Độc đáo làng dựng nhà cổ ở Phù Yên

Nguyễn Đăng| 07/06/2017 14:53

Những ngôi nhà cổ do đôi bàn tay của những người thợ tại làng Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) dựng lên được khách hàng khắp nơi từ trong Nam ngoài Bắc yêu thích. Cũng bởi những ngôi nhà cổ này có hoa văn chạm trổ tinh tế, dáng nhà cao ráo, thoáng đãng mà vẫn ấm cúng, thân thương.

Những đôi tay tài hoa

Vài năm trở lại đây, mỗi khi nhắc đến những ngôi nhà gỗ mang phong cách cổ điển chắc chắn phải nhắc đến những người thợ chuyên dựng nhà cổ tại làng Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của những khách muốn đặt dựng những ngôi nhà cổ với giá thành từ vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Đông - Trưởng thôn Phù Yên cho biết, tại Phù Yên hiện nay có rất nhiều gia đình nổi tiếng bởi nghề làm nhà cổ như hộ gia đình ông Nguyễn Chí Mười, hộ ông Nguyễn Chí Điền... với uy tín và các mẫu nhà đẹp, được nhiều khách hàng tin tưởng.

Độc đáo làng dựng nhà cổ ở Phù Yên
Những người thợ dựng nhà cổ ở làng Phù Yên luôn tìm tòi những mẫu mã, họa tiết mới để dựng lên những
căn nhà làm hài lòng khách hàng 
Ảnh: Đăng Chung
Chúng tôi đến tham quan xưởng dựng nhà cổ của hộ ông Nguyễn Chí Điền khi cả chủ và thợ đang miệt mài đục đẽo, chạm khắc những mẫu hoa văn trên cột gỗ. Ông Điền cho biết, giá thành của mỗi ngôi nhà cổ hiện nay trên thị trường cao hay thấp còn tùy theo mức độ tinh xảo của những chi tiết được chạm, khắc trên mái, cột nhà như rồng, phượng. "Kiểu nhà càng cổ, họa tiết chạm khắc càng cầu kỳ, tinh xảo, độc đáo bao nhiêu lại càng được săn lùng bấy nhiêu vì không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp nên dù đắt đến đâu vẫn không thiếu khách đặt làm" - Ông Điền nói.

Bên cạnh đó, điều then chốt để quyết định mức giá của một căn nhà chính là loại gỗ được gia chủ đặt làm. Càng những loại gỗ tốt, gỗ quý hiếm thì giá thành của căn nhà càng cao. Hiện nay, các loại gỗ được các khách ưa chuộng để dựng nhà cổ thường là đinh, lim, sến, táu, mít, xoan,... với giá thành những ngôi nhà từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Thông dụng nhất vẫn là gỗ xoan và một vài loại gỗ tạp khác. Tuy nhiên, để có thể sở hữu một căn nhà cổ làm bằng gỗ xoan 3 gian hiện nay, khách phải bỏ ra số tiền ít nhất cũng từ 300 - 500 triệu đồng với thời gian thi công khoảng 2 tháng.

Theo lý giải của những thợ dựng nhà cổ tại Phù Yên thì hiện nay ngày càng nhiều khách hàng "chuộng" ở nhà cổ là do những ngôi nhà cổ được làm bằng những nguyên, vật liệu lấy từ thiên nhiên là chính, lại được thiết kế khá đặc biệt nên thường ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, phù hợp với những người có lối sống muốn hòa mình vào thiên nhiên.

Một thợ làm nhà cổ có thâm niên trong nghề hơn hai mươi năm tại làng Phù Yên cho biết,  đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Cách lắp ghép này vừa đảm bảo độ bền chắc cho ngôi nhà và càng sử dụng lại càng thấy sự hài hòa trong từng thớ gỗ. Chưa kể đó là những hoa văn, họa tiết trang trí trên từng kèo, cột, khiến những người thợ dựng nhà phải bỏ công đục đẽo, chạm trổ hàng tháng trời mới xong.


Độc đáo làng dựng nhà cổ ở Phù Yên
Những hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo do những người thợ tại làng nghề Phù Yên chạm khắc - Ảnh: Đăng Chung

Ngày càng phát triển

Để làm ra được những ngôi nhà cổ, người thợ Phù Yên phải sưu tầm những mẫu nhà hay những mẫu vật dụng dù là rất nhỏ ở những vùng khác nhau để phục vụ cho chính công việc của mình nên khách hàng từ khắp nơi tấp nập tìm về.

Ông Nguyễn Gia Dư - Chủ tịch UBND xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, nghề làm mộc tại Phù Yên đã có hàng trăm năm nay với nhiều nghệ nhân có tay nghề cao. Đến nay, trong làng có hàng trăm xưởng sản xuất lớn tại gia đình, hàng năm đã đưa ra thị trường trên cả nước những sản phẩm mộc độc đáo đem lại thu nhập và giá trị kinh tế cao. Cũng theo đại diện chính quyền địa phương, trong vài năm trở lại đây, việc nhiều người thích làm những ngôi nhà cổ để ở đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương. 

Độc đáo làng dựng nhà cổ ở Phù Yên
Điểm khác biệt so với những làng dựng nhà cổ khác là những ngôi nhà do những người thợ tại làng nghề Phù Yên
luôn cao ráo, thoáng mát và rất được khách hàng yêu thích - Ảnh: Đăng Chung
"Vừa qua, làng Phù Yên đã được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống mộc Phù Yên”, đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân và chính quyền địa phương. Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và với sự nhạy bén, năng động, sáng tạo những người thợ của làng Phù Yên đã vận dụng kinh nghiệm của cha ông và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần phát triển nghề truyền thống của quê hương" - Ông Nguyễn Gia Dư nói. 

Được biết, không chỉ ở Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) mới có nghề làm nhà cổ mà tại một số tỉnh thành khác như Nam Định, Hòa Bình, Nghệ An... cũng có những xưởng nhận làm nhà cổ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều khách hàng thì những ngôi nhà cổ do thợ làng Phù Yên làm vẫn được ưa chuộng nhất. Năm nào cũng vậy, khách hàng khắp nơi, thậm chí từ trong Nam cũng lặn lội tìm đến Phù Yên để đặt làm nhà cổ. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Cuộc hành quân đặc biệt
    Tháng 4 mang theo sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn, gợi lên trong tôi bao ký ức không thể nào quên về người cha thân yêu nay đã đi xa. Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khi cả nước sục sôi khí thế tiến về giải phóng Sài Gòn, Xưởng phim truyện Việt Nam nhanh chóng cử các nghệ sĩ tinh nhuệ chia thành bốn nhóm gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, thu thanh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
  • Quận Tây Hồ: Dự kiến còn 2 phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở
    Sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, quận Tây Hồ dự kiến thành lập 2 đơn vị hành chính cơ sở gồm: Tây Hồ và Phú Thượng.
  • Thị xã Sơn Tây: 3 xã dự kiến sau sắp xếp đơn vị hành chính đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử
    Thị ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, triển khai phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo làng dựng nhà cổ ở Phù Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO