Trước đó, vào tháng 6/2019, Hùng đến khu vực Bệnh viện Quân y 103, xin vào làm công trình đang xây dựng tại khu vực này. Thấy có nhiều người bị suy thận có nhu cầu ghép và cũng có nhiều người do hoàn cảnh khác nhau muốn bán thận để lấy tiền, đối tượng nảy sinh ý định tìm người có nhu cầu ghép thận và người bán thận để thực hiện việc mua bán thu lợi bất chính.
Đối tượng thuê phòng trọ tại nhà nghỉ trên địa bàn phường Phúc La (quận Hà Đông), sau đó tìm người bán để đưa về nuôi ăn ở tại đây. Hùng thỏa thuận với những người bán nhận được từ 250 - 300 triệu đồng khi bán được 1 quả thận. Từ tháng 11/2019 đến khi bị bắt giữ, Hùng đã thực hiện nhiều lần môi giới mua bán thận, mỗi lần mua bán hưởng chênh từ 100 đến gần 200 triệu đồng.
Mới đây, tháng 3/2020, Hùng liên hệ với anh Nguyễn Văn N. có nhu cầu bán thận để giải quyết khó khăn cá nhân. Đối tượng thỏa thuận mua của anh N. quả thận với số tiền 280 triệu đồng. Hùng đưa người bán thận về nhà nghỉ nuôi ăn ở rồi liên hệ với người mua là anh Nguyễn Văn H. mua với giá 480 triệu đồng
Tại thời điểm bị bắt, Hùng còn đang nuôi ăn ở một phụ nữ có nhu cầu bán thận với giá 250 triệu đồng. Hiện Công an quận Hà Đông đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau: Tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Mô và bộ phận cơ thể con người là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm. Hành vi mua bán nội tạng người là nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật nghiêm cấm.
Khoản 8 Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã nghiêm cấm các hành vi: Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 11/2019 đến khi bị bắt giữ, đối tượng đã thực hiện nhiều lần môi giới mua bán thận, mỗi lần mua bán hưởng chênh từ 100 đến gần 200 triệu đồng. Tại thời điểm bị bắt, đối tượng còn đang nuôi một phụ nữ có nhu cầu bán thận với giá 250 triệu đồng.
Xét hành vi của đối tượng tuy không tác động trực tiếp vào cơ thể nạn nhân nhưng lại tiến hành mua bán bộ phận cơ thể (thận) của nhiều người khác vì mục đích thương mại đã cấu thành tội mua bán bộ phận cơ thể người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân (từ 61% trở lên), số lần mua bán thận trót lọt (từ 6 người trở lên), đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất tù chung thân theo Khoản 3 Điều 154 Bộ luật Hình sự.
Hành vi phạm tội của đối tượng được xác định giữ vai trò chính, là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc mua bán bộ phận cơ thể người. Tội mua bán bộ phận cơ thể người là tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần có hành vi khách quan đã thỏa mãn cấu thành thành tội phạm.
Đối với những người bán thận cũng là chủ thể của tội phạm với vai trò đồng phạm giúp sức để đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, họ cũng là nạn nhân của việc mua bán thận và bị thiệt hại về sức khỏe (mất 1 quả thận). Mặt khác, những người bán thận đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế, bước đường cùng mới bán thận để có tiền trang trải cuộc sống. Do đó, theo quan điểm của luật sư, để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật không cần thiết phải xử lý hình sự những người bán thận là có căn cứ, đúng quy đinh của pháp luật.
Đối với những người khác (nếu có) tham gia giúp cho đối tượng trong việc nấu nướng, chăm sóc, quản lý người bán thận ở phòng trọ thì tùy theo tính, chất mức độ, ý thức chủ quan có biết rõ việc nuôi nạn nhân để mua bán thận hay không. Nếu biết rõ thì có thể bị xử lý đồng phạm về tội mua bán thận.