóa. Đây cũng là dịp những người làm sân khấu cả nước tri ân khán giả đã đồng hành cùng các văn nghệ sĩ trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống cách mạng Việt Nam. 

Những người làm sân khấu cả nước cùng nhìn lại một năm hoạt động, đánh giá thành tích đã đạt được cũng như chỉ rõ  những hạn chế, yếu kém để có cách khắc phục. Giới nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nguyện đoàn kết, cùng nhau sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng để phục vụ nhân dân, góp phần đưa nền sân khấu Việt Nam phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, hoàn thành sứ mệnh vinh quang của người nghệ sĩ sân khấu với đất nước, với nhân dân.” – NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Trước đó, tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, 19 Hàng Buồm, Hội Sân khấu Hà Nội cũng đã long trọng tổ chức lễ giỗ Tổ sân khấu. NSND Thanh Trầm – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội đã vui mừng báo công dâng Tổ với một loạt hoạt động ấn tượng của Hội trong năm qua như: mở trại sáng tác kịch bản năm 2018 với sự tham dự của 25 tác giả. Trong 25 kịch bản được viết tại trại sáng tác thì có tới 2/3 là đề tài hiện đại khai thác nhiều lĩnh vực, yếu tố mới của xã hội đương thời. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức cho các tác giả đi thực tế ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, tham quan một số khu công nghiệp, nông nghiệp… Sau chuyến đi các tác giả đã có nhiều ý tưởng sáng tác rất khả quan cho kịch bản tiếp theo của mình. Về lĩnh vực lý luận, Hội đã tổ chức thành công hội thảo “Mối quan hệ giữa tác giả với các nhà hát”. Hội thảo đã gây ấn tượng trong giới văn học nghệ thuật nói chung và ngành sân khấu nói riêng và được các nhà chuyên môn đánh giá là cần thiết và cấp bách, qua đó đặt ra một vấn đề sống còn để sân khấu tồn tại và phát triển theo cơ chế thị trường.

Cũng tại lễ giỗ Tổ của Hội Sân khấu Hà Nội, cùng với những lời ca, tiếng hát hay diễn lại một đoạn vai mẫu (như nghệ sĩ Quý Bôn ngâm lại khúc ngâm trong vở “Lưu Bình Dương Lễ”). Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng các nghệ sĩ đều hẹn nhau phải thật mạnh khỏe để còn giúp được gì cho sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu nước nhà nói chung vẫn luôn sẵn lòng. “Sân khấu hôm nay gặp rất nhiều khó khăn, thử thách luôn cần sự góp sức, đồng lòng của mỗi người nghệ sĩ. Trong cuộc phục dựng nền sân khấu phát triển, chúng tôi tuổi cao nhưng không có nghĩa là đứng ngoài cuộc. Chắc chắn rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ rất cần chúng tôi truyền nghề một cách bài bản để vốn cổ cha ông không bị mai một, thất truyền.” – NSND Mạnh Tưởng năm nay đã ngoài 80 tuổi hào hứng nói.

Ngoài ra, tại Hà Nội, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ cũng tề tựu đông đủ để cùng dâng nén hương thành kính lên Tổ nghiệp như lễ giỗ Tổ tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô Hà Nội; tại Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ. Tại lễ giỗ Tổ ở sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, ngoài nghi lễ thành kính dâng hương, các nghệ sĩ còn biểu diễn vở kịch “Dưới ánh đèn”. “Tất cả nghệ sĩ chúng tôi luôn biết ơn Tổ nghiệp vì với nghề nghiệp này chúng tôi có bạn bè tri kỷ, yêu thương, để thấy cuộc đời thật nồng ấm” – NSƯT Chiều Xuân xúc động bày tỏ. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Cuộc hành quân đặc biệt
    Tháng 4 mang theo sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn, gợi lên trong tôi bao ký ức không thể nào quên về người cha thân yêu nay đã đi xa. Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khi cả nước sục sôi khí thế tiến về giải phóng Sài Gòn, Xưởng phim truyện Việt Nam nhanh chóng cử các nghệ sĩ tinh nhuệ chia thành bốn nhóm gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, thu thanh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
  • NXB Kim Đồng ra mắt loạt ấn phẩm đặc sắc dịp Ngày sách Việt Nam 2025
    Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư và kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu nhiều ấn phẩm mới dành cho thiếu nhi. Các tác phẩm không chỉ mang giá trị giáo dục sâu sắc mà còn truyền cảm hứng về khoa học, văn hóa và lòng yêu nước.
  • Khánh thành, đưa vào sử dụng Nhà thư viện Trường Đại học Kinh tế Huế
    Đại học Huế đưa vào sử dụng Nhà thư viện Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) với diện tích xây dựng 999 m2 để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của gần 10.000 sinh viên.
  • Đầu tư 18 tỷ đồng tổ chức Đại nhạc hội “Mega Booming - Huế” ở Quảng trường Ngọ Môn
    Đại nhạc hội “Mega Booming - Huế 2025” sẽ diễn ra vào tối ngày 6/7 tại Quảng trường Ngọ Môn Huế (TP Huế) với kinh phí tổ chức lên đến 18 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, bán vé và kỳ vọng trở thành điểm nhấn giải trí về đêm thu hút khách du lịch cho Cố đô Huế.
Đừng bỏ lỡ
Được mang tiếng cười - nước mắt dành tặng nhân gian…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO