Phát biểu tại Diễn đàn mở, giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF nhấn mạnh tiếp nối cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã mở ra kỷ nguyên về công nghệ số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự khác biệt khi nâng tầm công nghệ một cách toàn diện hơn, bao gồm nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, y học chính xác...
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, liên lạc, tiêu dùng, truyền thông…, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới tất cả hoạt động mà còn tác động tới bản thân mỗi con người, dẫn đến sự kết hợp hòa trộn giữa thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học.
Một trong những sự khác biệt căn bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tốc độ và nội hàm; từ đó làm thay đổi mạnh mẽ các mô hình kinh doanh, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các nền kinh tế và các xã hội.
Trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Để sẵn sàng cho sự thích ứng này, ông Klaus Schwab cho rằng điều kiện tiên quyết là cần ý thức được đúng mức tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường sự hiểu biết về những điều đang diễn ra xung quanh; đồng thời huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất cho việc nắm bắt các cơ hội.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần xây dựng những chính sách cần thiết, khuyến khích tinh thần của cộng đồng doanh nhân trong xã hội; cởi mở trước những sự thay đổi.
Trước những e ngại về vấn đề nhiều việc làm sẽ mất đi khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển, ông Klaus Schwab khẳng định nhiều cơ hội việc làm mới sẽ xuất hiện, quan trọng là mỗi cá nhân cần chuẩn bị sẵn sàng bằng cách trang bị những kỹ năng cần thiết.
Thế hệ trẻ chính là những người sẽ thích ứng và ứng dụng công nghệ mới nhanh nhất. Đây là nền tảng cần thiết khi xây dựng hệ sinh thái về tinh thần doanh nhân. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế của mỗi quốc gia bởi đây chính là động lực của công nghệ mới.
Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Ông Klaus Schwab cho biết, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang hợp tác trong nhiều dự án mới để đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có môi trường trao đổi sáng tạo và tương tác với nhau hiệu quả hơn.
Được cấu thành từ nhiều thành tố quan trọng, song ông Klaus Schwab cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được phát triển dựa trên việc lấy con người làm trung tâm.
Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ trên thế giới nói chung tiếp tục nỗ lực để nắm bắt những cơ hội lớn mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại; bởi thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không đồng nghĩa với việc con người sẽ trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo mà cần trở thành nhân tố làm chủ công nghệ mới hiện đại, từ đó xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cộng đồng, xã hội.
Chủ động ứng phó với các tác động
Phát biểu tại Diễn đàn mở, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển và những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội.
Đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới.
Ở đó cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh mong muốn được tăng cường trao đổi, đối thoại và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, hợp tác từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp của WEF, đặc biệt là cá nhân giáo sư Klaus Schwab, về các giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong ASEAN, tăng cường năng lực liên kết giữa các nước ASEAN về đổi mới sáng tạo để phát huy tốt nhất những thời cơ, ứng phó hiệu quả với những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các đại biểu tham luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035; kịch bản Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của mình, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.
Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng trở nên thông minh, hiệu quả hơn.
Phiên thảo luận đặc biệt này là sự hợp tác giữa WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm tạo nên một diễn đàn mở cho giới trẻ, sinh viên, doanh nhân, chuyên gia trẻ và công chúng một cơ hội để thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN.
Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho mọi người.