Được khởi dựng từ thế kỷ XVI, Cù Sơn Trung là ngôi đình lớn với tổng thể kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm cổng đình, sân đình, nhà đại bái, đình Trung, đình Thượng, nhà tả vu - hữu vu, bên ngoài là hồ Lão và hồ Chạ. Cổng đình có dạng trụ hộp hình chữ nhật, trên đỉnh đắp tứ phụng, phía dưới các ô đắp nổi hình tứ linh; hai bên thân trụ có các cặp câu đối.
Mỗi bên cổng là các cổng phụ có mái xếp chồng. Bước qua cổng là sân đình rộng, tiếp đến là nhà đại bái gồm năm gian với các cột cao và bộ khung đỡ vững chãi.
Nằm tách biệt với nhà đại bái bởi một khoảng sân hẹp là đình Trung có kết cấu ba gian hai dĩ, với hệ thống cửa bức bàn được giữ gìn nguyên vẹn. Hệ thống cột trụ và cột hiên được làm bằng đá xanh có đường kính 25 - 30cm được chạm khắc họa tiết hình hoa lá, tứ linh. Mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc là các đầu đao cong mềm mại, phía trên đắp tượng lân khảm sành. Trên đỉnh mái là đôi rồng chầu nguyệt uy nghi. Bộ khung giá đỡ có kết cấu chồng rường bằng gỗ lim, bên trên chạm bong kênh hình rồng sinh động. Gian chính giữa đình là nơi đặt ban thờ, bên trên là bức hoành phi mang dòng chữ: “Trung sĩ danh liệt”. Trong khuôn viên đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ cổ có giá trị như các cặp câu đối chữ Nho cổ trên các trụ cột, bộ chấp kích, đôi hạc gỗ đứng trên lưng rùa, hai bộ kiệu sơn son thếp vàng...
Đình Thượng nằm ở phía trong cùng, có kết cấu tương tự đình Trung với cửa bức bàn, cột trụ bằng đá xanh nhưng chỉ có 3 gian. Chính giữa là nơi đặt bệ thờ, trong cùng là ngai thờ Thành hoàng làng. Để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng - tướng công Phạm Tu, người dân thôn Sơn Trung thường tổ chức lễ hội đình Cù Sơn Trung vào ngày 10 tháng Ba âm lịch hằng năm với các nghi thức tế lễ truyền thống cùng nhiều hoạt động hội hè hấp dẫn, trong đó có đi thuyền rồng hát quan họ trên hồ Chạ.