Giải quyết nhiều vấn đề dân sinh cấp thiết
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đến nay, các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đã trở thành nền nếp, giải quyết được nhiều ý kiến, băn khoăn, thắc mắc, đề xuất, kiến nghị của nhân dân.
Tại huyện Thanh Trì, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức 4 cuộc tiếp xúc, đối thoại định kỳ và nhiều cuộc đối thoại chuyên đề, đối thoại đột xuất. Điển hình như tại cuộc đối thoại định kỳ trong tháng 9-2020, đã có 10 đại biểu nêu ý kiến về 23 vấn đề, đều được huyện quan tâm rà soát, từng bước giải quyết. Thông tin thêm về vấn đề này, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 3 (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Trà chia sẻ: “Qua các cuộc đối thoại, cấp ủy, chính quyền huyện đã tiếp thu, giải quyết hàng loạt vấn đề về giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn. Nhờ đó, diện mạo của xã ngày càng khang trang, sạch đẹp”.
Giống như huyện Thanh Trì, quận Tây Hồ đã nghiêm túc triển khai các hội nghị đối thoại ở cấp quận và cấp phường. Hoạt động này trở thành một phương thức quan trọng nhằm phát huy dân chủ, để nhân dân được trực tiếp đóng góp ý kiến với lãnh đạo cao nhất của địa phương... Còn tại quận Hoàng Mai, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam quận Phạm Ngọc Tiến cho biết, quận thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Từ những ý kiến phản ánh tại các cuộc đối thoại về thực trạng thiếu trường lớp, UBND quận đã tập trung đầu tư xây mới nhiều trường học, từng bước đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất trong giáo dục, đào tạo của học sinh và nhân dân trên địa bàn. Quận cũng đã đôn đốc, kịp thời giải quyết, hạn chế nhiều vụ việc bức xúc kéo dài.
Phát huy cao vai trò, trách nhiệm
Bên cạnh kết quả đạt được, không ít cuộc tiếp xúc, đối thoại vẫn còn hạn chế. Đó là ở một số nơi việc đối thoại còn hình thức, người đứng đầu chưa trực tiếp trao đổi từng vấn đề mà vẫn giao cho cơ quan chuyên môn; chưa thực hiện đúng quy định về thời gian phải ra thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thông báo bằng văn bản kết quả xem xét, giải quyết các ý kiến, nội dung chưa được làm rõ…
Hoạt động đối thoại cũng được quy định tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, hằng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương.
Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành cho biết, thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy sẽ chủ trì, phối hợp với các ban Đảng của Thành ủy xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung này. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục bám sát Quyết định số 2200-QĐ/TU nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc đối thoại.
Chung quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàng Mai Phạm Ngọc Tiến cho rằng: “Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là hết sức cần thiết, giúp hiệu quả công việc được nâng lên. Khi không còn HĐND cấp phường thì vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng phải nâng cao hơn nên chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường nắm bắt, tổng hợp các tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để các cuộc tiếp xúc, đối thoại diễn ra hiệu quả”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đối thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cũng bày tỏ quyết tâm: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại, tuyên truyền, đồng thời phải đặt mình vào vị trí người dân để tìm ra hướng giải quyết thấu tình, đạt lý nhất”.
Việc thực hiện nghiêm túc quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân đã kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc, nguyện vọng chính đáng, qua đó tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân. Phát huy kết quả đã đạt được, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội cần tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.